.
Vụ hai bé trai chết đuối ở công trình đê kè biển Liên Chiểu:

Hai cái chết thương tâm và trách nhiệm của ai?

.

(ĐNĐT) - Sau vụ chết đuối của hai cháu Quang và Hoàng, đơn vị thi công chỉ giăng hai sợi dây nhựa rất sơ sài dọc theo rãnh mương nước sâu hoắm để cảnh báo mọi người. Đơn vị này cũng chỉ hỗ trợ 10 triệu đồng lo tang ma hai cháu. 

Đơn vị thi công hỗ trợ 10 triệu đồng!


Chiều ngày 16-9, không khí đau buồn vẫn còn bao trùm trong ngôi nhà cấp 4 của bà Trần Thị Mười (bà nội và cũng là bà ngoại của 2 cháu bé Quang và Hoàng), ở tổ 29 phường Hòa Hiệp Nam, quận Liêu Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Những người dân trong xóm xúm xít lại, tất bật lo phụ giúp gia đình thu dọn đồ đạc mà gia đình bà Mười mượn để tổ chức đưa tang cho hai cháu của mình.

 

DE 1.JPG

Không chỉ đau đớn vì mất con mất cháu, những người trong gia đình hai cháu Quang và Hoàng hiện đang khổ sở vì không biết kiếm đâu ra tiền để trả các khoản nợ đã mượn lo việc ma chay cho hai cháu

 

Ngồi thẫn thờ như người không hồn trước di ảnh con trai, chị Mai Thị Thủy, mẹ bé Mai Tấn Hoàng, nấc nghẹn từng lời: "Tôi chỉ có một mình cháu, giờ cháu mất rồi tôi biết sống với ai đây? Dứt lời, chị bưng mặt khóc như mưa, làm những người có mặt trong ngôi nhà ai nấy cũng không cầm được nước mắt".

Cạnh đó, chị Nguyễn Thị Hạnh ngồi ôm chặt bé Mai Tấn Vinh vào lòng nghẹn ngào: May mà sáng hôm đó nó đi sau hai anh, chứ không thì bây giờ chắc nó chẳng còn được ngồi đây với tôi nữa. Ngẩng mặt nhìn lên di ảnh của cháu Quang, chị khóc nức nở.

Buổi sáng định mệnh ngày 14-9, ba anh em Vinh, Quang, Hoàng rủ nhau ra biển chơi. Đến khoảng 8 giờ, cháu Vinh chạy về nhà báo tin hai anh bị té xuống mương nước. Khi mọi người chạy ra thì đã thấy hai cháu Quang và Hoàng đã chết. Ai nấy trong gia đình đều chết lịm người, trước sự việc xảy ra quá đột ngột.

Ba cháu Mai Tấn Vinh, Mai Tấn Quang và Mai Tấn Hoàng là anh em cô cậu ruột với nhau và cùng sống chung trong gia đình bà ngoại Trần Thị Mười từ lúc nhỏ. Cả gia đình gồm 9 nhân khẩu, không có công việc làm ổn định, thuộc diện hộ nghèo. Ngày thường, cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn, nay bất ngờ xảy ra tang tóc, cả nhà rơi vào cảnh khó khăn, khốn đốn hơn.

Ngày 16-9, trả lời báo chí, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, chủ đầu tư Dự án công trình đê kè biển Liên Chiểu, cho biết đã có văn bản trình UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị xem xét, kiểm tra và điều tra nguyên nhân gây ra cái chết thương tâm của hai cháu bé Mai Tấn Vinh và Mai Tấn Hoàng.

Theo đề nghị trên, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra quá trình thi công của Công ty cổ phần An Phú, đơn vị đảm nhận việc thi công công trình. “Nếu sau khi kiểm tra phát hiện có dấu hiệu vi phạm an toàn trong xây dựng, sở sẽ đề nghị thành phố ra quyết định chấm dứt ngay hợp đồng và có biện pháp xử lý nghiêm đối với đơn vị này”, ông Thắng cho biết.

Ngay trong ngày hai cháu Hoàng và Quang mất, ngoài sự hỗ trợ 10 triệu đồng của các cấp chính quyền, đoàn thể quận Liên Chiểu và 10 triệu đồng của Công ty cổ phần An Phú - đơn vị thi công công trình đê kè biển Liên Chiểu, gia đình phải chạy vạy khắp xóm để vay mượn tiền lo chuyện hậu sự cho hai cháu bé, với tổng số tiền chi phí mai táng gần 40 triệu đồng. Chị Thủy lau nước mắt nói: "Mất con, mất cháu đã đành, nay gia đình tôi còn phải ôm thêm một khoản nợ tiền triệu mượn lo việc ma chay, không biết đến khi nào mới trả hết".

Những người trong gia đình cho biết, từ ngày hai cháu Quang và Hoàng mất, thông qua chính quyền địa phương, người của Công ty cổ phần An Phú chỉ đến thăm gia đình một lần duy nhất và hỗ trợ 10 triệu đồng lo việc mai táng hai cháu.

Trách nhiệm ở đâu? 

Chiều 16-9, trở lại khu vực đê kè biển Liên Chiểu, nơi xảy ra vụ hai bé trai chết đuối ngày 14-9, chúng tôi ghi nhận khu vực này vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đối với người dân nơi đây bất cứ lúc nào. Bởi lẽ, sau khi tai nạn xảy ra, đơn vị thi công công trình mới chỉ giăng hai sợi dây nhựa sơ sài dọc trên thành mương nước dài hơn 100 m để cảnh báo người dân, chứ không hề lập rào chắn. Ngoài ra, trên cả một khu đất rộng chạy dọc bờ biển, các lõi trụ sắt chờ dùng để đổ trụ bê tông lòi lởm chởm nhiều nơi, trông rất nguy hiểm. 

Nhiều người dân ở đây bức xúc nói, cứ tưởng sau sự việc hai cháu Hoàng và Quang chết đuối, lẽ ra đơn vị thi công phải lập rào chắn cố định, tránh những sự cố đau lòng có thể tiếp tục xảy ra đối với trẻ em nơi đây. Nhưng đằng này, họ chỉ căng 2 sợi dây nhựa rất sơ sài để cảnh báo mọi người mà thôi.

Bà Nguyễn Thị Hoa, nhà ở gần công trình, nơm nớp lo sợ: Ở đây đa số là dân nghèo, hằng ngày họ phải bươn chải kiếm sống đủ nơi, nên không có người giữ bọn trẻ. Công trình nằm ngay sát nhà dân, nếu đơn vị thi công không nhanh chóng lập rào chắn cẩn thận, thì không ai dám chắc rằng tai nạn sẽ không còn xảy ra.

DE.JPG

Sau vụ chết đuối của hai cháu Quang và Hoàng, đơn vị thi công chỉ giăng hai sợi dây nhựa rất sơ sài dọc theo rãnh mương nước sâu hoắm để cảnh báo mọi người trong khu vực (Ảnh chụp chiều 16-9)

 Bức xúc trước sự tắc trách của đơn vị thi công, ông Dương Tấn Định, Tổ trưởng tổ dân phố 29, phường Hòa Hiệp Nam, nói: Việc đơn vị thi công công trình đê kè biển Liên Chiểu không lập rào chắn đã trở thành một cái bẫy có thể xảy ra tai nạn cho người dân nơi đây bất kỳ lúc nào. Và chắc chắn những ai không may bị rơi xuống rãnh mương sâu khoảng 2m do đơn vị thi công đào xới, không chết cũng bị thương. Trước đây, nhiều lần bà con tổ dân phố 29, 30 đã phản ánh với chính quyền địa phương nhờ can thiệp, yêu cầu đơn vị thi công làm rào chắn an toàn, nhưng vẫn không thấy đơn vị thi công thực hiện.

“Chỉ tính riêng trong tổ dân phố 29 và 30, có gần 200 trẻ em. Đa số người dân nơi đây còn nghèo, hằng ngày lo đi làm ăn kiếm sống, còn trẻ ở nhà chơi loanh quanh trong xóm. Trong đó, nhiều em còn nhỏ dại hay nghịch ngợm, nên nguy cơ rơi xuống bẫy của công trình đê kè biển Liên Chiểu là rất cao”, ông Định tỏ ra lo lắng.

Ông Lê Duy Du, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam, cho biết, ngay sau khi tai nạn xảy ra, UBND phường đã đề nghị Công ty cổ phần An Phú lập ngay rào chắn để đảm bảo tính mạng người dân nơi đây, nhất là trẻ em. “Công trình thi công đê kè Liên Chiểu ở địa bàn phường Hòa Hiệp Nam được triển khai từ tháng 11-2009, nhưng tiến độ thi công quá chậm, nên đến nay mọi thứ vẫn còn ngổn ngang, gây nguy hiểm, cũng như tạo ra nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt đi lại của người dân địa phương”, ông Du nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho hay, UBND quận đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tổng kiểm tra, rà soát việc thực hiện an toàn tại các công trình đang thi công trên địa bàn. Riêng với những công trình của thành phố đang triển khai trên địa bàn quận, UBND quận đề nghị thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị thi công phải nghiêm túc chấp hành các quy định an toàn trong quá trình thi công công trình, nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc có thể tiếp tục xảy ra đối với người dân trên địa phương.

Bài và ảnh: Ngọc Đoan-Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.