.

Tăng “kênh” tìm hiểu luật lao động

.

Cán bộ, công chức (CBCC) được coi là tầng lớp lao động trí thức; thế nhưng, không ít người nắm luật lao động chẳng “khá” hơn anh công nhân quanh năm vùi đầu trong các khu công nghiệp.

50% CBCC lơ mơ luật lao động

Đó là tỷ lệ do Sở Tư pháp thành phố tiến hành khảo sát trong vài năm gần đây. Số lượng công chức thực sự hiểu biết luật lao động chiếm tỷ lệ khiêm tốn: 20%.

Năm 2008, cán bộ công chức thành phố sẽ có thêm nhiều kênh thông tin tìm hiểu về luật lao động.

Ông Huỳnh Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố cũng khẳng định việc áp dụng luật lao động của CBCC Nhà nước còn nhiều hạn chế. Luật thì đã học nhưng lại không dùng đến khi cần. Lý do ông Hà đưa ra là: “CBCC “phó mặc” quyền lợi cho tổ chức mình đang công tác. Người lao động chủ quan khi nghĩ rằng “có Nhà nước lo rồi” nên chưa nghiên cứu nghiêm túc”.

Năm 2007, Liên đoàn Lao động thành phố mở 2 lớp tập huấn luật lao động cho cán bộ Công đoàn. Tuy nhiên, những lớp tập huấn này thường chỉ diễn ra theo yêu cầu của từng đơn vị! Cán bộ Công đoàn có triển khai lại cho người lao động hay không? Chất lượng thực tế như thế nào? Doanh nghiệp có phớt lờ chuyện tuyên truyền luật lao động cho nhân viên hay không (hay để người lao động “mù” luật thì tránh việc kiện cáo)?... Liên đoàn không kiểm soát được.

Cũng theo ông Hà, thời gian qua, Liên đoàn đã tổ chức 15 lớp tập huấn luật lao động cho cán bộ chủ chốt của thành phố. Nhưng cái “thời gian qua” đó, có lẽ cũng đã qua lâu rồi và những người tham dự tập huấn cũng chưa tìm được cách thức mới mẻ hơn để đưa luật lao động vào cuộc sống.

Những vướng mắc không được giải quyết

Theo ý kiến của cán bộ có trách nhiệm về tuyên truyền pháp luật cho người lao động, một lý do khác khiến CBCC lười “nạp” luật lao động là Bộ luật… “dài quá”! Chuyện dài - ngắn phải chăng là lỗi của người tìm hiểu pháp luật? Ông Phan Thanh Long, Phó trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp thành phố cho rằng: “Bộ luật lao động dài thì người tuyên truyền phải rút sao cho gọn mà vẫn đủ, đáp ứng được điều người lao động cần. Đó là thách thức và câu hỏi để chúng ta phải luôn trăn trở”.

Hẳn nhiên, không hiểu rõ luật pháp, người lao động, cụ thể là CBCC sẽ “mất” rất nhiều. Thứ nhất, không phát huy hết quyền dân chủ, không biết cách tự bảo vệ quyền lợi chính đáng. Thứ hai, chính họ sẽ vi phạm pháp luật. Một số CBCC trẻ tuổi vì bất mãn với đơn vị về các quy định làm việc, mất niềm tin vào tổ chức Công đoàn, cộng thêm sức hút nhân lực của nền kinh tế thị trường đã nhanh chóng quyết định ra đi.

Vì không thực hiện đúng luật lao động và không giúp cho người lao động hiểu biết pháp luật, nên cơ quan, doanh nghiệp có thể tự làm chảy máu chất xám. Tốt nghiệp Đại học loại bằng đỏ, H. trở thành công chức với vị trí làm việc phù hợp chuyên môn. Đầy một năm công tác, H. bất ngờ bỏ việc trước sự ngỡ ngàng của nhiều người vì dễ mấy ai chen được chân biên chế, nhưng với H. đó là lối thoát duy nhất khi cô thường xuyên chịu áp lực không đáng có từ cung cách làm việc của cơ quan. H. không phải là đối tượng ngoại lệ.

Không hiếm gặp trường hợp trí thức trẻ bức xúc, ấm ức, chán nản vì không sử dụng được tiếng nói của chính mình trong nội bộ, vì những thắc mắc không được giải đáp thỏa đáng, sáng tỏ trên cơ sở pháp luật.

Một cách tuyên truyền mới

Năm 2008, đối tượng CBCC thành phố sẽ có thêm nhiều cơ hội hiểu biết luật lao động qua nhiều kênh truyền thông đại chúng. Đó là lời khẳng định của ông Phan Thanh Long, Phó trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư Pháp. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật trên địa bàn thành phố hiện chỉ có 70 người, chưa kể đây là những người kiêm nhiệm nhiều công tác khác nhau và có trình độ, kỹ năng không đồng đều. Trước đây, công tác tuyên truyền thường phổ biến cái mình có chứ chưa thực sự tập trung vào điều đối tượng cần.

Để khắc phục thực trạng trên, theo ông Long, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố (gồm 26 thành viên) đã tìm ra phương pháp giáo dục có hiệu quả bằng cách phân loại đối tượng và chia nhỏ vấn đề để tuyên truyền có trọng tâm. CBCC là người có trình độ, do đó “giáo trình” tuyên truyền sẽ được soạn khoa học, vừa phù hợp cho từng cá nhân thẩm thấu, vừa lồng ghép quyền, nghĩa vụ liên quan đến chuyên môn công tác, với cách diễn giải dễ hiểu thay vì bê nguyên luật bỏ vào một cách máy móc và khô cứng.

Đặc biệt, những phương tiện phổ biến pháp luật này đều thông qua dạng bảng hỏi - đáp, giúp nhớ nhanh, nhớ lâu và xuất hiện liên tục trên nhiều kênh thông tin khác nhau.

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.