Báo Xuân 2025
Vinh danh giữa cánh đồng
1.
Giữa trưa, cánh đồng Gò Hà, La Châu càng vắng lặng, yên bình. Những thửa ruộng còn tươi mới từng đường cày lấp xấp nước như ngủ vùi trong trời đông lạnh lẽo chực chờ hơi ấm của chút nắng xuân để bật mầm bao hạt giống sạ cho vụ mùa sắp tới. Chỉ có từng đàn cò trắng chao liệng trên bầu trời xám xịt đầy mây vần vũ rồi sà xuống những đám ruộng lầm lũi kiếm ăn. Một mình tôi lặng lẽ bước vào di tích lịch sử Văn chỉ La Châu nằm giữa cánh đồng mênh mông, quạnh quẻ thắp nén nhang, cúi đầu thành kính các bậc tiền nhân đã có công lao khai trí cho bao lớp cháu con. Khói hương quyện vào làn gió đồng nội bay xa, chỉ có mùi thơm dát trầm còn vươn vấn trên vạt áo càng thấy nơi đây thật sự là chốn linh thiêng, là nẻo tìm về để lòng mình thêm thanh thản!
![]() |
Bia chiến tích Gò Hà, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Ảnh: Tư liệu |
Đúng vào độ lúa uốn câu của vụ Đông-Xuân năm Giáp Thìn 2024, các em học sinh giỏi của huyện Hòa Vang đã tề tựu về giữa cánh đồng này để báo công học tập với các bậc tiền nhân hiền triết và tự hào về mảnh đất rơm rạ bao đời nhọc nhằn, lam lũ nuôi dưỡng những đứa con của xứ sở, quê hương để công thành, danh toại, cống hiến tài năng cho đất nước.
Nhắc lại sự kiện này, rất nhiều người ở thôn La Châu, Gò Hà, xã Hòa Khương còn nhớ rất rõ chập choạng tối ngày 5-4-2024, cánh đồng La Châu, Gò Hà rộn rã hẳn lên bởi tiếng nhạc xập xình, tiếng gọi nhau í ới cùng với những bước chân vội vã từ các ngả đường làng rợp bóng tre xanh để ttheo con đường bê-tông phẳng lì chạy ra giữa cánh đồng vàng óng, nơi tọa lạc Văn chỉ La Châu cổ kính. Họ đến đây không chỉ dành chút thời gian hiếm hoi quý báu để quay về với nguồn cội mà còn tận mắt được chứng kiến những giờ phút vui mừng không gì sánh bằng bởi con cháu của mình được Đảng bộ, chính quyền huyện Hòa Vang vinh danh về thành tích trong học hành, đỗ đạt và trao “Giải thưởng khuyến tài Đỗ Thúc Tịnh”. Đây là giải thưởng được huyện Hòa Vang sáng lập, tổ chức trao giải lần thứ nhất vào năm học 2021-2022 cho 25 em học sinh giỏi từ lớp 9 đến lớp 12 và 11 thầy cô giáo có công kèm cặp, dạy dỗ các em đạt kết quả tốt đẹp trong học tập, song lần thứ hai lại tổ chức giữa cánh đồng ngọt ngào hương lúa chín.
Tối hôm ấy, lãnh đạo huyện Hòa Vang trao tặng 18 “Giải thưởng khuyến tài Đỗ Thúc Tịnh”, tặng 16 giấy khen cho một số em đạt thành tích qua các kỳ thi học sinh giỏi các cấp toàn thành phố năm học 2023-2024 và biểu dương các thầy cô giáo về thành tích bồi dưỡng, nâng cao kiến thức để các em gặt hái được những kết quả đáng tự hào. Ngay trong buổi vinh danh này, các đơn vị, cá nhân đã đóng góp vào quỹ khuyến học của huyện gần 220 triệu đồng để trợ giúp các em có hoàn cảnh khó khăn, động viên, khích lệ các em tiếp tục cố gắng vươn lên trong học tập
2.
Sở dĩ huyện Hòa Vang chọn cánh đồng nơi Văn chỉ La Châu đêm ngày im lìm cùng trăng sao, mây gió để gọi tên những hạt mầm tươi tốt là xuất phát từ ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Điều này thể hiện rõ trong văn tự về sự ra đời của Văn chỉ La Châu.
Đó là sau khi thi đỗ Tiến sĩ xếp thứ tư khoa Mậu Thân năm 1848, Đỗ Thúc Tịnh (1818-1862), người con của làng La Châu, tổng Phước Tường Thượng, huyện Hòa Vang, Quảng Nam (nay xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) được triều đình nhà Nguyễn bổ làm quan. Ông là vị tiến sĩ đầu tiên và duy nhất thời phong kiến của huyện Hòa Vang. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), giữa lúc ông giữ chức Hành tự Viện Cơ mật của triều đình, ông ghé về thăm quê rồi bàn với các thân hào, nhân sĩ trong Hội Tư văn huyện Hòa Vang, nhất là Tri huyện Nguyễn Bảo Vân quyên góp xây dựng Văn chỉ La Châu để thờ Khổng Tử và 72 hiền triết, cao đệ của ngài nhằm tôn vinh sự học hành, thành đạt, một biểu tượng đề cao sự nghiệp dạy và học.
Việc xây dựng Văn chỉ La Châu đến cuối mùa xuân năm Nhâm Tý (Tự Đức thứ 5-1852) thì hoàn thành. Lúc này Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh được điều ra làm Tri huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, song ông cũng dành thời gian về quê hương để viết lời tựa văn bia, khắc dựng trước công trình. Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh là người học cao, biết rộng, lại khởi xướng một di tích để muôn đời sau luôn ghi nhớ việc học hành mới trở thành được kẻ sĩ của đất nước.
3.
Văn chỉ La Châu đứng giữa cánh đồng mênh mông đầy nắng gió 172 năm qua là sự ngẫu nhiên của các bậc tiền nhân xưa cũ lựa chọn nhưng cánh đồng lúa đơm bông. Là con em của không ít người nông dân chân lấm, tay bùn, hơn ai hết, các em đều thấu hiểu ông bà, cha mẹ mình quanh năm quần quật một nắng, hai sương với ruộng đồng vất vả để làm ra hạt lúa nuôi mình ăn học. Trong những hạt gạo trắng ngần ấy luôn có vị chát mặn từng giọt mồ hôi của bao người thân yêu nhất đổ ra từ khi cấy cây mạ non nớt cho tới lúc làm đòng, ngậm sữa rồi chín vàng.
Cuộc hành trình đời lúa cũng đồng nghĩa với sự tảo tần, khát vọng của đấng sinh thành gởi gắm, hy vọng bao điều tốt đẹp về con cháu ở tương lai qua con đường học tập. Đời lúa, đời người luôn hòa quyện bao nhọc nhằn, gian khó để rồi từ mầm xanh chuyển sang màu vàng trĩu hạt mà các em phải trả lại mẹ cha khúc ca đầy nhân nghĩa, tự hào, đó là sự biết ơn nhân văn, cao đẹp nhất. Hòa Vang đã và đang xây dựng bốn mô hình khuyến học, khuyến tài, đó là “Gia đình học tập; dòng họ học tập; cộng đồng học tập, đơn vị học tập”. Đến nay, 11/11 xã trong huyện được công nhận mô hình “Cộng đồng học tập”. Các xã Hòa Phong, Hòa Phước, Hòa Liên, Hòa Tiến và Hòa Châu đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập cấp xã”.
Thế là từ nay trở đi, cánh đồng Gò Hà, La Châu sẽ mãi mãi đại diện cho bao cánh đồng mượt mà của huyện Hòa Vang làm bức thông điệp nhắc nhớ bao thế hệ học trò hãy làm tròn bổn phận hiếu thảo của người con đối với cha mẹ. Cha mẹ miệt mài cày xới trên ruộng đồng hôm nay chính là ước vọng, hoài bão lớn lao về bao đứa con thân yêu của mình sẽ được như những bông lúa chín cúi đầu…
THÁI MỸ