.

Sớm di dời hai nhà máy gây ô nhiễm

.

Nghe tin thành phố quyết liệt trong chỉ đạo di dời Nhà máy Xi-măng Hải Vân và Nhà máy Thuốc lá, người dân sống ở xung quanh đều vui mừng và bày tỏ mong muốn chủ trương này sớm được thực hiện.

Mô tả ảnh.
Nhiều năm nay, người dân khốn khổ vì Nhà máy Xi-măng Hải Vân gây ô nhiễm.
Dân chịu hết nổi

Khi chúng tôi đến trực tiếp hỏi thăm ý kiến của các hộ dân sống chung hàng chục năm nay với mùi khói, bụi và ô nhiễm từ Nhà máy Xi-măng Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) thải ra, bà con ở đây như được dịp “kể tội” nhà máy.

Cô Nguyễn Thị Lâm (tổ 24, phường Hòa Hiệp Bắc) cho biết, không riêng gì nhà cô mà từ hàng chục năm nay, các hộ dân trong khu vực phải chịu cảnh ngột ngạt, bức bối vì khói ô nhiễm từ nhà máy thải ra suốt cả ngày lẫn đêm. Nhất là ban đêm hay những khi trời mưa, lượng xả ra ngoài môi trường càng nhiều hơn. “Khổ nhất là mấy đứa trẻ, cứ bị viêm mũi, ho liên tục. Còn người lớn thì cứ đi làm về lại phải chui ngay vào nhà, đóng kín cửa. Mặc dù ngày nào cũng lau nhà nhưng cũng không ăn thua. Chỉ 15 phút sau là bụi đen lại bám đầy”, cô Lâm than thở.

Cách nhà cô Lâm khoảng 30 mét là Trường mầm non Hoa Hồng. Cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đang nhận giữ hơn 230 cháu từ 2 đến 6 tuổi. Các cháu thường xuyên chịu ảnh hưởng từ khói của nhà máy xi-măng, nhất là mỗi lần xe chở xi-măng đi qua là bụi bay mù mịt. Khi biết thông tin thành phố đang có phương án di dời nhà máy, cô Hương tỏ rõ sự vui mừng: “Làm thế nào thực hiện càng nhanh càng tốt, chứ không chỉ khổ cho các cháu nhỏ. Nguy hiểm trước mắt thì khó thấy, nhưng sẽ ảnh hưởng về lâu dài”.

Tương tự, hàng trăm hộ dân sống xung quanh Nhà máy Thuốc lá Đà Nẵng (Công ty TNHH Imperial Vina Đà Nẵng, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) chục năm nay cũng bày tỏ tâm tư: “Làm sao thành phố cho di dời nhà máy càng nhanh càng tốt, chứ chúng tôi chịu đựng lâu lắm rồi”.

Bà Đặng Thị Hồng (56 tuổi, trú tổ 63, phường Khuê Trung), vừa chỉ tay lên ba ống xả khói của nhà máy, vừa bức xúc nói, ba ống khói này xả liên tục suốt ngày đêm, mà đêm thì càng xả nhiều hơn khiến cả một khu vực lớn quanh nhà máy lúc nào cũng nồng nặc mùi cay nồng của sợi thuốc lá và khói đen. Bà Hồng cho biết, bà có hai cháu nội, đứa 3 tuổi và đứa mới hơn 1 tuổi, vì chịu mùi thuốc lá không nổi nên thường xuyên đau ốm và đi bệnh viện luôn. Ông Nguyễn Văn Kiệt (53 tuổi, tổ 31), thông tin thêm: “Thường buổi tối hoặc lúc có mưa là họ xả khói đen sì, chỉ một lúc là bụi đen phủ đầy nhà, mùi hôi nồng nặc. Giờ nghe tin nhà máy sắp được di dời, ai cũng mừng lắm”.

Mới đây, ngày 10-12-2010, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã ký quyết định xử phạt Công ty TNHH Imperial Vina Đà Nẵng 120 triệu đồng vì gây ô nhiễm môi trường, đồng thời yêu cầu công ty hạn chót đến ngày 10-2-2011 phải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi vi phạm gây ra.

“Cần có thời gian và quy trình”

Mặc dù người dân đang rất mong di dời hai nhà máy khỏi khu dân cư, nhưng thời điểm cụ thể khi nào thì còn phải… chờ.

Theo ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thành phố Đà Nẵng, việc Nhà máy sản xuất xi-măng và Nhà máy Thuốc lá gây ô nhiễm bụi khói là thực trạng khó tránh khỏi. Dù Sở TN-MT đã có các biện pháp quyết liệt, trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn nhà máy xử lý nhưng vẫn không hết ô nhiễm. “Còn về việc di dời hai nhà máy này thuộc thẩm quyền của thành phố và một số đơn vị liên quan khác. Chúng tôi chỉ có chức năng tham mưu và đến nay đã làm hết trách nhiệm của mình. Còn việc năm nay làm được hay không thì khó nói. Thời gian này cận Tết nên chưa triển khai được, ra Tết mới bàn cụ thể, bởi đây là vấn đề lớn. Để di dời cần có thời gian, có quy trình, phải có phương án chọn địa điểm chuyển đến...”, ông Điểu nói. Ông Điểu cho biết thêm, trước mắt, Sở sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, yêu cầu cả hai đơn vị này có các biện pháp để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm.

Nghị quyết về nhiệm vụ năm 2011 của HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VII, nhiệm kỳ 2004-2011, kỳ họp thứ 17 nêu rõ: “Xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại các nhà máy thép; có phương án di dời Nhà máy
Xi-măng Hải Vân và Nhà máy Thuốc lá”. Đây cũng chính là nguyện vọng của hàng nghìn người dân sống xung quanh hai nhà máy trên. Hy vọng, với cách làm quyết liệt, thành phố sẽ sớm triển khai phương án di dời để bảo đảm cuộc sống tốt hơn cho người dân.

Bài và ảnh: Yên Giang

;
.
.
.
.
.