.

Báo động về tình trạng trẻ phải mưu sinh!

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta vẫn thường bắt gặp đâu đó những đứa trẻ sớm phải bươn chải bằng những công việc quá sức. Thế nhưng, nhiều bậc phụ huynh thì xem đó là chuyện bình thường để tăng thu nhập gia đình.

Chuyện gia đình chị Lê Thị H. ở khu Bình Hòa, Khuê Trung làm nghề bốc gạch thuê cho các chủ buôn gạch từ Quảng Nam. Chị em ở đây tham gia công việc nặng nhọc này nhiều năm và đã thành nghề - “nghề bốc gạch”. Gọi là nghề nhưng có qua trường lớp gì đâu; vốn liếng cũng không mất gì, chỉ bỏ sức ra làm miết thành quen và được mọi người gọi là “nghề bốc gạch”.

Nhiều người quen việc, quen người đã thành tổ, thành hội, gắn bó, làm việc không giờ giấc, không ngày nghỉ, cứ có xe gạch đến là tập trung đi ngay để bốc dỡ gạch xuống các điểm đang thi công, bất kể nắng mưa, xa gần. Thu nhập bình quân xấp xỉ 40-50 ngàn đồng một ngày, so với thu nhập các công việc khác thì chưa cao, nhưng có việc làm để kiếm sống. Chị H. tâm sự: “Vất vả lắm, muốn có đồng tiền, có hôm gọi nhau dậy từ 4 giờ sáng, có khi phải theo xe cả buổi trưa, cơm nước chẳng đúng bữa”...

Đành rằng do mưu sinh mà những người “thân cò, thân vạc” này phải quần quật với nắng, với gió. Nhưng điều đáng bàn là cả đến con cái họ, những đứa trẻ chưa đầy 14 tuổi như Lê Văn Q. cũng phải làm cái công việc mà người lớn vã mồ hôi để có một ngày công chưa đầy 20 ngàn đồng. Cháu Q. nói: “Hè nào cháu cũng có mặt với các cô, bác đi bốc gạch để có tiền phụ giúp bố mẹ nuôi em. Mỗi lần chuyền gạch lên xuống xe, cháu chỉ “rinh’ được mấy viên thôi”.
 
Duy nhất chỉ có Q. là người làm việc nhẹ nhất trong đám trẻ 7 em độ tuổi 13-14 ở đây. Một đứa trẻ khác cũng tên Q., nhưng trong đám bốc gạch gọi là “Q còi”. Một buổi đi học, một buổi đi bốc gạch thuê, riêng những ngày hè em làm việc ngang người lớn. Cũng vì làm việc quá sức mà 15 tuổi trông chẳng khác nào đứa trẻ lên 10. Còn Nguyễn Văn N., do phải lao động nặng nhọc thời gian khá dài nên thể hình và thể lực chậm phát triển, tay em chai sần vì phải bốc gạch hằng ngày.

Cảnh trẻ em đi lao động như thế này ở Bình Hòa không nhiều, toàn khu vực chỉ khoảng 5-7 em. Hầu hết những đứa trẻ này bố mẹ đều lao động kiếm sống bằng nghề bốc gạch. Tôi hỏi chị H.: “Công việc nặng nhọc, nắng gió thế này đối với người lớn đã là quá sức, thế mà chị vẫn đồng ý cho con đi làm?”. Câu trả lời của chị H. cũng như những ông bố, bà mẹ khác làm nghề bốc gạch ở đây: “Cho các cháu đi tập dần cho quen”.

Còn một trường hợp khác, Trần Ngọc D. là anh cả trong gia đình có 3 anh em ở Bình Hòa 1, hằng ngày phải phụ giúp cha mẹ thu gom phế liệu từ rác thải để bán kiếm tiền lo chuyện cơm áo cho gia đình. Ít ai biết rằng, mới 10 tuổi nhưng cậu bé đã phải lăn lộn kiếm sống trong điều kiện rất nặng nhọc, em phải túc trực ở bãi rác bất kể lúc nào để chờ xe đến đổ rác. Bới móc, nhặt nhạnh tất cả những gì có thể bán được trong những đống rác tanh tưởi, hôi hám là công việc của em. Vất vả như vậy, nhưng trung bình mỗi ngày, số phế liệu em thu gom cũng chỉ bán được 20 ngàn đồng.

Những hình ảnh như Q., như Đ., như N.... không hiếm. Do cuộc sống khó khăn, các em đã phải làm những việc nặng nhọc trong môi trường độc hại, nguy hiểm để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, cái lợi trước mắt mà các em mang lại từ những công việc đó là rất ít so với cái hại mà bản thân các em và gia đình phải gánh chịu.

Biết vậy mà có nhiều bậc phụ huynh coi con là “công cụ” kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cũng từ đây, nhiều em đã phải bỏ học giữa chừng. Không có điều kiện phát triển trí tuệ, thể chất, cá biệt có em còn bị xâm hại và rơi vào các tệ nạn xã hội. Đó là những hậu quả nặng nề của việc chưa ý thức đầy đủ, thiếu trách nhiệm trong việc tạo cho con môi trường sống an toàn và lành mạnh của một số bậc phụ huynh; âu cũng là trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Hồ Thành

;
.
.
.
.
.