.

Câu cá “tài tử” bên bờ sông Hàn

.

(ĐNĐT) - Ngày cuối tuần, nhiều người câu cá bên sông Hàn không mang ý nghĩa mưu sinh mà là thú vui tao nhã giúp họ dỡ bỏ bao gánh nặng lo toan để rồi tiếp tục trở lại với cuộc sống đời thường một cách thanh thản hơn, khỏe khoắn hơn.
 

Phút tâm tình trong chuyến đi câu "tài tử" bên cầu Sông Hàn.

Tuyến đường Bạch Đằng chạy dọc bờ Tây sông Hàn được xem như một công viên mở để người dân TP Đà Nẵng và du khách thưởng ngoạn cảnh đẹp thơ mộng của sông nước thấp thoáng những bóng núi xa xa. Trên cái công viên mở ấy, người ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh của một TP yên bình song cũng rất sống động, từ những lứa đôi yêu nhau, những cụ già sớm chiều tập thể dục đến các bạn trẻ thả diều, nhảy hip-hop…

Và có một hình ảnh từ lâu đã trở nên quen thuộc với những ai thường qua lại tuyến đường này. Đó là những người câu cá “tài tử” bên sông Hàn, nhất là ở khu vực chung quanh cầu Sông Hàn cho đến cầu chữ T. Gọi là “tài tử” bởi những người đến câu cá ở đây, đa phần không phải để mưu sinh mà để tìm một thú vui tao nhã giữa cuộc sống xô bồ.

Hai tay hai cần, một mình làm cả cuộc đi câu!

Xe máy xịn, cần câu ngoại, đồ mồi cao cấp, thậm chí mê câu đến mức quên cả chìa khóa trên xe!

 
Hiếm khi người ta bắt gặp ở đây hình ảnh những người câu cá lam lũ với chiếc nón lá, manh áo bạc màu, chiếc cần trúc mảnh mai, cái giỏ mây méo mó và vẻ mặt khó đăm đăm khi thấy ngồi cả ngày mà chẳng câu được gì. Thay vào đó là những người quần áo tinh tươm, đi xe máy xịn, cần câu ngoại trị giá hàng triệu đồng, mồi câu thuộc loại “tiêu chuẩn” cho dù thành quả nếu đem ra chợ bán đôi khi còn… không đủ tiền mua mồi!

Nhưng nói “tài tử” không có nghĩa họ “tính toán” cho cuộc chơi của mình. Nhiều người cho rằng, đoạn sông mà họ thường thả câu nằm gần cửa sông Hàn đổ ra vịnh Đà Nẵng, nước chảy khá xiết, lại thường xuyên chịu tác động của các loại xe lớn nhỏ chạy trên đường nên chẳng mấy khi có cá tụ tập. Bất quá chỉ là các loại cá giò, cá dìa… cỡ vài ngón tay, cho đến to gần bàn tay đã là “cực hiếm”. 

"Tầm sư học đạo" từ cách chọn mồi câu...

... đến cách lựa tìm vị trí thả câu.


Thế nhưng với những tay câu “tài tử” đã nhiều năm “đội nắng, đội gió” bên bờ sông này thì chuyện lại không phải như vậy. Đoạn sông từ chân cầu Sông Hàn đến chân cầu chữ T có bãi khá thoải ra phía sông, khi triều lên thì nước rất lặng. Ở đây có khá nhiều ngóc ngách dưới bờ kè, chân cầu…, nguồn thức ăn từ các loại thủy sinh, hữu cơ… khá phong phú nên có khá nhiều loại cá tụ tập.  

Đã nhiều lần những người câu cá “tài tử” ở đây bắt được những con cá hanh nặng 7 – 8 lạng, thậm chí lên tới cả kg. Các loại cá mú, cá hồng… cũng không phải hiếm, thường từ 4 – 5 lạng. Riêng với cá hồng, đòi hỏi những người câu cá “tài tử” càng công phu hơn khi phải thả câu ban đêm mới hy vọng bắt được.
 

Phối hợp nhịp nhàng: Kẻ giật cần, người móc mồi câu

Cá câu được thường chẳng mấy khi “biến” thành tiền, mà trở thành những món quà đem về khoe vợ con, đem thêm chút ấm cúng cho mâm cơm gia đình. Nhưng thường thì điểm cuối của một chuyến đi câu của các “tay chơi” tài tử này là… quán nhậu, với đồ nhắm là mớ cá vừa thu hoạch được. Đó cũng là lúc trình độ “sát ngư” được tác giả bốc lên mây xanh trong sự “ghen tức” của những bạn câu có một ngày không may mắn. 

Nhưng để hưởng được những phút giây chiến thắng đó, các tay câu “tài tử” bên sông Hàn cũng phải tốn không ít công phu. Không chỉ là chuyện mua cần câu xịn, mồi câu ngon… mà họ còn phải “tầm sư học đạo” ở các bạn câu đi trước, từ cách chọn vị trí đến cách lựa cần câu, mồi câu cho mỗi loại cá ở mỗi thời điểm. Nhưng tốn kém nhiều nhất vẫn là thời gian, có khi phải ngồi cả ngày dưới trời nắng gắt hay thức cả đêm bên bờ sông, người ngợm cháy nắng, giật cần đến mỏi tay mới có được vài con cá cắn câu.
 

Với người mới đi câu thì phải nhờ chiếc dù che nắng...

... Còn với người đã dạn dày nắng gió bên sông Hàn thì chỉ cần một chiếc mũ là đủ!

Và sau khoảng lặng của chuyến đi câu ấy - chuyến đi câu diễn ra ngay bên cạnh dòng chảy sôi động của cuộc sống vẫn ngày đêm cuồn cuộn trên tuyến đường Bạch Đằng, những tay câu “tài tử” lại sẵn sàng trở lại với cuộc sống đời thường. Bao gánh nặng lo toan dường như được trút bỏ, hay chí ít cũng không còn khiến họ quá căng thẳng để họ thanh thản hơn, khỏe khoắn hơn với bước đường mưu sinh trước mắt.

Hải Châu


;
.
.
.
.
.