.

“Cần công bằng, khách quan với thủy điện”

.

(ĐNĐT) - Quy hoạch, phát triển thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung – Tây nguyên là một trong bốn nội dung được quan tâm nhiều nhất tại buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương sáng 18-11

Tất cả dự án thủy điện đều làm theo đúng quy hoạch

Theo đại biểu Võ Minh Thức (Phú Yên), ai cũng biết làm thủy điện đem lợi ích cho đất nước, sản xuất ra điện giá rẻ, sinh hoạt của người dân tốt hơn; đồng thời, góp phần điều tiết lũ và tích nước cho vùng cho vùng hạ du. Tuy nhiên, cho là việc phát triển thủy điện vừa nhỏ tại khu vực miền Trung – Tây nguyên còn nhiều bất cập, ông Thức chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: “Bộ trưởng có suy nghĩ gì thực trạng phát triển thủy điện vừa qua. Tại sao các công ty lại quan tâm và thích làm thủy điện một cách vội vàng như vậy, phải chăng vì lợi nhuận hay được ưu tiên, hay là vì “mác” thương hiệu để công ty có điều kiện thu hút vốn trên sàn chứng khoán”.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn

“Tôi khẳng định tất cả các công trình, bất kể quy mô lớn, vừa hay nhỏ, đều được triển khai trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt. Đối với thủy điện dưới 30MW thì được địa phương phê duyệt hoặc lấy ý kiến của Bộ. Nghĩa là chúng ta có phân cấp rõ ràng và các địa phương đều tham gia vào công tác quy hoạch”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời.

Theo ông Hoàng, không phải đến khi hai cơn bão số 9 và số 11 xảy ra mới nói đến câu chuyện thủy điện và quy hoạch thủy điện, mà từ trước đó, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) trong quản lý nguồn nước, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quản lý thủy lợi, phối hợp với từng địa phương để phát hiện những bất cập, chưa đáp ứng yêu cấu phát triển thủy điện để sửa đổi.

Bộ trưởng cho biết, trong số 35 tỉnh thành có quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa (800 dự án trên toàn quốc, trong đó có 335 dự án ở miền Trung), Bộ thường xuyên kiểm tra, nhưng do điều kiện nhân lực và năng lực, đến nay mới kiểm tra được 1/3. “Qua kiểm tra, chúng tôi thấy có một số vấn đề phải xem xét, điều chỉnh lại. Quy hoạch thì không thể bất biến, trong khi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, khác với dự báo, nên quy hoạch có thể điều chỉnh”, ông Hoàng nói. 

Đổ lỗi hết cho thủy điện thì phải xem lại

Khẳng định phát triển thủy điện là rất cần thiết, Bộ trưởng cho rằng, nên có cái nhìn công bằng, khách quan hơn đối với thủy điện, nhất là trong bối cảnh nước ta hiện nay. “Hầu hết thủy điện đều nằm ở vùng sâu, vùng núi hiểm trở. Không phải doanh nghiệp nào cũng làm thủy điện chỉ vì mục đích lợi nhuận, nhiều người đã hy sinh vì dòng điện của đất nước, nhiều thủy điện đang rất có hiệu quả”, Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh

Trả lời về có hay không việc xả lũ là một trong những nguyên nhân gây nên hai đợt lũ nặng ở miền Trung vừa qua, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhìn nhận có ý kiến đúng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, “đổ lỗi hết cho thủy điện thì phải xem lại, đánh giá lại”.

Theo ông Hoàng, đợt mưa lớn lịch sử gây lũ vừa qua ở Phú Yên vượt ngoài dự báo đối với thủy điện, thủy điện sông Ba Hạ xả lũ đúng quy trình. Trước đó, trả lời ĐB Nguyễn Quy Nhơn (Quảng Nam) bằng văn bản, người đứng đầu ngành công thương cũng khẳng định, quá trình xả lũ của thủy điện A Vương đã được thực hiện theo đúng quy trình do Bộ Công thương phê duyệt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đập.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay sẽ tiếp tục kiểm tra, nếu phát hiện sai sót trong xây dựng quy hoạch, xây dựng thủy điện thì sẽ điều chỉnh, bổ sung; đồng thời, sẽ kiểm tra kỹ lưỡng về quy trình vận hành hồ chứa. Ông cũng thừa nhận, thời gian qua, một số thủy điện không đạt yêu cầu, chiếm đất, hiệu quả kinh tế không cao và đã được các địa phương cho ngừng nghiên cứu phát triển; quy trình liên hồ chứa chưa thực hiện đúng chỉ đạo, trong đó có hồ thủy điện và thủy lợi.

Không bù lại được đất rừng đã lấy, dứt khoát không cho triển khai!

Tại buổi chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã trả lời trước Quốc hội để làm rõ thêm việc phát triển thủy điện.

Theo ông Nguyên, trong quá trình chuẩn bị quy hoạch hệ thống thủy điện Việt Nam, trong đó có thủy điện nhỏ và vừa, đều có sự tham gia của tất cả các ngành. Với chức năng của mình, Bộ TN-MT đã làm rất kỹ báo cáo đánh giá tác động môi trường, có tính toán về dòng chảy tối thiểu, về đa dạng sinh học, việc đất rừng thu làm thủy điện như thế nào, về đánh giá tài nguyên khoáng sản… Trong quy hoạch thủy điện giai đoạn 2005-1015 tầm nhìn 2025, quy trình rất căn cơ, rất khoa học. Quy hoạch thủy điện bám sát Nghị định 03 năm 2006 của Chỉnh phủ, trong đó quy định rất rõ nhà đầu tư lấy bao nhiên đất rừng thì trồng lại bấy nhiêu.

Bộ trưởng cho biết, về cam kết thực hiện báo cáo đánh giá môi trường thời gian qua, hầu hết các chủ đầu tư đều nghiêm túc thực hiện đúng yêu cầu của Bộ. Song, vẫn còn một số vi phạm. Đó là, làm thủy điện thì lấy đất rừng, nhưng tìm đất để trồng lại rừng rất khó. Nguyên nhân, hoặc do chủ đầu tư tập trung xây nhà máy nhưng chưa quan tâm bù đất, hoặc do địa phương nơi có thủy điện không đủ đất để trồng lại rừng.

Ông Nguyên đề nghị cần rà soát lại khả năng đất bù lại đất đã lấy làm thủy điện, nếu không bù lại được đất rừng đã lấy, dứt khoát không cho triển khai; các chủ đầu tư năng lực yếu, lấy đất, giữ đất nhiều năm thì cần chuyển đổi chủ đầu tư.

Đà Nam

;
.
.
.
.
.