.

Ông Tá “làm hết mình”

.

Mười hai năm ròng rã trên chiếc xe đạp, không một ngóc ngách nào của huyện Hòa Vang là ông Lê Văn Tá chưa đến. Và chưa bao giờ trễ hẹn. Từ khi ông còn là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và bây giờ là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam của huyện. Không những vậy, 20 năm rời quân ngũ, ông vẫn thực hiện nghiêm nền nếp làm việc, sinh hoạt như một người lính thực thụ. Bởi theo ông, điều tiên quyết để làm được việc, chính là làm hết mình, làm đến nơi đến chốn!

Ông Lê Văn Tá xem xét đơn đề nghị giúp đỡ của một nạn nhân chất độc da cam.

Hết mình vì công việc, trong những ngày còn làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, ông luôn cùng cán bộ đi xuống tận cơ sở xem xét tình hình, nơi nào có vấn đề vướng mắc thì bàn biện pháp giải quyết ngay. Trong đó, ông đặc biệt quan tâm đến việc phát triển kinh tế gia đình, bởi theo ông, trong thời bình, người lính cũng phải phát huy tốt tinh thần “Bộ đội cụ Hồ”, tiên phong trong lao động sản xuất và sản xuất giỏi để bảo đảm đời sống gia đình và góp phần vào sự phát triển của xã hội.

Ông thường xuyên xuống thăm, kiểm tra các chi hội Cựu chiến binh người dân tộc Cơtu ở Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), Phú Túc (xã Hòa Phú) để hướng dẫn làm kinh tế gia đình, xây dựng đời sống văn hóa. Tận tình với công việc, khi hết nhiệm kỳ, ông chỉ đạo Thường trực Hội tổ chức kiểm tra toàn diện các mặt công tác để tập trung giải quyết.
 
Trong đó, với nợ quá hạn của 2 hội viên của xã Hòa Ninh sau thời hạn vay tín chấp của Ngân hàng Chính sách xã hội, ông đã bàn bạc, vận động trong các hội viên, giúp đỡ một nửa số tiền để họ trả nợ. Đồng thời, ông cũng tham gia làm tốt công tác nhân sự, tạo nền tảng cho việc phát triển của Hội sau khi ông “rút lui”.

Đó cũng là điều ông giữ được và phát huy tốt hơn sau khi học tập và thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. “Học lý luận là được rồi. Tôi nghiền ngẫm rất kỹ 5 đặc trưng đạo đức và 7 phong cách sống của Bác và thấy rằng, từ trước đến nay mình vẫn làm được như thế, thì bây giờ học rồi phải làm cho tốt hơn, điều gì chưa tốt thì cố mà khắc phục” - ông tâm sự.
 
Vì thế, trong cương vị mới là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam của huyện Hòa Vang từ năm 2007, ông Lê Văn Tá lại tiếp tục lên đường, rong ruổi cùng chiếc xe đạp để đi tìm hiểu, vận động, giúp đỡ cho những nạn nhân chất độc da cam. “Đau lắm, trong đó có những con em của đồng đội, đồng chí của mình! Vì thế, dù không có lương, không phụ cấp nhưng tôi vẫn quyết tâm làm.

Bởi tôi nghĩ, 40 năm trong quân ngũ, trải khắp các chiến trường, qua hai chuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mình vẫn còn nguyên vẹn, gia đình hạnh phúc, trong khi đó còn nhiều người, cả đồng đội, đồng chí của mình đã hy sinh mất mát trong chiến tranh và trong cả thời bình. Mình không thể ngồi hưởng đồng lương hưu mà nhìn nỗi đau đó, trong khi sức mình vẫn còn làm việc được!” - ông giãi bày về việc đã gần cái ngưỡng tuổi 80 nhưng ông vẫn dành hết sức mình cho công việc đầy khó khăn này.

Để làm được việc từ thiện đó, theo ông, điều quan trọng là ở cái tâm và cách làm của mình. Tiền vận động được, ông dành hết tất cả cho việc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Nhiều lần, ông thêm tiền của mình vào cho đủ suất. Để có được những đồng tiền đó, hằng ngày, ông đã lăn lưng ra đánh vật với vườn rau 4 nghìn mét vuông của mình với thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng mỗi năm.
 
Ông cũng không ngần ngại khi đến tận các địa phương xa trong cả nước để vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam của huyện. Nhờ thế, từ năm 2008 đến nay, ông đã vận động được hơn 110 triệu đồng, giúp đỡ cho hàng nghìn lượt đối tượng; đồng thời ông cũng phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện vận động trợ giúp thường xuyên mỗi tháng 100 nghìn đồng cho 34 trường hợp nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn nhất. Bản thân ông cũng dành một suất 100 nghìn đồng mỗi tháng giúp đỡ suốt đời cho một đối tượng là con của Cựu chiến binh, với lời hứa nếu khi ông qua đời, con ông sẽ tiếp tục phần việc này.

Thế nhưng, ông vẫn thấy rằng chưa đủ, bởi: “Việc mình làm còn nhỏ nhoi lắm, chỉ đủ góp phần nhỏ để xoa dịu nỗi đau da cam, chứ chưa thể nói là giúp được nhiều. Vì thế, mình còn phải cố gắng nhiều hơn nữa, làm hết sức mình thì thôi!”.

Bài và ảnh: ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.