Chính trị - Xã hội

Đưa thuốc hỗ trợ chống tái nghiện vào cộng đồng:

Cần sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa !

12:01, 02/04/2008 (GMT+7)

Sau 2 năm tổ chức sử dụng thuốc hỗ trợ điều trị chống tái nghiện ma túy (Danapha Natrex 50-DN 50) tại Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06, Sở LĐ-TB-XH và Sở Y tế thành phố đã đề nghị và được UBND thành phố đồng ý về mặt chủ trương triển khai sử dụng thuốc DN 50 tại cộng đồng. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề dễ dàng thực hiện...

Lý do cơ bản mà ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH thành phố đưa ra về sự cần thiết phải triển khai sử dụng thuốc DN 50 trong cộng đồng, là do thời gian sử dụng thuốc tại Trung tâm GD-DN 05-06 của thành phố không theo đủ phác đồ điều trị bắt buộc, bởi điều trị đúng phác đồ phải bảo đảm thời gian 12 tháng. “Việc điều trị thuốc DN 50 có thể kéo dài đến 24 tháng và thực tế cũng như kinh nghiệm của các nước cho thấy, số người điều trị đúng liều và thời gian càng dài (trên một năm) thì tỷ lệ tái nghiện càng thấp” - Ông Hiệp khẳng định.

Trong khi đó, đợt sử dụng thí điểm năm 2005 chỉ kéo dài có 6 tháng với 44 học viên (HV) cai nghiện ma túy tại trung tâm trong số 70 HV tự nguyện đăng ký sử dụng. Đợt năm 2006 có 135 trường hợp được sử dụng thuốc, nhưng sau đó chỉ còn 64 HV được điều trị theo đúng phác đồ và thời gian quy định. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Hiệp cho hay, là do trong quá trình điều trị, một số HV không đủ tiêu chuẩn về chức năng gan, thận để tiếp tục sử dụng thuốc; một số khác (gần 50%) đến thời hạn về lại cộng đồng.

 
 Học viên cai nghiện ma túy tham gia lao động sản xuất tại Trung
tâm GD-DN 05-06 thành phố.

Chính vì vậy, mặc dù đã có những số liệu ban đầu cho thấy, tỷ lệ tái nghiện đối với người sử dụng thuốc DN 50 thấp hơn bình quân tái nghiện chung (11,94% so với 31,91%), nhưng cũng chưa thể có được sự khẳng định chắc chắn về kết quả, hiệu quả sử dụng thuốc hỗ trợ chống tái nghiện. Đây chính là lý do cần phải đưa thuốc DN 50 vào sử dụng thí điểm trong cộng đồng để bảo đảm đúng phác đồ điều trị và đánh giá đúng hiệu quả của loại thuốc này.

Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây là việc triển khai trong cộng đồng phải được thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả cao. Bởi trước tiên, việc sử dụng DN 50 phải theo một lộ trình rất nghiêm ngặt; người sử dụng phải được kiểm tra, xét nghiệm đúng định kỳ về chức năng gan, thận... vì nếu chỉ cần sơ suất xảy ra, dễ dẫn đến ảnh hưởng về sức khỏe. Trong trường hợp dùng thuốc DN 50 mà sử dụng ma túy sẽ ngộ độc, dễ dẫn đến tử vong; vì vậy không chỉ phải sử dụng đúng thuốc, mà người sử dụng phải hoàn toàn không dùng ma túy. Đây là khó khăn lớn nhất khi triển khai tại cộng đồng. Để làm được điều này, thì trước tiên cần sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan y tế, người sử dụng và thân nhân, gia đình người sử dụng.

Bên cạnh đó, theo khảo sát đối với HV trong quá trình sử dụng thuốc tại trung tâm, có gần 49% HV không thật yên tâm khi sử dụng thuốc; trên 52% không rõ về tác dụng của thuốc. Đây chính là hậu quả của việc tuyên truyền, tư vấn về thuốc còn yếu và thiếu, nhất là cho bản thân người sử dụng và thân nhân của họ. Một số người cho rằng, việc sử dụng thuốc lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là giảm cân, suy nhược thần kinh và giảm khả năng hoạt động tình dục...

Giải quyết vấn đề này, cần có sự hợp tác và nỗ lực hơn nữa, không chỉ của nhà sản xuất, cung cấp thuốc là Công ty CP Dược phẩm Trung ương 5 mà cả tuyến y tế cơ sở, nơi được giao nhiệm vụ theo dõi, điều trị cho người sử dụng cũng như các cấp chính quyền, cán bộ ở cơ sở. Các cơ quan chức năng, cá nhân có trách nhiệm cần kiên trì, nhẫn nại, thường xuyên tiếp cận và có phương pháp giải thích, động viên kịp thời, khoa học để người sử dụng yên tâm. 

Một vấn đề cũng được đặt ra, đó là kinh phí và phác đồ điều trị “cách nhật” đang thực hiện. Được biết, phác đồ “cách nhật” khiến cho người sử dụng trong thời gian đầu chưa quen thuốc mà phải dùng liều cao nên gây mệt mỏi, từ đó làm cho họ không yên tâm.

Việc nghiên cứu bổ sung phác đồ phù hợp là điều cần thiết. Đồng thời, việc xác định kinh phí sử dụng từ nguồn ngân sách hay của gia đình cũng phải được bàn đến và có những ràng buộc nhất định, để người sử dụng và gia đình có trách nhiệm và quyền lợi rõ ràng, cụ thể; từ đó việc triển khai sử dụng thuốc DN 50 trong cộng đồng có hiệu quả hơn, góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu “Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng” trong chương trình “5 không” của thành phố.

Bài và ảnh: NGUYỄN THÀNH

.