Báo Xuân 2025
Đầu năm mua muối
Cứ Tết đến, Xuân về, dân ta có tục lệ xem muối là vật thiêng.
Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng, gừng hãy còn cay
Cái thanh tao, tinh khiết của hạt muối đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng vốn có tự lâu đời. Có thể nói, hạt muối từ khi sinh ra đã gắn bó với sinh mệnh con người và rất thiêng liêng mỗi khi nhắc tới. Mua muối đầu năm là muốn giữ lại sự mặn mà trong cuộc sống. “Đầu năm mua muối”, là đi mua những cái mặn mà, may mắn cho gia đình mình trong một năm.
Trong mâm cỗ cúng trung thiên trong thời khắc Giao thừa thiêng liêng, gia đình sửa soạn mâm cỗ không bao giờ quên được đĩa muối trắng và cốc gạo, với hy vọng, một năm mới bình yên, sung túc.
Trong những ngày đầu năm mới tại các di tích tín ngưỡng như đình, chùa, miếu, phủ…, những gói muối được bày bán bên cạnh hoa quả, vàng, hương… Sau khi vào lễ Phật, lễ Thánh, lúc ra về, trên tay các bà, các chị là những cành lộc còn có một gói muối, ai cũng đinh ninh trong lòng một niềm tin về năm mới mọi việc tốt đẹp, hanh thông.
Đầu năm mua muối đã được các thế hệ cha ông đúc kết qua nhiều thế hệ, như muốn nhắc nhở các thế hệ cháu con trong cuộc sống phải “ăn dè” và chi tiêu tiết kiệm dành tiền để “cuối năm mua vôi” xây nhà hoặc làm những việc trọng đại khác.
![]() |
Đầu năm mua muối - Một truyền thống đẹp của người Việt, biểu tượng của sự may mắn, đậm đà tình nghĩa trong năm mới. |
Đầu năm mua muối còn hàm chứa một giá trị nhân văn mà cha ông chúng ta muốn gửi gắm vào trong đó một lối ứng xử tinh tế giàu văn hóa, luôn đề cao sự tinh khiết, thanh tao, mặn mà trong các mối quan hệ gia đình, xã hội và cao hơn nữa là tình yêu quê hương, đất nước.
Tay bưng đĩa muối chấm gừng,
Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau.
Từ xa xưa trên đất Quảng, từng có cuộc giao lưu buôn bán muối giữa người Cơ tu và người Kinh. Những dấu tích về các điểm cúng muối hay những ký tự cổ được cho là chữ Phạn trên vách đá ở Achia (xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) có thể là di sản còn lại trên con đường trao muối giữa miền ngược và miền xuôi.
Ở căn cứ trên núi rừng những năm kháng chiến luôn đối diện 4 vấn nạn: đói, đau, rách và lạt. Đói gạo triền miên. Thiếu thuốc, đau không lành, ốm o. Áo quần phong phanh, vá, rách, chịu lạnh và thiếu muối thì chịu lạt. Nhiều năm sau ngày có Hiệp định Genève (tháng Bảy năm 1954), không có muối để ăn, có thời gian bà con dân tộc phải đốt gốc cây tranh lấy tro ăn cho có chất mặn. Biết cán bộ cách mạng trụ lại trong các bản làng đồng bào dân tộc, địch không thể đưa quân lên truy tìm cho ra cán bộ cách mạng, chúng ngăn cấm đưa muối lên nguồn, mở chiến dịch ‘‘Thượng du vận’’, vận động và buộc bà con dân tộc không được giao lưu với ‘‘thương lái’’ - là những người Kinh có khả năng đưa nhu yếu phẩm đồng bào miền núi cần như muối, cá khô, mắm cái, từ đồng bằng lên đổi cho đồng bào dân tộc thiểu số rồi lấy lâm sản quý như quế, trầm, mật ong… về bán cho dân ở đồng bằng. Từ hoạt động giao thương này, xuất hiện câu ca:
Ai về nhắn với nậu nguồn,
Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên.
Thiếu muối, cán bộ người Kinh công tác lâu năm trong vùng núi, phải mài răng, căng tai thành những già làng như Phạm Xuân Thâm (Sáu Do), Phạm Thành Hiệu (Hai Non), Phan Côn (Bốn Côn), Nguyễn Nhĩ (Chín Nhĩ), từng bị thiếu muối năm sáu tháng liền, mờ mắt, chân tay bủn rủn, người phù thũng, bủng rẹt. Có thời gian từng thiếu muối cả làng đau. Đến khi có muối, thèm, ăn mặn vào thì cả người trương phình lên, nửa tháng chưa xẹp.
Ban ‘‘Kinh tài’’ của Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng do ông Phạm Đức Nam - Sáu Nam phụ trách, cắm một tổ ở Ô Rây, Tống Cói, nối với Túy Loan, huyện Hòa Vang, hằng tháng khó nhọc, nguy hiểm và cả hy sinh cũng chỉ đưa lên núi đôi ang muối. Cắm một tổ chốt ở Nà Lau, Khe Sé, huyện Quế Sơn, móc muối từ đồng bằng phía nam lên, cũng chẳng được bao nhiêu. Sáu Nam phân một tổ xuống đứng sát khu vực quận lỵ Trà My, cũng không làm sao tìm ra nguồn muối. Ở hướng Hạ Sơn, Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, cũng có một tổ vừa kiếm muối vừa kiếm rựa… Những năm 1959, 1960, món quà anh em đi xuống làng mang về, quý nhất là muối.
Khi làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Mười Khôi được tập thể giao nhiệm vụ giữ kho muối. Bấy giờ ‘‘thủ kho to hơn thủ trưởng’’. Mười Khôi vừa là thủ trưởng vừa là thủ kho! “Kho muối Mười Khôi” như kho vàng, phải giữ gìn và bảo vệ cẩn mật, khi có lệnh của Tỉnh ủy mới được xuất. Mười Khôi giao cho Sáu Nam phát muối với tinh thần như là lệnh - nghiêm khắc, cứng rắn, không được để tình cảm chen vào trong khi thi hành nhiệm vụ.
Muối quý đến mức, đồng bào miền núi thường hỏi các ‘‘già làng’’ người Kinh, tại sao cây lúa, cây bắp gieo được mà muối không gieo được? Người ta nghĩ đến vùng đất sản sinh ra muối và mơ: Ngày mai bờ biển sẽ về ta, Muối Sa Huỳnh bạc ánh sao sa, Ta nằm trong muối, lăn trong muối. Xát trắng toàn thân thật mặn mà!
Năm 1961, cơ quan Tỉnh ủy dời xuống ở Bồ Lô Bền - vùng trung của huyện Hiên, rồi xuống vùng thấp Bến Hiên, ở cách đồn Phú Mưa, nửa ngày đường đi bộ. Ở Bồ Lô Bền được một tháng rưỡi thì địch phát hiện, đổ quân càn, thế là phải chạy lên vùng cao hơn. Hồi đó, dự trữ được 50 ang (30 gùi muối), quý lắm. ‘‘Thủ kho’’ Mười Khôi tìm chỗ giấu muối. Địch lên đóng chốt ở sông Voi, lùng sục mấy ngày mới phát hiện ra kho muối, chúng xúc muối đổ hết xuống sông. Trận càn sau đó, địch đưa một tiểu đoàn biệt động quân phối hợp với quân ở đồn Phú Mưa, càn quét khu vực sông Côn.
Trong một cuộc họp chi bộ, sau trận bị địch càn lên Bồ Lô Bền - cái trận mà Mười Khôi gọi là ‘‘ta chạy trước, địch đuổi sát sau lưng’’, khi tập họp anh em chạy các cánh lại, họp rút kinh nghiệm, Mười Khôi nhận khuyết điểm. Tưởng thủ trưởng nghiêm túc vậy là xong. Ai hay, đến cuộc họp kiểm điểm cuối năm 1961, Mười Khôi lại nhắc lại cái khuyết điểm nhớ đời và ghi vào sơ yếu lý lịch.
Trung úy Nguyễn Chơn ngày ấy, sau này là Thượng tướng, anh hùng, kể lại, khi Tỉnh ủy kiếm được muối thì phát cho mỗi cán bộ trong một tháng được một lon muối tiêu chuẩn. Nhận muối về, Nguyễn Chơn đổ lon muối ra trên tờ giấy, phân ra làm 30 phần, để biết muốn có muối ăn trong một tháng thì một ngày chỉ ăn bao nhiêu muối là vừa. Có cán bộ thủ muối trong bọc, tối lên võng nằm, thò tay lấy một hột muối ngậm cho đỡ thèm.
Trên một trăm năm mươi cây số vùng ven biển đất Quảng từng có làng muối ở Cẩm Thanh của Hội An, làng muối ở Tam Quang, Tam Giang của Núi Thành. Xã Tam Giang thời ‘‘Pháp thuộc’’, từng có tên xã Diêm Trường. Dân làm muối gọi là diêm dân. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hầu như trên những‘‘ruộng muối’’, ‘‘đồng muối’’ biến thành ‘‘ruộng tôm’’, thành ‘‘khu du lịch sinh thái’’. Những diêm dân bao đời phơi dưới nắng cháy da làm ra hạt muối mặn bao bận lao đao. Có thực trạng, các doanh nghiệp kinh doanh muối ngoại thì không quan tâm phát triển muối nội, để bà con diêm dân nai lưng cạch với nghề muối thủ công, không tài nào làm ra hạt muối trắng, sạch, tuy vẫn mặn. ‘‘Nắng cháy thịt da mới ra hạt muối’’.
Đầu tư xây dựng nhiều ruộng muối có chất lượng cao, làm nên một làng muối, ở vùng đất có diêm dân, là một nhiệm vụ có chất truyền thống, khi xây dựng nông thôn mới.
HỒ DUY LỆ