Trong chiến thắng diệt ấp chiến lược thôn Hưởng Phước, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang năm 1962, ít ai biết đến công đầu của một cô du kích trẻ tuổi, gan dạ. Bằng 3 tiếng búa gõ nem cuốc, cô gái 16 tuổi Bùi Thị Khá đã phát tín hiệu chính xác để quân ta tiêu diệt kẻ thù.
Người chủ công trong trận đánh, đồng thời là chú trong họ của cô Khá-ông Bùi Đức Sau nhớ lại cái hôm ông cùng đồng đội làm nhiệm vụ trinh sát tiếp cận vùng giáp ranh, lúc ấy Khá đang cùng các bạn trong thôn đi kiếm củi ở gò Mả Đá. Lâu lắm mới gặp chú (vì ông Sau đi làm cách mạng bí mật, không về nhà), nhìn từ đầu đến chân, cô tròn mắt: “Cháu nghe nói Cộng sản có đuôi, sao chú không có đuôi?”. Cô ngây thơ dường ấy! Bởi với cô, “cách mạng” hay “cộng sản” là những khái niệm quá xa lạ, mơ hồ và đáng sợ… qua miệng lưỡi độc địa của bọn ác ôn.
Vốn không được học hành nhưng Khá luôn được mọi người trong thôn đánh giá là “biết điều hay lẽ phải”, “làm điều đúng nhiều hơn là sai”, cô đã được ông Sau “chọn mặt gửi vàng”. Chỉ sau một thời gian được nghe giảng giải về chí hướng, mục đích nhiệm vụ hoạt động của cộng sản, của cách mạng, cô Khá kiên quyết: “Cháu phải góp sức để cách mạng chóng thành công, dân ta không bị chà đạp nữa, việc gì làm được cháu sẽ cố gắng hết sức, chú cứ giao đi ạ”. Từ đó, cô Khá bắt đầu với nhiệm vụ theo dõi quy luật sinh hoạt, làm việc của bọn ác ôn (trụ sở chỉ huy ngụy lúc đó đóng ngay trong nhà cô), mật báo lên chiến khu, qua ông Sáu. Bằng sự nhanh nhẹn, tháo vát, công việc của Khá hoàn toàn nằm trong vòng bí mật suốt một thời gian dài.
Khi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, thời cơ đến, trận đánh diệt ấp chiến lược kiểu “2 sông, 3 núi” thôn Hưởng Phước bắt đầu: Hôm đó, quân ta tiếp cận bờ rào chiến lược đầu tiên của địch từ lúc 4 giờ sáng, vì đã nắm rõ quy luật làm việc của địch, tận dụng khoảng trống khi bọn lính gác ra về, các tiểu đội (đều do ông Sau chỉ huy, sắp đặt) dần vượt qua các hàng rào chiến lược, áp sát trụ sở quân địch, vùi mình dưới cát, đợi tín hiệu. Đúng 7 giờ, nghe 3 tiếng búa gõ nem cuốc từ phía nhà cô Khá dội lại, quân ta dùng tiểu liên bắn chụm vào mâm ác ôn, diệt gọn và sau đó bắt sống hết mấy tên đầu sỏ, đốt trụ sở, đốt ấp chiến lược, rút về chiến khu an toàn. Trận đánh diễn ra quá chóng vánh, đến nỗi quân tiếp viện ngay Sân bay Đà Nẵng cũng không thể kịp thời ứng phó. Người dân trong ấp thì hồ hởi: “Súng của cộng sản có mắt”, vì trận đánh làm tá hỏa quân thù, nhưng thường dân ngay đó không ai hề hấn gì.
Ông Sau bồi hồi nhắc: “Thành quả phá ấp chiến lược là nhờ công đầu của cô Khá”. Trong hoàn cảnh luật 10/59 hoành hành lúc bấy giờ, hành động đứng trước sân nhà điềm nhiên phát tín hiệu mật ngay trước mắt kẻ thù không phải là ai cũng dám làm. Giá thử, trong giờ phút quyết định, chỉ cần một chút lung lay ý chí, chút sợ hãi của người du kích nhỏ bé, trận đánh sẽ khó lòng được thực hiện, hoặc có diễn ra cũng không thể nhanh gọn và ít thương vong như thế”.
Sau chiến công thầm lặng đó, cô Khá tiếp tục công việc bí mật của mình cho đến khi quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng (năm 1965), cuộc chiến chuyển từ hoạt động bí mật sang công khai, cô cùng toàn dân đánh giặc trên quê hương “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.
Từ bấy đến nay, rất ít người biết đến công lao của người du kích trẻ năm nào. Sạch bóng quân thù, cô trở về với thửa ruộng vườn rau, lam lũ, nghèo khó cho đến khi qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo. Có điều cũng không ai hay biết, khoảng năm 1981, vì cảm kích, ông Sau đã âm thầm làm cái đĩa đá có khắc chân dung và vắn tắt công lao của cô Khá, nhưng vì nhiều lý do tế nhị, lúc đó, ông chưa thể công khai. Đến nay, khi thế sự đã yên bình, ông mới quyết định hiến tặng cái đĩa cho Bảo tàng Đà Nẵng, như một sự ghi công xứng đáng, một nghĩa cử đẹp dành cho người quá cố.
Bài và ảnh: THANH TÂN