.

Bảo hiểm Xã hội tự nguyện: Quá ít người tham gia!

.

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) thành phố, đến cuối năm 2009, số lao động tham gia BHXH bắt buộc là 342.318 người, tăng 11,8 lần so với năm 1995, trong đó số đơn vị tham gia BHXH tăng gấp 4,5 lần. Riêng đối tượng tham gia các loại hình bảo hiểm y tế (BHYT) trên 681 nghìn người, chiếm gần 77% dân số toàn thành phố. Vậy nhưng trong hơn 2 năm qua, số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ khoảng 160 người - một con số quá nhỏ so với hàng trăm nghìn người lao động trên địa bàn.

Những người lao động mùa vụ vẫn chưa mặn mà với việc tham gia BHXH tự nguyện. 

Theo Luật BHXH, từ ngày 1-1-2008, nông dân, xã viên các HTX, người làm thuê công việc mang tính mùa vụ, hay việc làm không ổn định có thể được hưởng phúc lợi xã hội khi tham gia BHXH tự nguyện. Người lao động được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng BHXH phù hợp với thu nhập của mình để hưởng BHXH. Thế nhưng không mấy ai mặn mà với chủ trương này, mà nguyên nhân là do quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế, khiếm khuyết, mức đóng phí có thể còn cao đối với nhiều người.

BHXH tự nguyện là một phần trong lộ trình thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ta về chăm lo an sinh xã hội cho nhân dân. Riêng về BHXH-BHYT, lộ trình đó bao gồm thực hiện BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT bắt buộc, BHYT tự nguyện và BH thất nghiệp. Trong những năm trước, do điều kiện thực tế chung của đất nước, nên chỉ mới thực hiện BHXH bắt buộc cho người lao động có hưởng tiền lương, tiền công trên cơ sở hợp đồng lao động. Nay nền kinh tế trong nước liên tục phát triển ở mức cao, đồng nghĩa với thu nhập của người dân đã khá hơn, thì đã đến lúc cần triển khai thực hiện BHXH tự nguyện. Mặt khác, tiến trình hòa nhập kinh tế quốc tế và trong kinh tế thị trường, việc thực hiện rộng rãi BHXH sẽ làm giảm bớt phân hóa xã hội.
 
Xuất phát từ nhu cầu thực tế cho thấy, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố sẽ rất lớn. Song trên thực tế, việc triển khai BHXH tự nguyện khó khăn, trước hết có thể nói rằng việc tuyên truyền đóng BHXH tự nguyện chưa được triển khai rộng khắp, bởi đây là chính sách mới, lần đầu tiên triển khai thực hiện, nên rất nhiều người chưa hiểu về BHXH. Bà Lê Thị Bốn, một tiểu thương ở chợ Bắc Mỹ An, khi được hỏi về BHXH tự nguyện thì lắc đầu bảo: “Tôi là dân buôn bán, quanh năm suốt tháng ở chợ, có biết bảo hiểm gì đâu?”.
 
Ngược lại, mặc dù đã nhiều lần được tuyên truyền về BHXH tự nguyện nhưng chị Nguyễn Thị Thanh ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn vẫn không thể tham gia loại hình bảo hiểm này, bởi theo quy định, mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng do người dân tự lựa chọn, nhưng không được thấp hơn 16% mức lương tối thiểu chung. Quy định này là quá sức với nhiều hộ nông dân như gia đình chị Thanh. Không dừng lại ở đó, theo lộ trình, từ năm 2010-2011, mức nộp sẽ bằng 18% mức lương tối thiểu, năm 2012-2013 bằng 20% và từ năm 2014 trở đi bằng 22%.

Đây cũng là khó khăn chung của nhiều người có thu nhập bấp bênh. Đó là chưa kể nhiều nông dân có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thất thường, nhiều tháng phải tiết kiệm chi tiêu mới đủ sống nên không thể đủ tiền đóng phí BHXH tự nguyện hằng tháng. Mặt khác, có người so sánh lợi ích của việc đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện và cho rằng tham gia BHXH tự nguyện phải đóng 100% phí nhưng chỉ được hưởng 2 quyền lợi là hưu trí và tử tuất. Còn đóng BHXH bắt buộc đã được Nhà nước hỗ trợ một phần phí nhưng lại được hưởng đến 5 quyền lợi là ốm đau, hưu trí, tử tuất, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Việc triển khai thực hiện BHXH tự nguyện có nhiều ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội lớn lao, cho nên thực hiện chính sách này có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc ổn định đời sống cho hàng triệu người lao động, ổn định xã hội, là một bước tiến mới trong thực hiện công bằng, dân chủ, văn minh.

Bài và ảnh: Phương Uyên

;
.
.
.
.
.