.

Giải quyết việc làm cho lao động vùng giải tỏa

.
Là địa phương hiện đang thu hút nhiều dự án đầu tư, diện mạo của quận Ngũ Hành Sơn đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Bố trí các khu tái định cư cũng như giải quyết việc làm cho một số lượng lớn lao động nằm trong vùng giải tỏa hiện là bài toán đang được địa phương quan tâm và đầu tư.

Mô tả ảnh.
Tổ hợp tác may gia công vì người nghèo phường Hòa Quý giải quyết việc làm cho lao động vùng giải tỏa.
Theo ông Đoàn Ngọc Độ, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, hiện nay trên địa bàn quận có trên 40 dự án được cấp phép đang trong giai đoạn khảo sát và thực hiện công tác đền bù giải tỏa. Khoảng 50% trong tổng số hơn 12.000 hộ dân của quận đều nằm trong vùng giải tỏa của gần 100 dự án đã và đang được triển khai trên khắp địa bàn. Ngoài việc xây dựng các khu dân cư mới, di dời các khu mộ, thì việc bố trí việc làm và thực hiện công tác hướng nghiệp đang được địa phương quan tâm. Theo số liệu từ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, mỗi năm quận giải quyết việc làm cho 1.600-1.700 lao động tại địa phương, trong đó gần 70% là lao động thuộc vùng giải tỏa.

Nhiều phương án tìm kiếm việc làm, đào tạo nghề cho lao động đã được thực hiện. Quận đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên mở các lớp học nghề miễn phí hằng năm, đồng thời tổ chức các phiên chợ việc làm, Ngày hội hướng nghiệp… Trong 9 tháng đầu năm 2010, có gần 1.000 lao động đã được giải quyết việc làm. Ngoài ra, theo ông Mai Quốc Quang, Phó trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, địa phương có nhiều lợi thế trong việc sử dụng nguồn lao động phổ thông được bổ sung hằng năm, đặc biệt là lao động nam.
 
Đó là sự phát triển của Làng đá mỹ nghệ Non Nước hay nhu cầu tuyển dụng công nhân ngày càng nhiều tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc… Hiện nay Làng đá mỹ nghệ Non Nước có trên 400 cơ sở, mỗi năm các cơ sở này tuyển dụng 5-10 lao động tùy theo khả năng phát triển của mình. “Làng nghề truyền thống nên ngoài việc “cha truyền con nối” còn tuyển thêm lao động. Mới bước vào học nghề thì người lao động đã nhận được phụ cấp, hơn 1 năm sau có thể có thu nhập 2-3 triệu đồng mỗi tháng”, ông Quang cho biết.

Cách làm hiệu quả nhất hiện nay chính là việc liên kết với các công ty, doanh nghiệp để sử dụng lao động làm việc ngay tại địa phương theo phương thức tổ hợp tác. Mô hình Tổ hợp tác may gia công vì người nghèo phường Hòa Quý ra đời trong hoàn cảnh đó. Địa phương đã liên kết và nhận hàng đặt từ Công ty Dacotex để may gia công hàng thể thao xuất khẩu. Tổ hợp tác may gia công đã thu nhận gần 30 phụ nữ nghèo, đơn thân với mức thu nhập từ 1-2 triệu đồng mỗi tháng tùy theo số lượng sản phẩm. Không bó hẹp về thời gian nên nhiều chị em vẫn đảm đương được việc nhà, lúc rảnh rỗi họ lại lao vào công việc mà không quản sớm trưa.
 
“Chị bỏ việc trong Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc về đây làm cho gần nhà để tiện chăm lo gia đình, mà đồng lương vẫn không thay đổi, thậm chí khá hơn nếu mình chịu khó thêm”, chị Thái Thị Hợi, tổ 27, phường Hòa Quý cho biết. Được biết, chị là lao động chính, nuôi một mẹ già 70 tuổi thường xuyên bị đau ốm cùng người chị gái bị liệt và 2 đứa con đang tuổi đến trường. Sự ra đời của Tổ hợp tác may gia công như một “cứu cánh” của gia đình khi tất cả đều trông cậy vào đồng tiền lẫn sự chăm sóc trên đôi tay tảo tần của chị. Ngoài ra, địa phương cũng đã liên kết với Công ty Hoàn Mỹ bố trí 100 lao động phổ thông nữ với mức lương gần 1,5 triệu đồng/tháng để làm việc tạp vụ tại các bệnh viện.

Để công tác hướng nghiệp, giải quyết việc làm có hiệu quả hơn, đồng thời giá trị sử dụng nguồn nhân lực cũng ngày càng nâng cao, theo ông Đoàn Ngọc Độ, những lao động phổ thông sau khi có việc làm ổn định nên chủ động tham gia các khóa học, các lớp bồi dưỡng, tập huấn về các kỹ năng, nghiệp vụ để phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội, không nên tự hài lòng với những gì mình đã và đang có.

Bài và ảnh: Phan Chung
;
.
.
.
.
.