.
THẮT DÂY AN TOÀN KHI LÁI Ô-TÔ

Không phải chuyện nhỏ

.

Ở Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, chuyện tài xế ô-tô các loại không thắt dây an toàn khi lưu thông trên đường là chuyện thường tình, nếu không nói là gần như 100% tài xế ô-tô không thắt dây an toàn. Chẳng phải thừa khi các nhà sản xuất ô-tô thiết kế dây an toàn cho người sử dụng xe. Vậy mà ở Việt Nam, dây an toàn không được phát huy tác dụng.

Từ trường đào tạo ra đường phố

Sẽ an toàn hơn khi thắt dây an toàn trên ô-tô.(ảnh minh họa)
Tại các trung tâm dạy lái xe ô-tô ở Đà Nẵng, phần lý thuyết luôn đề cập đến các yếu tố an toàn khi sử dụng ô-tô lưu thông trên đường phố. Và thắt dây an toàn là một trong những nội dung quan trọng luôn được giáo viên nhắc nhở. Tuy nhiên, lý thuyết là vậy còn thực tế cả thầy và trò khi thực tập trên ô-tô mang chữ “Tập lái” đều không chú ý nhiều đến việc thắt dây an toàn.
 
Học viên khi ôm vô-lăng chỉ chú ý các thao tác khởi động và vận hành xe chạy. Giáo viên ngồi ngay bên cạnh người đang tập lái ô-tô nhưng cũng lờ đi chuyện chiếc dây an toàn. Điều nghịch lý là khi thi kiểm tra tốt nghiệp và sát hạch lấy giấy phép lái xe, nếu học viên không thắt dây an toàn sẽ bị trừ điểm. Vậy là chiếc dây an toàn chỉ được sử dụng khi thi, còn những lúc khác lại bị “xếp xó”. Học viên cũng có cách đối phó khi bước vào phần thi thực hành lái xe bằng cách choàng dây an toàn ra sau lưng và bấm nút thắt dây.

Việc chấm thi sát hạch lấy giấy phép lái xe do máy móc tính điểm và do vậy, máy móc không thể nào biết người thi đang lừa dối để không phải thắt dây an toàn mà vẫn không bị trừ điểm. Thực tế khi được đào tạo, học viên đã không quan tâm đến chuyện thắt dây an toàn nên khi lấy xong giấy phép lái xe ô-tô, được phép lưu thông trên đường, họ cũng chẳng chú ý đến việc này dù thao tác thắt dây an toàn chỉ mất vài giây. Hầu như tài xế của tất cả các loại xe từ siêu trường, siêu trọng, xe trên 35 chỗ ngồi, xe du lịch, xe tải, v.v… đều không hề thắt dây an toàn khi vận chuyển trên đường.

Tại sao không thắt dây an toàn?

Nhiều tài xế cho rằng, dây an toàn gây vướng víu và không tiện cho họ khi ngồi lái xe. Tuy nhiên, đây chỉ là lập luận chống chế vì theo các nhà kỹ thuật, nếu thắt dây đúng cách và nới dây đủ độ vừa với cơ thể người lái xe thì không hề tạo vướng víu, khó chịu cho người lái.

Ngoài ra, nhiều tài xế lâu năm quá tự tin vào tay lái của mình nên không cần đến dây an toàn. Họ đã không biết rằng chỉ sơ sẩy gặp chướng ngại vật trên đường và phải dừng lại đột ngột thì người lái và cả người ngồi phía trước có thể va đập mạnh vào kính xe, thành xe, thậm chí có thể văng khỏi xe và nguy hiểm đến tính mạng. Hoặc cũng có người cho rằng xe xịn, có túi khí bảo vệ rồi thì cần gì phải thắt dây an toàn. Tuy nhiên, túi khí dù tăng 40% độ an toàn cho người ngồi sau tay lái nhưng không bảo vệ được họ ở những va đập từ hai bên trái, phải của người lái. Một dây an toàn được thiết kế để chống va đập hoặc giảm thương tổn khi xe phải dừng đột ngột và ngăn cho người lái hoặc hành khách không bị văng ra khỏi phương tiện. Do vậy, dù chỉ lái xe trong đoạn đường ngắn, trong nội thị thì việc thắt dây an toàn luôn luôn cần thiết.

Luật quy định nhưng không xử phạt

Điều 9, Chương II của Luật Giao thông đường bộ năm 2001 quy định: Ô-tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong  ô-tô phải thắt dây an toàn. Ngoài ra, Chương II, Mục 1, Điều 8 của Nghị định 146/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14-9-2007 về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ” cũng đã nêu rõ:

Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng đối với người điều khiển xe, người ngồi hàng ghế phía trước trong ô-tô có trang bị dây an toàn mà không thắt dây an toàn khi xe đang chạy. Nếu cứ theo luật định mà thực hiện thì cảnh sát giao thông sẽ tốn không ít thời gian cho việc xử phạt những hành vi không thắt dây an toàn khi lưu thông bằng ô-tô trên đường. Một cán bộ cảnh sát giao thông thành phố Đà Nẵng cho biết: hành vi này nhỏ nhặt quá, mức xử phạt cũng nhẹ, nếu phạt cũng không đáng gì nên thường là bỏ qua.

Ở đây không phải là mức xử phạt như thế nào mà cái chính là ở sự an toàn cho người lái xe và người ngồi trên ô-tô. Tại sao trước đây, việc xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm chỉ phạt khoảng 20.000 đồng cho người không chấp hành mà vẫn thực hiện được. Trong khi đó, nếu không thắt dây an toàn khi lái ô-tô cũng có nhiều rủi ro không kém gì việc không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy.
  
MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.