.

Các tuyến xe buýt Đà Nẵng đi Quảng Nam - Bài 1: Đầy ắp về vùng di sản

.
Thời gian qua, Sở Giao thông-Vận tải thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức 4 tuyến xe buýt hoạt động khá hiệu quả, không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân, còn tạo điều kiện giao thương hàng hóa; kết nối các vùng di sản, điểm tham quan, du lịch...

Mô tả ảnh.
Nườm nượp hành khách đi xe buýt “về vùng di sản”.
 
Chuyến xe buýt Đà Nẵng - Hội An từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng về đến Công viên 29-3 thì 26 ghế ngồi không còn chỗ trống. Xe đến trạm dừng gần chợ Cồn thì hành khách lên xe bắt đầu đứng, đến các trạm dừng: trước Nhà thờ Chính tòa, UBND quận Hải Châu, đường Trưng Nữ Vương, khách Tây và khách ta lên xe buýt nườm nượp. Nhưng như đã quen, không ai khó chịu khi xe đông kín người mà tìm ngay một dây vịn đang treo lủng lẳng để cầm đứng cho chắc. Người đi trên xe buýt đủ mọi thành phần, sinh viên, công nhân, khách du lịch, đi thăm người thân, người đi buôn chuyến...
 
Suốt hành trình từ cầu Nguyễn Văn Trỗi đến Hội An, cứ đến mỗi trạm dừng xe buýt, hành khách lên xuống liên tục. Tuy giá xăng dầu đã tăng vùn vụt nhưng hành khách đi cự ly dưới 10km phụ xe chỉ thu 5.000 đồng/người, còn từ Đà Nẵng đi Non Nước hay Điện Ngọc, Hội An đều thu 12.000 đồng/người… Một nhóm bạn trẻ quê ở Quảng Ninh lên xe từ danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết: “Lúc trưa chúng tôi đi xe buýt tham quan Non Nước và mua hàng đá lưu niệm, giờ lại tiếp tục đón xe buýt vào tham quan Hội An, sáng mai ra lại Đà Nẵng, thật thuận tiện, lại rẻ tiền”.

Cước vận chuyển rẻ; chạy đúng giờ, đúng tuyến, thuận tiện; xe lại đẹp, đủ tiêu chuẩn, sạch sẽ; phục vụ khách lịch sự, hòa nhã… nên cứ mỗi chuyến xe từ Đà Nẵng vào Hội An hoặc ngược lại, luôn chật cứng khách, chưa kể hàng hóa chất đầy dưới gầm xe. Tuyến xe buýt “về với di sản” Đà Nẵng-Mỹ Sơn cũng vậy, không chỉ đông du khách đi tham quan Mỹ Sơn và hành khách đi lại thăm người thân, sinh viên đi về nhà ở vùng Tây huyện Duy Xuyên, còn đưa nhiều hành khách đến Vĩnh Điện, Nam Phước, giảm áp lực khách cho tuyến xe buýt Đà Nẵng-Tam Kỳ và đưa hàng hóa đi, đến siêu thị Metro, chợ đầu mối Hòa Cường… Một khách du lịch Hà Nội cho hay: “Xe buýt rất mới, sạch sẽ, chạy êm ru và phục vụ khách thân thiện. Từ Đà Nẵng đến Mỹ Sơn nghe nói dài 70km, đi mất 2 giờ sẽ tới nơi. Vậy thì thư thả tham quan Mỹ Sơn xong, trước 17 giờ chiều lên xe buýt về lại Đà Nẵng, thuận tiện quá”.
 
Tuyến này chỉ mới khai trương từ tháng 1-2011, bước đầu đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, du khách tham quan, du lịch và được đánh giá cao. Cứ 30 phút có một chuyến xe xuất phát từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng và Mỹ Sơn, giờ mở tuyến chuyến đầu tiên là 5 giờ 30 sáng và đóng tuyến chuyến cuối cùng 17 giờ hằng ngày, sử dụng loại xe buýt B50 (26 chỗ ngồi, 24 chỗ đứng) có màu sơn vàng cam. Theo ông Ông Văn Dũng - Đội trưởng đội xe của Công ty CP Giao thông vận tải Quảng Nam, để bảo đảm nhân lực và phương tiện, doanh nghiệp đầu tư mua mới 6 chiếc xe B50, cử nhân viên lái, phụ xe tham gia lớp tập huấn về phong cách phục vụ trên xe, quán triệt nhân viên chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật. Đơn vị cũng xác định đây là tuyến mới, lại có khách du lịch sử dụng nên phải chạy đúng giờ, phục vụ chu đáo, văn minh.

Còn đối với tuyến xe buýt Đà Nẵng-Hội An, chính thức hoạt động từ tháng 11-2005 đến nay, cứ 20 phút có một chuyến xe buýt xuất hành tại Bến xe Trung tâm Đà Nẵng, bình quân 37 chuyến xe/ngày, bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 18 giờ hằng ngày, ở bến xe đúng giờ Hội An cũng thế, nhẩm tính mỗi ngày cũng phục vụ vài ngàn lượt khách đi lại. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, lộ trình tuyến xe buýt Hội An-Đà Nẵng sau khi chạy dọc đường Bạch Đằng đi qua đường Phan Đình Phùng để đến đường Lê Duẩn rất khó khăn do đường Phan Đình Phùng hẹp, lại đông đúc ô-tô đậu đỗ. Nên chăng cần điều chỉnh lại lộ trình, có thể xe tiếp tục đi đường Bạch Đằng rồi rẽ trái vào đường Lê Văn Duyệt hoặc Quang Trung và qua đường Trần Phú để ra đường Lê Duẩn. Chỉ thêm 1km, nhưng sẽ giới thiệu thêm cho du khách từ Hội An ra về cầu Sông Hàn, trụ sở Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố, Thành Điện Hải và Bảo tàng Đà Nẵng.

Từ hoạt động có hiệu quả của 2 tuyến xe buýt Đà Nẵng về vùng di sản Hội An và Mỹ Sơn, thiết nghĩ ngành Giao thông-Vận tải thành phố cần nghiên cứu mở thêm các tuyến xe buýt phục vụ đa năng và kết nối các di sản, điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng như: Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ, Thành Điện Hải và Bảo tàng Đà Nẵng, cầu Thuận Phước, Công viên Biển Đông, bãi biển Mỹ Khê… Bên cạnh đó, đối với lộ trình tuyến xe buýt nội thành Khu Công nghiệp Hòa Khánh - Chợ Hàn, nên chăng cần thêm một vài điểm đến để lộ trình bớt đơn điệu và tăng năng lực khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và du khách.   

Bài và ảnh: NAM TRÂN
;
.
.
.
.
.