Vượt trở ngại, đẩy nhanh chuyển đổi số

.

Phát triển công nghiệp, công nghệ thông tin (CNTT), điện tử, viễn thông gắn với kinh tế số là một trong những lĩnh vực được ưu tiên phát triển tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Đồng hành cùng thành phố, PC Đà Nẵng đã xây dựng lộ trình với mục tiêu phấn đấu đến năm 2022 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số (CĐS).

Nguồn lực nhạy bén trong việc tiếp cận, tìm hiểu và thích ứng nhanh nhạy với các phần mềm, tiện ích, các công nghệ mới, hiện đại.
Nguồn lực nhạy bén trong việc tiếp cận, tìm hiểu và thích ứng nhanh nhạy với các phần mềm, tiện ích, các công nghệ mới, hiện đại.

Song, khi CĐS hiện nay vẫn được nhắc đến với những kết quả mà nó mang lại; thì ở một khía cạnh khác, doanh nghiệp cần nhìn nhận và đánh giá đúng những thuận lợi, khó khăn hiện có, từ đó xây dựng kế hoạch CĐS hiệu quả. Với PC Đà Nẵng, đây cũng là mấu chốt quan trọng giúp đơn vị phát huy lợi thế, vượt qua rào cản, đưa CĐS đạt mục tiêu đặt ra.

Hiện nguồn nhân lực PC Đà Nẵng có hơn 42,6% người lao động trình độ đại học và sau đại học (tính đến tháng 10/2021), với tuổi đời trung bình khá trẻ. Cùng với đó, lực lượng công nhân sản xuất trực tiếp nhạy bén, thường xuyên bám sát thực tế sản xuất. Nguồn nhân lực này là lợi thế trong việc tiếp cận, tìm hiểu và thích ứng nhanh nhạy với các phần mềm, tiện ích, các công nghệ mới, hiện đại... Đây cũng là yếu tố quan trọng của PC Đà Nẵng trong việc từng bước đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ để hợp lý hóa sản xuất.

Với đội ngũ nhân lực then chốt này, thực tế cho thấy, thời gian qua PC Đà Nẵng đã không ngừng có những bước tiến ý nghĩa. Đó là sự nghiên cứu, cho ra đời và áp dụng thành công nhiều sáng kiến, công trình nghiên cứu sâu rộng trên nhiều lĩnh vực sản xuất. 

Trong công tác quản lý, vận hành lưới điện, điển hình là việc vận hành Trung tâm điều khiển lưới điện thành phố Đà Nẵng năm 2016; hoàn thành tự động hóa và điều khiển xa 100% trạm biến áp 110kV quản lý năm 2018; lắp đặt 100% công tơ điện tử được thu thập dữ liệu đo xa năm 2019; triển khai tự động hóa lưới điện phân phối tại 39/89 xuất tuyến trung thế (tính đến tháng 9/2021). Việc bám sát, hoàn thành cơ bản các nội dung chính của đề án lưới điện thông minh giai đoạn 2015 – 2020 đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao độ tin cậy của lưới điện thành phố, giảm thiểu thời gian mất điện, phục vụ khách hàng tốt hơn.

Đội ngũ nhân lực của Công ty cũng đã và đang không ngừng “số hóa” các sản phẩm dịch vụ, tạo thành nét đặc trưng trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, mang đến những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng trên môi trường số. Điển hình là sự ra đời của hàng loạt dịch vụ đã và đang phát huy hiệu quả những năm qua. Trong số đó, những tiện ích mang đến hiệu quả rõ rệt cho khách hàng sử dụng điện từ các chương trình: Tra cứu chỉ số điện hàng ngày, phát hiện sản lượng điện bất thường… do PC Đà Nẵng nghiên cứu đã được triển khai, nhân rộng trong toàn EVN.

Thực tế này cho thấy, nguồn nhân lực đã và đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số tại PC Đà Nẵng thời gian qua. Ông Lê Hồng Cương, Giám đốc Công ty cho biết: “Bám sát định hướng xây dựng thành phố thông minh; Công ty đã quan tâm tạo ra môi trường thuận lợi, nơi các tập thể, cá nhân được phát huy năng lực, sở trường, sự sáng tạo, các ý tưởng mới mẻ… từ đó có nhiều sáng kiến, nghiên cứu nổi bật, đưa phong trào phát triển khá mạnh mẽ trong những năm qua, góp phần vào công tác chuyển đổi số và đóng góp tích cực vào sản xuất – kinh doanh, đảm bảo cấp điện phục vụ sự phát triển của thành phố và đời sống nhân nhân dân trên địa bàn”.

Để phát huy hiệu quả nguồn lực này, những năm qua PC Đà Nẵng luôn xem trọng việc “trồng người”. Với sự đầu tư, quan tâm của Lãnh đạo Công ty, đội ngũ CBCNV Công ty đã chủ động tìm kiếm, nghiên cứu sáng tạo, hình thành nhiều ý tưởng, sáng kiến mới, áp dụng hiệu quả trong thực tế. Nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học của Công ty đã đạt giải cao trong cuộc thi Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec), đạt các giải thưởng “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc”, “Sáng kiến vì cộng đồng”, “Thành phố thông minh Việt Nam”… Nguồn nhân lực giàu tính sáng tạo, luôn sẵn sàng tìm kiếm những ý tưởng mới để nâng cao hiệu quả trong công việc chính là thuận lợi của Công ty khi tiến hành chuyển đổi số.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp và kéo dài như hiện nay, PC Đà Nẵng vừa đảm bảo mục tiêu kép - cung ứng điện an toàn, liên tục trên địa bàn thành phố trong mọi thời điểm, mọi tình huống, vừa phải đảm bảo các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh, quản lý vận hành của đơn vị. Nguồn lực dàn trải, phân tán cho nhiều công tác gây khó khăn nhất định cho công tác chuyển đổi số. Song, với phương châm năng cao năng suất lao động và hiệu quả trên mọi phương diện, PC Đà Nẵng đã và đang nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn để triển khai lộ trình chuyển đổi số đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.

Một thuận lợi khác của Công ty khi triển khai chuyển đổi số là sự đồng bộ, xuyên suốt trong định hướng, xác định mục tiêu, lập kế hoạch chuyển đổi số từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN, Tổng công ty Điện lực miền Trung – EVNCPC đến Công ty Điện lực Đà Nẵng. Việc đồng bộ này đảm bảo cho Công ty khi triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số luôn bám sát theo định hướng chung của EVN và EVNCPC, với mục tiêu hướng đến việc nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng trên nền tảng dữ liệu đã được số hóa; tập trung tích hợp công nghệ số và mô hình quản trị phù hợp vào công tác quản lý vận hành lưới điện nhằm vận hành an toàn, tin cậy và tăng hiệu quả hoạt động; tập trung số hóa, tự động hóa các quy trình nghiệp vụ nhằm tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo để tạo ra mô hình kinh doanh dịch vụ, vận hành kỹ thuật số mới.

Bên cạnh đó, đây là giai đoạn mà thành phố Đà Nẵng đang triển khai áp dụng Cách mạng công nghệ 4.0 để xây dựng đề án Thành phố thông minh, do đó Công ty có sự kết nối và hỗ trợ tích cực từ UBND thành phố, các Sở, Ban, Ngành các cấp trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ mới. Sự xuyên suốt, thống nhất này là những tiền đề thuận lợi để PC Đà Nẵng không ngừng tìm kiếm và hiện thực hóa, biến các ý tưởng thành từng bước đi chắc chắn trong công cuộc chuyển đổi số đã và đang diễn ra ngày một mạnh mẽ.

Để chuẩn bị bước đi “dài hơi” này, Công ty đã trang bị hạ tầng công nghệ thông tin tương đối bài bản và đồng bộ, duy trì sự vận hành ổn định và liên tục. Các phần mềm dùng chung mang tính cốt lõi trong ngành điện như CMIS, PMIS, IMIS, ERP, HRMS… triển khai qua thời gian đã phát huy hiệu quả, giúp kết nối dữ liệu giữa các lĩnh vực, tạo nên kho dữ liệu nghiệp vụ tương đối lớn cung cấp cho các bài toán liên quan đến dự báo, phân tích xu hướng…

Trong giai đoạn hiện nay, một nền tảng, hạ tầng công nghệ thông tin tốt là cơ sở để doanh nghiệp nói chung, PC Đà Nẵng nói riêng có thể mạnh dạn triển khai và áp dụng các công nghệ mới đòi hỏi sự tính toán phức tạp, khả năng xử lý nhanh, đường truyền tốc độ cao.v.v. Đây cũng là thách thức PC Đà Nẵng gặp phải trong quá trình chuyển đổi số đối với vấn đề an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp khi tham gia vào môi trường không gian mạng có khả năng bị hacker tấn công gây tổn thất về dữ liệu.

Rõ ràng, với thực tế đang diễn ra, có thể thấy, lợi thế luôn song hành cùng khó khăn trong suốt quá trình chuyển đổi số tại PC Đà Nẵng. Việc xác định rõ đâu là mặt ưu, đâu là các vấn đề cần lưu ý để phát huy các điểm mạnh, vượt lên các tồn tại được Công ty xác định cụ thể. Từ đó, PC Đà Nẵng đề ra những định hướng và giải pháp, đưa chuyển đổi số tại đơn vị hoàn thành đúng tiến độ đặt ra như cam kết nỗ lực cung cấp chất lượng, dịch vụ điện tốt nhất đến với nhân dân và sự phát triển của thành phố.

T. Uyên - Ngọc Quang

;
;
.
.
.
.
.