.

Nỗi lo xe máy “5 không”

.

“Vèo”, một cái ngang tai - chiếc xe máy không biển kiểm soát phóng với tốc độ khá cao qua bùng binh Lê Duẩn-Trần Phú, người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm, cho dù phía trước, các chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ.

Cần phải có quy định quản lý đối với xe máy điện.

Nhìn thấy vi phạm rõ mười mươi nhưng chẳng thấy CSGT “tuýt còi” và xử phạt. Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, một người đi đường cười giải thích, “đó là xe máy điện…”.

Sang đầu năm 2008, giá xăng dầu điều chỉnh tăng liên tục và cùng với Nghị quyết 32 của Chính phủ chính thức có hiệu lực, thị trường xe máy điện sôi động hẳn lên. Với tiện ích “5 không” mà xe máy điện mang lại như không mất tiền xăng, không cần bằng lái, không đăng ký, không ô nhiễm môi trường và không cần đội mũ bảo hiểm mà vẫn ngang nhiên “phi” trên đường.

Tuy nhiên, cũng vì “5 không” của xe máy điện nên các ngành chức năng đã vấp phải không ít khó khăn trong công tác quản lý cũng như xử phạt những hành vi vi phạm đối với người điều khiển phương tiện này.

Thượng tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT – Công an thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Xe máy điện bây giờ chẳng khác mô-tô, giá cả lại cạnh tranh, dễ sử dụng và không phân biệt độ tuổi; dù to lớn, kềnh càng đến mấy, dù tốc độ có thể đạt 40-60 km/giờ, nhưng xe máy điện chẳng phải chịu bất cứ sự ràng buộc nào về tính pháp lý, cứ thoải mái lưu thông trên đường.
 

 
Chị Nguyễn Thị Tâm, một phụ huynh có con đang học tại Trường Phan Châu Trinh: Chúng tôi làm việc Nhà nước, ít có thời gian rảnh để đưa đón con đi học hằng ngày. Vì thế, chúng tôi đã mua cho con chiếc xe máy điện để chủ động trong việc đi lại, tuy nhiên học sinh rất hay nghịch ngợm nên khi tự điều khiển phương tiện giao thông, tôi thấy rất lo... Nên đưa quy định đăng ký quản lý xe máy điện như xe mô-tô, xích lô, cũng như quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển phương tiện này.
 
Theo quan điểm của tôi, vấn đề quản lý xe đạp điện, xe máy điện cần phải đưa vào quy định đăng ký quản lý như các phương tiện khác tham gia lưu thông trên đường bộ, nhằm bảo đảm an toàn giao thông không chỉ đối với người điều khiển phương tiện này, mà còn cho người khác”.

Thông tư số 01 (ngày 2-1-2007) của Bộ Công an quy định về tổ chức đăng ký cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã “bỏ qua” việc quy định về đăng ký loại xe này. Trong Nghị định 146 (ngày 14-9-2007) của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tại Điều 9 có quy định xử phạt người ngồi trên xe gắn máy, điều khiển xe gắn máy, các loại xe tương tự, xe máy điện vi phạm nguyên tắc giao thông đường bộ, nhưng tại điểm g, khoản 3 Điều này thì chỉ quy định xử phạt người không đội mũ bảo hiểm đối với trường hợp xe mô-tô, gắn máy, chưa quy định cụ thể về các loại xe điện.

Điều đó dẫn đến một thực tế là các cơ quan chức năng không thể quản lý được các loại xe này, sẽ rất khó khăn cho công tác truy tìm, sưu tra khi các loại xe này gây tai nạn bỏ trốn hoặc các đối tượng hình sự dùng loại phương tiện này để gây án.

Xe máy điện cần phải được kiểm tra về chất lượng, để an toàn trước khi đưa ra thị trường.

Mặt khác, vì không quy định độ tuổi điều khiển phương tiện, nên những học sinh lớp 7-8 vẫn có thể chở 3 người, đầu không đội mũ bảo hiểm, “vô tư” phóng như bay trên đường phố. Ai bảo đảm rằng tai nạn sẽ không xảy ra và không gây nguy hiểm cho bản thân người điều khiển và người khác?

Có thể nói, xe máy điện ra đời đã đáp ứng phần nào về nhu cầu sinh hoạt của người dân, vừa mang lại hiệu quả kinh tế và tiện lợi, nhưng cũng cần phải có những quy định về mặt pháp lý đối với loại phương tiện này, có như vậy mới bảo đảm an toàn giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông, tránh được sự lộn xộn trong việc sử dụng loại xe này, góp phần giữ gìn trật tự đô thị.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.