Cần biết

Tham gia phỏng vấn vòng 2, bạn cần chuẩn bị gì?

17:48, 02/12/2021 (GMT+7)

Để chọn ra được ứng viên ưu tú nhất, doanh nghiệp thường sẽ thiết kế một quy trình phỏng vấn gắt gao. Vượt qua càng nhiều các ứng viên khác thì áp lực cho vòng sàng lọc cuối cùng ngày càng lớn.

 

Dưới đây là 5 điều cần chuẩn bị khi phỏng vấn vòng 2 khi tìm kiếm việc làm, hãy cùng tham khảo nhé.

Hiểu biết chuyên sâu về doanh nghiệp

Khi phỏng vấn vòng 2, bạn có thể sẽ gặp gỡ những vị trí chủ chốt trong phòng ban hay thậm chí là ban quản trị doanh nghiệp. Không giống như các vòng trước nơi bạn chỉ cần biết và trả lời được một số câu hỏi đơn giản về đặc điểm, văn hóa doanh nghiệp. Lúc này mức độ yêu cầu cao hơn khi mà sự hiểu biết chuyên sâu về công ty nói riêng và ngành công nghiệp nói chung sẽ giúp bạn tạo được niềm tin với những người đứng đầu.

Chuẩn bị tốt điều này đồng nghĩa với việc thể hiện rằng bạn hiểu rõ vị thế và định hướng phát triển của tổ chức trong thời gian tới – điều này đòi hỏi phải tìm hiểu và phân tích kỹ mới có thể nắm được.

Kiến thức chuyên môn

Góc độ chuyên môn là cơ sở quan trọng cần được đánh giá trước khi doanh nghiệp quyết định có nhận bạn hay không. Một ứng viên được đánh giá là có kiến thức chuyên môn ấn tượng khi có những hiểu biết sâu rộng về ngành nghề mà bản thân đang theo đuổi.

Vì vậy trước buổi phỏng vấn, bạn nên dành thời gian để tóm tắt lại tất cả những gì đã được học tập, trau dồi và tích lũy để chủ động trả lời những câu hỏi chuyên môn mà doanh nghiệp chắc chắn sẽ đề cập đến.

 

Tư duy logic

Ngày nay không ít các doanh nghiệp đã áp dụng các bài kiểm tra đánh giá tư duy logic của ứng viên khi phỏng vấn vòng 2. Mục đích của bài kiểm tra này là nhằm so sánh khả năng phân tích tình huống và đưa ra cách giải quyết vấn đề giữa các ứng viên. Khi tư duy logic kết hợp với kiến thức chuyên môn, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tìm ra đâu là những ứng viên ấn tượng và đủ điều kiện để chính thức được lựa chọn.

Đây là lý do mà bạn nên tham khảo một số bài kiểm tra đơn giản trước khi đến buổi phỏng vấn để làm quen với dạng câu hỏi về tư duy và tạo lập thói quen tư duy logic.

 

Đề xuất hoặc ý tưởng

Bên cạnh việc trả lời câu hỏi thì bạn cũng nên chuẩn bị những vấn đề mà bản thân quan tâm để chia sẻ và thảo luận với doanh nghiệp. Những ý tưởng và đề xuất này giống như một chủ đề để giúp bạn cụ thể hóa kiến thức và kỹ năng trong một tình huống xác định.

Ví dụ, nếu bạn ứng tuyển vào vị trí chuyên viên Marketing, hãy mạnh dạn nêu ra ý kiến về chiến dịch quảng cáo gần nhất của doanh nghiệp, từ đó đề xuất ý tưởng cá nhân để mang lại hiệu quả cao hơn. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp đánh giá được khả năng của bạn trong thực tiễn.

Phong thái và sự tự tin

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là thể hiện được phong thái riêng, sự tự tin và chuyên nghiệp khi phỏng vấn vòng 2. Áp lực có thể khiến bạn không thể hiện được phiên bản tốt nhất của bản thân. Vì thế đừng ngần ngại xem đây là một buổi chia sẻ thẳng thắn mong đợi của bạn cho vị trí công việc này tại doanh nghiệp, đồng thời bộc lộ thái độ tự tin cống hiến hết mình. Bạn cần sắp xếp thời gian để có mặt và chuẩn bị sẵn sàng trước giờ phỏng vấn. Đồng thời đừng quên giữ phong thái trò chuyện thoải mái và tự tin trong suốt buổi phỏng vấn.

Tiến Huy

.