.

Dịch tới chân, dân chưa sợ!

.

Liên tục cả tháng nay, các chốt chặn dịch heo tai xanh trên tuyến đường Ngũ Hành Sơn và Hòa Phước hoạt động khá ráo riết. Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, heo từ Quảng Nam vẫn được chở về Đà Nẵng bằng xe máy (có cả heo đã chết) rồi về lò mổ tư nhân để giết thịt và xé nhỏ tiêu thụ ở những nơi ít có sự kiểm soát.

Những miếng thịt heo cắt vụn như thế này làm sao để phân biệt heo có dấu và không dấu kiểm dịch?


Câu hỏi đặt ra đối với BQL các chợ nội thành: Liệu heo không dấu kiểm dịch có tìm đường vào chợ? Câu trả lời của BQL các chợ là tuyệt đối không, vì “chúng tôi kiểm tra rất gắt gao khâu đầu vào”. Rõ ràng, các chợ lớn đã rất chú ý đến sự an toàn của thực phẩm cung cấp hằng ngày cho người dân thành phố. Thế nhưng, không vào chợ lớn, heo lậu sẽ đi về đâu để tiêu thụ? Giữa trưa ngày 20-4, trong cái nắng gay gắt, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông đi trên chiếc xe máy Min-khơ chở 3 con heo (một con đã chết) dừng lại uống nước mía trên tuyến đường Sơn Trà-Điện Ngọc. Hỏi chuyện, người này cho biết, chỉ chở thuê từ Điện Dương ra cho một chủ ở phường Thọ Quang.

Từ sau đợt dịch cuối năm ngoái, nhiều lò mổ tư nhân không còn hoạt động sôi động như trước. Một phần heo hơi hiếm, phần nữa do cơ quan chức năng thắt chặt việc kiểm tra nguồn gốc heo thịt. Trước đó, ngày 5-4, tại hộ nhà chị Bùi Thị H. xã Hòa Ninh, Hòa Vang có một con heo bị chết, gia đình tự mổ rồi đem thịt xuống bán ở chợ Hòa Khánh với giá rất “hữu nghị”, chỉ 40-50 ngàn đồng một kilogam thịt vai. Con heo này cũng không có bất cứ một giấy tờ nào chứng minh cho sự “vô bệnh” ? (!).

Trong một lần đi chợ buổi sáng sớm, chúng tôi chứng kiến một hộ kinh doanh thịt ở chợ Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn lôi ra một bao ni-lông to thịt heo, gói trong nhiều lớp giấy bóng ướp trong tủ đông lạnh bán kèm với số thịt heo mới. Không riêng chợ Bắc Mỹ An, các chợ An Cư, Bà Kỷ, Hà Thân, người bán thịt heo lẻ bày mâm ngồi chung quanh bìa chợ xen lẫn với những hàng rau quả, người mua lật ngang lật ngửa miếng thịt cũng không tìm thấy dấu kiểm dịch? Đáng sợ hơn, mỗi buổi chợ chiều ở Nam Ô, chợ tự phát KCN An Đồn và Hòa Khánh lại đông đúc, người dân xúm lại vây quanh những mẹt tre đựng thịt heo màu tái nhợt, ruồi nhặng bâu không ngớt.

Thấy là thấy vậy, nhưng người dân không mảy may ý thức đây là thịt có nguy hiểm hay không? Hỏi mua một lạng thịt heo trong môi trường mất vệ sinh như thế vào cuối giờ chiều, chị bán thịt nhất định không giảm giá 1 lạng thịt heo nạc từ 8.000 đồng xuống 6.000 đồng. Hỏi một bác đi chợ về việc dịch “heo tai xanh” đang bùng phát như vậy có sợ không thì bác vui vẻ trả lời: “Dịch có xuất hiện ở Đà Nẵng đâu mà sợ, với lại người ta ăn thịt heo hoài có sao đâu”... Chúng tôi loay hoay tìm khắp bề mặt miếng thịt vẫn không thấy một cái dấu kiểm dịch nào. Hỏi chị bán hàng về nguồn gốc số thịt đang bán, chị buông một câu: “Em yên tâm đi, toàn thịt mới lấy từ lò Đà Sơn ra cả”. Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam, hai địa phương giáp ranh với thành phố Đà Nẵng đã công bố có dịch heo tai xanh, lẽ nào người dân Đà Nẵng vẫn thờ ơ?

Trong tháng cao điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm, 4 đoàn kiểm tra của thành phố mới chỉ tập trung kiểm tra tại các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể, hộ kinh doanh lớn; trong khi đó, không có điều kiện để đi hết những điểm buôn bán nhỏ lẻ, những hộ giết mổ nằm sâu trong địa bàn dân cư thì chắc chắn việc tuyên truyền tới người dân vẫn chưa hiệu quả, và liệu rằng mầm bệnh có thể lây lan từ những chỗ mà người dân lơ là, chủ quan nhất?

 
“Heo tai xanh” (hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở heo) là bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh và gây chết heo. Biểu hiện của bệnh là sốt cao, viêm phổi nặng nhất ở heo con, heo nái dễ sẩy thai, do vi-rút gây nên làm mất khả năng miễn dịch, làm kế phát theo các bệnh khác như dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng. Đặc biệt là liên cầu khuẩn lây sang người. Khi mắc bệnh liên cầu khuẩn, ở người xuất hiện triệu chứng viêm não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Tỷ lệ người chết có thể tới 7%. Do vậy, người dân không nên mua bán heo bệnh, heo không rõ nguồn gốc, không ăn thịt tái, tiết canh, nội tạng heo chưa chín. Chỉ nên mua heo có đóng dấu của cơ quan thú y...

(Nguồn: Chi cục Thú y).

 


XUÂN DUYÊN

;
.
.
.
.
.