Đã gần 10 năm sau cơn lũ lịch sử năm 1999, nhưng bà con ở xã miền núi Hòa Phú vẫn nhớ như in những món quà thảo thơm mà nhân dân cả nước, đặc biệt là phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê quyên góp giúp đỡ.
Bộ đội và thanh niên làm ngầm nối hai thôn Tà Lang và Giàn Bí của xã Hòa Bắc để người dân đi lại. |
Đó là những cái chén, cái nồi, cái muỗng... - những vật dụng nhỏ nhặt hằng ngày nhưng vô cùng cần thiết và quý giá vào thời điểm mà cơn lũ tràn qua đã cuốn phăng cả nhà cửa cùng nồi niêu soong chảo. “Có gạo, mì tôm cứu trợ đó, nhưng không có mấy thứ vật dụng tưởng như nhỏ nhặt nớ thì cũng chịu đói. Thấu hiểu chuyện đó, chị em tiểu thương ở chợ Vĩnh Trung đã giúp chúng tôi kịp thời; ơn này khó quên lắm” - Bà Thảo vừa nói vừa chỉ vào chiếc nồi còn nguyên khói than như là vật kỷ niệm của năm xưa. Thế nên, đến khi cơn bão Chanchu năm 2006 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho quận Thanh Khê, thì ngay lập tức, bà con xã miền núi Hòa Phú đã chắt chiu, thắt lưng buộc bụng để góp những đồng tiền nghĩa tình giúp đỡ gia đình những người bị nạn.
“Hoa nghĩa tình” đã nở từ những việc quan tâm lúc ngặt nghèo, gian khó như vậy trong 10 năm qua, từ khi Đà Nẵng chia tách, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thành ủy đã triệu tập cuộc họp bàn và đi đến thống nhất triển khai thực hiện Thông báo 14/TB-TU về chủ trương giúp các xã miền núi của thành phố. Bởi lúc đó, 4 xã miền núi Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Liên cùng với xã Hòa Sơn có địa bàn rộng nhưng chủ yếu là đồi núi, giao thông còn nhiều khó khăn, dân cư phần lớn sống dọc theo các sông nên thường bị thiên tai lũ lụt gây thiệt hại về người và tài sản; sản xuất nông nghiệp còn manh mún và năng suất thấp; kinh tế vườn đồi chưa phát triển... vì thế đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn.
Nhiệm vụ kết nghĩa và giúp đỡ các xã miền núi vì thế được sự hưởng ứng của các đơn vị và các địa phương ở nội thành. Các đoàn cán bộ được cử đến các xã, khảo sát tình hình và cùng thống nhất những việc làm cụ thể để vực dậy đời sống của người dân miền núi, rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với vùng đồng bằng và thành thị. Các đơn vị như: Đảng ủy khối Doanh nghiệp, Dân Chính Đảng, Đại học Đà Nẵng... các địa phương: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn... cùng với các ngành, đoàn thể trên toàn thành phố đã vào cuộc, với nhiều hình thức khác nhau để giúp các xã miền núi làm đường giao thông, công trình thủy lợi, công trình phục vụ dân sinh, xây nhà tình thương, tình nghĩa, tặng quà các các hộ nghèo, gia đình chính sách, neo đơn... Chính vì thế, cùng với các chương trình mục tiêu của quốc gia và thành phố, bộ mặt đời sống vật chất và tinh thần của các xã miền núi đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Ông Lê Văn Toàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hòa Vang cho biết, qua sự giúp đỡ nhiệt tình đó, đời sống của người dân đã được nâng lên; số hộ nghèo giảm xuống còn 1.500 hộ vào năm 2007; và ông nhấn mạnh, cái được lớn nhất là đã tạo nên một sự kết nối nghĩa tình sâu đậm, không bao giờ phai nhạt giữa những người dân của thành phố. Còn anh Ngô Xuân Thắng, Bí thư Thành Đoàn thì nhìn nhận, qua sự giúp đỡ này, không chỉ các xã miền núi được lợi, mà cả các đoàn viên thanh niên tham gia các chương trình giúp đỡ cũng được nâng cao về nhận thức, ý thức hơn về trách nhiệm của tuổi trẻ trước cuộc sống...
Để nghĩa tình thực sự tiếp tục được nở hoa và kết trái, từ thực tiễn thời gian qua, ông Lê Văn Toàn cũng đề nghị, sự giúp đỡ cần được thực hiện theo hướng phát huy được nội tại và nội lực của các xã miền núi, không tạo nên tâm lý trông chờ, ỷ lại của người dân. “Nhu cầu đầu tư cho các xã miền núi là rất lớn và các địa phương này luôn cần đến sự hỗ trợ giúp đỡ. Nhưng sự đầu tư cần có trọng tâm; đó chính là đầu tư cho phát triển con người. Trong đó, cần quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo bằng nhiều hình thức khác nhau. Có như vậy thì sự giúp đỡ đó mới thực sự lâu bền và tạo nên nền tảng vững chắc để miền núi thu hẹp khoảng cách với đồng bằng” - Ông Lê Văn Toàn nhấn mạnh.
Bài và ảnh: ANH QUÂN