.

Một hoàn cảnh thương tâm và bài học cần lưu ý

.

Nguyễn Văn Linh, học sinh lớp 8/4 tham gia cắm trại tại Công viên nước Đà Nẵng, do Trường THCS Sào Nam (quận Hải Châu) tổ chức vào ngày 30-3-2008. Đang trong giờ ăn trưa, Linh cùng với ba bạn cùng lớp trốn đi tắm tại hồ bơi trong công viên.

Ngày thứ 20 kể từ khi vào Khoa Cấp cứu hồi sức, em Nguyễn Văn Linh vẫn trong tình trạng hôn mê.

Ban đầu chỉ có ba bạn xuống bơi, Linh đứng trên bờ, nơi để quần áo. Ba bạn của Linh tắm xong, lên bờ, tưởng rằng Linh ở đâu đó. Các em vừa trở về trại thì có tiếng la từ phía hồ bơi, các em chạy đến, thấy Linh sắp chết đuối trong hồ và đang được đưa lên bờ. Qua hô hấp nhân tạo, Linh tỉnh lại và được xe chở đi bệnh viện.

Hơn ba tuần điều trị tại Khoa Cấp cứu hồi sức Bệnh viện Đà Nẵng, nhưng em Linh vẫn trong tình trạng hôn mê, xương sườn bị dẹp, phổi bị ép, suy hô hấp cấp. Gia đình của Linh thuộc diện hộ nghèo ở phường Bình Hiên (quận Hải Châu). Ba của Linh đã bị bệnh qua đời cách đây hai năm; mẹ của em bán bánh mỳ gần khu vực Trường THPT Trần Phú để nuôi ba con ăn học, (anh của Linh học lớp 10, đứa em học lớp 3). Mẹ Linh bị bệnh huyết áp cao, một mình túc trực ở bệnh viện nên dễ dẫn đến tình trạng suy kiệt sức khỏe. Từ khi nhập viện đến nay, tất cả chi phí điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu đều do Trường THCS Sào Nam và Công viên nước Đà Nẵng đảm nhận.

Bài học cần lưu ý

Qua thời gian miệt mài với sách vở, khi nhà trường tổ chức cắm trại, các em học sinh được phép rời gia đình để cùng tham gia nhiều trò chơi, sinh hoạt với bạn bè, thầy cô giáo. Mỗi học sinh đều có thêm những hình ảnh, kỷ niệm đẹp của tuổi học trò. Tuy nhiên, chỉ một vài em trong số hàng trăm học sinh tham gia cắm trại mà không vâng lời thầy cô, thiếu ý thức tôn trọng nội quy, kỷ luật thì dễ xảy ra những vụ việc đáng tiếc, gây tai họa cho chính bản thân, gia đình và nhà trường. Do đó, cha mẹ học sinh cần phải răn dạy con em nhiều vấn đề trước khi các em đi cắm trại.

Mặt khác, mỗi giáo viên chủ nhiệm, ban tổ chức cắm trại cần phải cảnh giác cao về sự đùa nghịch quá trớn của học sinh. Việc phân công trách nhiệm để mỗi tổ quản lý chu đáo học sinh, điểm danh theo dõi thường xuyên là điều cần thiết nhằm đề phòng học sinh tinh nghịch, trốn thầy cô, rời tập thể tham gia các trò chơi nguy hiểm, có thể gây ra những vụ việc đáng tiếc.

Cũng cần thấy rằng, trường hợp của em Nguyễn Văn Linh rõ ràng có sự liên quan đến công tác bảo vệ-cứu hộ tại hồ bơi của Công viên nước Đà Nẵng. Vì khi chọn và hợp đồng nơi tổ chức cắm trại cho học sinh, Trường THCS Sào Nam cũng như những trường khác đều tin tưởng Công viên nước Đà Nẵng là địa điểm rất thuận lợi về mặt quản lý trại sinh. Với diện tích mặt hồ không quá lớn, nước trong xanh dễ nhìn thấy từ mọi phía đến lòng hồ, do đó, nếu có sự chú ý thường xuyên của nhân viên bảo vệ - cứu hộ tại bờ hồ bơi thì việc phát hiện nạn nhân đang đuối sức trong nước để cứu hộ kịp thời là điều không khó.

Rất cần sự đồng cảm, sẻ chia để giúp đỡ gia đình nạn nhân

Hiện nay, gia đình em Nguyễn Văn Linh đang trong cảnh khốn khổ; mẹ của em là lao động chính nuôi sống cho cả ba anh em đang trong độ tuổi học trò, nay ngày đêm phải túc trực tại bệnh viện, hai đứa con ở nhà chưa biết sống dựa vào đâu. Cảm thông hoàn cảnh đó, anh Trần Thế Dung từ thành phố Hồ Chí Minh về thăm mẹ đang điều trị tại Khoa Hồi sức, đã giúp đỡ cho gia đình của Linh 500 nghìn đồng; những người đi nuôi bệnh đã góp lại cho mẹ của Linh 240 nghìn đồng.

Qua những thông tin về hoàn cảnh nêu trên, gia đình em Linh rất mong nhận được sự giúp đỡ từ những tấm lòng từ thiện. Có thể gặp bà Nguyễn Thị Lý đang nuôi Linh tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng, hoặc Phòng Bạn đọc Báo Đà Nẵng, địa chỉ 42 Trần Phú, điện thoại: 0511.3812341 và 0905.832222.

Bài và ảnh: QUANG MINH

;
.
.
.
.
.