.
Hoạt động của đoàn đại biểu quốc hội TP. Đà Nẵng tại kỳ họp thứ chín, quốc hội khóa XII

Cần đổi mới công tác lập pháp của quốc hội

Sáng ngày 24-3, Quốc hội thảo luận ở tổ về hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội khóa XII (nhiệm kỳ 2007-2011). Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Lai Châu, Nam Định, Bình Dương.

Các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến những vấn đề quan trọng như việc đổi mới, cải tiến quy trình lập pháp của Quốc hội; chất lượng và hạn chế trong xây dựng, tổ chức chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; hiệu lực, hiệu quả và hạn chế của hoạt động giám sát; chất lượng và hạn chế trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, công tác tổ chức nhân sự, các công trình quan trọng quốc gia; những đổi mới về tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; chất lượng và đổi mới trong điều hành tại kỳ họp Quốc hội; đánh giá những mặt được và chưa được về tổ chức, xây dựng, củng cố bộ máy tham mưu, giúp việc của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội,…

Tham gia thảo luận, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng, về cơ bản thống nhất với Báo cáo công tác của Quốc hội khóa XII. Có thể nói trong 4 năm của nhiệm kỳ này, Quốc hội đã nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Hoạt động của Quốc hội ngày càng được nhân dân quan tâm, tin yêu; vai trò, vị trí của Quốc hội được nâng cao hơn.

Công tác lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ có tiến bộ đáng kể, phát huy được tinh thần dân chủ và trí tuệ tập thể. Trong 4 năm, Quốc hội thông qua 68 luật là khá lớn. Tuy nhiên, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn chưa sát thực, thiếu đồng bộ, chưa mang tính chiến lược dài hạn. Một số Bộ, ngành chưa nghiên cứu, khảo sát thực tiễn kỹ càng để bảo đảm tính khả thi của dự án luật. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chưa chủ động, còn phụ thuộc vào cơ quan trình dự án luật, nên dẫn đến tình trạng dự án luật nào chuẩn bị xong trước thì thông qua trước, chưa chuẩn bị xong thì rút khỏi chương trình...

Hoạt động giám sát của Quốc hội có nhiều tiến bộ, đổi mới về quy trình thủ tục, cách thức giám sát, nhất là trong hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như nhiều kiến nghị giám sát chưa cụ thể; chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan sau giám sát; chưa thường xuyên quan tâm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau hoạt động giám sát nên hiệu lực và hiệu quả giám sát chưa được như mong muốn. Các trường hợp khiếu nại mà đại biểu Quốc hội chuyển tới cơ quan chức năng còn chậm được giải quyết. Tình trạng xử lý đơn thư của đại biểu Quốc hội chủ yếu là chuyển đơn vẫn rất phổ biến. ĐB đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi Nghị quyết số 228 ngày 15 tháng 11 năm 1999 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X theo hướng nâng cao hơn nữa vai trò của đại biểu Quốc hội trong việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Đối với hoạt động giám sát ở địa phương thì không nên dàn trải, mà tập trung vào những vấn đề, địa bàn quan trọng, nhạy cảm, nóng bỏng. Các ý kiến góp ý với địa phương cần cụ thể, sát thực tế, có tác dụng thiết thực với địa phương.

Theo ĐB, nhiều vấn đề quan trọng của đất nước vẫn chưa được quan tâm đúng mức như việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Nhiều kiến nghị xác đáng của địa phương qua thí điểm chậm được tiếp thu, điều chỉnh như việc đề nghị tăng số đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ mới tại các địa phương được chọn làm thí điểm. Điều này vừa gây khó khăn cho hoạt động của chính quyền địa phương vừa ảnh hưởng đến hiệu quả thực tế của việc thực hiện thí điểm.

 ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị cần xác định chính xác vị trí, vai trò và địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội. Đồng thời, cần xây dựng mô hình Văn phòng giúp việc độc lập cho Đoàn đại biểu Quốc hội thống nhất trong cả nước, khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình văn phòng chung hiện nay.

 Theo ĐB Trần Quốc Vượng (Lai Châu) thì hiệu quả hoạt động của Quốc hội ngày càng tốt hơn, nhiệm kỳ sau đạt chất lượng cao hơn nhiệm kỳ trước. Nấc thang của dân chủ ngày càng cao hơn. Hiệu quả các hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, ĐB đề nghị cần tăng cường hơn công tác lập pháp, vì đây là lĩnh vực cực kỳ quan trọng. Cần có sự chủ động, quyết tâm của cơ quan lập pháp trong vấn đề xây dựng pháp luật. ĐB đề nghị cần tiếp tục cải tiến quy trình xây dựng pháp luật, vì có một số vấn đề khi thảo luận thì có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng khi biểu quyết thì lại được đa số. Bộ máy giúp việc Quốc hội cần chuyên nghiệp và tinh thông, vì Quốc hội ít đại biểu chuyên trách. Thực tế các Vụ giúp việc cho các Ủy ban của Quốc hội vừa trực thuộc Ủy ban lại vừa trực thuộc Văn phòng Quốc hội nên rất khó, cần tổ chức lại sao cho có hiệu quả.

ĐB Trần Văn Nam (Bình Dương) cho rằng công tác xây dựng pháp luật quá chậm. Quốc hội khóa XI xử lý được vấn đề hộ khẩu. Quốc hội khóa XII thì vấn đề Luật đất đai hiện nay nay rất rối, phát hiện vướng mắc khá lâu rồi nhưng vẫn chưa sửa được. ĐB cho rằng thật sự không an tâm lắm khi ký các văn bản về đất đai, trong khi đó hỏi cấp trên thì không được trả lời, chỉ nói tùy địa phương tính toán. ĐB cho rằng việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật quá chậm, có luật sửa đổi đến 2-3 lần rồi nhưng văn bản hướng dẫn thi hành luật vẫn chưa có. Về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, do thông tin không được cung cấp hoặc cung cấp thiếu nên các đại biểu Quốc hội rất lúng túng khi bấm nút quyết định.

PHẠM HỮU HOA
;
.
.
.
.
.