Bất chấp nguy cơ tai nạn và sự ngăn cản của nhân viên đường sắt, nhiều người dân vẫn cố tình dỡ các rào chắn để chen qua đường ngang khi tàu sắp tới, gây ra cảnh tượng nhốn nháo và đầy nguy hiểm.
Dắt díu nhau qua đường ngang khi rào chắn đã được kéo hết. |
Nhốn nháo nơi rào chắn
Tàu qua Ngã ba Huế vừa lúc tan tầm buổi trưa. Từ khi nhân viên đường sắt (NVĐS) bắt đầu kéo rào chắn, mọi phương tiện đã trở nên hối hả, vội vàng hơn thường lệ. Chỉ khoảng một nửa số người chịu dừng ngay khi có hiệu lệnh tàu đến. Số còn lại từ các làn đường mau chóng tìm cách chen chân thật nhanh qua khoảng hẹp mà rào chắn chưa kịp kéo tới. Dù lanh lẹ đến mấy, những bóng áo xanh đang làm nhiệm vụ cũng không tài nào chặn được hết dòng người cứ ùn ùn chui qua, người này tiếp nối người kia. Và khi rào đã được đóng kín, không ít người vẫn hậm hực: “Tàu chưa tới mà ông làm chi không cho tôi qua?”. Rồi kẻ dỡ thanh chắn, người luồn xe nối tiếp nhau ngang nhiên lách qua cả phần đường bên kia đã kẹt cứng người và xe dừng lại chờ tàu. Chưa hết, vài chiếc xe từ con đường nhỏ dọc theo đường sắt đột nhiên phóng tới. Bất đắc dĩ, khi người và phương tiện đã “lọt” vào giữa hai thanh chắn, NVĐS phải dỡ rào để họ thoát ra.
Khung cảnh trên lặp lại tương tự ở gác chắn Thanh Khê, một trong những nơi có mật độ tàu qua dày nhất trên địa bàn thành phố. NV gác chắn cũng cực hơn khi số người qua lại hằng ngày đông chóng mặt, do xung quanh khu vực gác chắn tập trung nhiều trường học, cửa hàng, công ty, nhà dân... Nhiều học sinh bất chấp tàu gần tới và sự ngăn cản, hoặc la hét của NVĐS, vẫn kéo nhau thản nhiên đi bộ qua đường. Khi rào được kéo gần hết, vẫn còn một đám đông ùn tắc gần giữa đường ngang để cố đi cho bằng được. Theo chị N.T.M.T, một NV trực gác, không kể ban ngày, mà vào ban đêm với mật độ dày đặc tàu ra-vào, vẫn không thiếu người vượt rào chắn. Việc giữ rào càng khó khăn gấp bội, bởi đa số những người vượt rào đều say xỉn và khá hung tợn. “Có người còn đòi đánh nếu chúng tôi kiên quyết không cho họ đi”, chị T. nói.
Ngoài số người qua lại thường xuyên, một chợ cóc cách rào chắn không bao xa càng khiến cho tình hình ở gác chắn Nam Ô không kém phần phức tạp. Thậm chí, thỉnh thoảng, khi tàu đang chạy, vẫn có người ngồi bán ngay dưới thanh chắn.
Dễ gây tai nạn nếu người dân cố tình vượt rào
“Dù nhiều người dân thiếu ý thức ào ào băng qua đường ngang như đã nói ở trên, NVĐS vẫn không thể dùng biện pháp mạnh để ngăn cản và luôn tránh xảy ra xô xát với người đi đường”, ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng cho biết. Theo ông Sơn, khoảng cách hãm an toàn của tàu thường là 800m, và NVĐS luôn đóng rào trước khi tàu sắp đến ít nhất 3 phút, nhưng nếu người dân cứ cố tình đi vào đường ngang, sẽ có khả năng tàu hãm gấp dưới khoảng cách bình thường, dễ gây ra tai nạn.
Trên địa bàn thành phố có 20 gác chắn, và tình trạng cố tình dỡ rào qua xảy ra ở hầu hết các điểm. Có nơi người dân còn liều mạng băng qua đường cấm đã được rào hẳn. Thậm chí, ông Sơn kể, việc người dân ẩu đả, chửi bới những NVĐS không cho họ vượt rào là không hiếm, do đó ngành đường sắt phải thường xuyên làm việc với công an địa phương khi cần để có biện pháp xử lý thích hợp. Tại vài điểm vì có quá nhiều phương tiện giao thông qua lại và ý thức người dân về an toàn giao thông quá yếu, NVĐS buộc lòng phải khóa luôn thanh chắn khi có tàu qua. “Nhiều lúc chúng tôi nghĩ, phải đóng hẳn một số hành lang dọc theo đường sắt để người dân và các phương tiện không thể từ đó tuôn ra gây mất an toàn. Nhưng nếu làm vậy sẽ ảnh hưởng đến giao thông của dân cư các khu vực này. Giờ chỉ còn cách giải tỏa thôi!”, ông Sơn nói.
Bài và ảnh: HẰNG VANG