Buổi tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý Nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, diễn ra vào hôm qua (24-3), nổi lên là những day dứt về tình cảnh của phụ nữ tìm “bến đỗ” với chồng ngoại và những bất cập trong các khâu thủ tục hiện nay.
Yêu giả, yêu thật
Dẫn chứng của các đại biểu đưa ra tại hội nghị đã cho thấy, các cuộc hôn nhân giữa phụ nữ Đà Nẵng với người nước ngoài có lắm chuyện cần phải suy nghĩ. Hầu hết, họ là những cô gái còn rất trẻ, mới ngoài 20, nhưng chấp nhận lấy chồng chênh vài ba chục tuổi đời. Nhiều cặp trong số đó mỗi lần nói chuyện với nhau là… mỏi cả tay, bởi biết vội, lấy vội. Tình yêu không biên giới, nhưng sự khập khiễng trong mối quan hệ này đã đem lại hoài nghi về tính “trong sáng” của cuộc hôn nhân. Ông Lâm Quang Thống, Phó trưởng Phòng PA 72, Công an thành phố chia sẻ: “Chứng kiến một số cặp đến xác minh mà tôi thương cho người phụ nữ Việt chúng ta quá. Có trường hợp cô gái còn rất trẻ lại đi bên anh chàng Đài Loan có gương mặt… ngơ ngơ”. Bà Võ Thị Như Hồng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp dẫn dụ: “Một người đàn ông ngoại quốc được bác sĩ bản địa chẩn đoán mắc bệnh tâm thần mức độ 2. Sau đó, anh này đến một địa chỉ khám tâm thần trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thì được kết luận là… sức khỏe hoàn toàn bình thường. Nghi ngờ, tôi cho kiểm tra kỹ thì anh… bỏ về nước luôn”.
Tuy trong quá khứ và hiện tại đã cho thấy nhiều cặp hôn nhân có yếu tố nước ngoài xuất phát từ vụ lợi, song ông Nguyễn Bá Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp cũng cho rằng, không ít người đi từ quen biết, đồng cảm và đến với nhau thật lòng. Ông Sơn cho biết, có lần Sở tiếp nhận một người đàn ông từng là chuyên gia công nghệ tại một nước phương Tây cùng đến làm kết hôn với cô gái dân Đà Nẵng. Ông này đã 56 tuổi, nghỉ hưu sớm. Cô gái mới 26 tuổi và đang mang thai. Mọi mặt giấy tờ đều ổn, nhưng tuổi tác quá chênh lệch, khiến các cán bộ đặt sự nghi vấn. Cuối cùng, ông Sơn dùng đến “thủ thuật” bằng câu nói: “Anh chị chưa đăng ký kết hôn mà đã làm lễ cưới và sinh con, như thế chúng tôi không thể chấp nhận cuộc hôn nhân này”. Vừa nghe xong, “ông Tây” bật khóc nức nở. Giọt nước mắt và vẻ mặt suy sụp khi hay tin không được phép danh chính ngôn thuận “rước nàng về dinh” của người đàn ông xa lạ khiến các cán bộ tạm thở phào trong sự sẻ chia hạnh phúc.
Khó xử lý người “yêu giả”
Đối tượng là người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam thường trú tại Đà Nẵng thuộc 20 quốc tịch khác nhau. Số phụ nữ ở thành phố Đà Nẵng kết hôn với người nước ngoài từ năm 2005 đến năm 2010 là 223 trường hợp. Trong đó, kết hôn với người Đài Loan là 18 trường hợp, Hàn Quốc 12 trường hợp, còn lại đa số là công dân Hoa Kỳ, Canada, Australia, Pháp, Nhật. Chỉ khoảng 50% chị em trong số này có khả năng giao tiếp tốt bằng ngôn ngữ với chồng. Qua đó cho thấy một phần không nhỏ kết hôn chưa qua tìm hiểu nhau. |
Qua báo cáo cho thấy, hiện nay tồn tại tình trạng công dân nước ngoài có con chung và sống chung một nhà với công dân Việt Nam. Ông Thống cho rằng: “Về mặt pháp luật, chưa kết hôn mà tự ý sống chung là không được, nhưng họ đã có con mà công an nào lại đến tách hai người hai nhà”. Thế nên, từ bất hợp pháp, vô tình các trường hợp này trở thành sinh sống… hợp pháp. Thêm một thực trạng nữa, đó là nhiều phụ nữ sau khi kết hôn thì không được bảo lãnh sang nước ngoài. Ông Thống nói: “Có người phải làm thủ tục gia hạn 3 tháng liên tục trong nhiều năm liền. Lý do ông này đưa ra là tuổi đã quá cao, ở Việt Nam sống dựa vào lương hưu từ bên đó chuyển sang cũng đủ. Quan trọng là nếu đưa vợ trẻ ra nước ngoài, nhỡ đâu bị… “cướp mất” thì sao”.
Bên cạnh đó, tình trạng “bát nháo” trong quan hệ hôn nhân cũng là vấn đề không dễ giải quyết. Từ 2005-2010, Sở Tư pháp phối hợp với Công an thành phố điều tra, xác minh 46 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài. Qua đó đã phát hiện, ngăn chặn 24 trường hợp đăng ký kết hôn không vì mục đích hôn nhân tiến bộ, tự nguyện. Trong đó có quan hệ huyết thống trong phạm vi ba đời là 4 trường hợp, 1 chưa đủ tuổi nhưng tăng tuổi bằng cách sửa chữa hộ tịch, 9 trường hợp đang có vợ nhưng vẫn làm thủ tục… lấy vợ tiếp, 7 trường hợp kết hôn với anh, em, cháu của bên vợ (chồng) nhằm mục đích bảo lãnh để xuất cảnh, 3 trường hợp người Việt Nam định cư tại Canada ghép hồ sơ theo kiểu “có qua có lại” nhằm kết hôn với người thân, họ hàng để bảo lãnh nhau xuất cảnh.
Thủ tục, quy định còn bất cập
Hội nghị sáng qua còn đề cập đến việc thực hiện đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài và nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài. Theo đó, từ 2003-2010, tại Đà Nẵng đã giải quyết cho người nước ngoài nhận 617 trẻ em làm con nuôi; 151 trường hợp nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài. Một số văn phòng con nuôi hoạt động không thường xuyên hoặc không bảo đảm đúng chức năng như CAI; RHI (Hoa Kỳ). |
Các cán bộ tư pháp xã, phường cho biết, việc niêm yết lý lịch người nước ngoài có nhu cầu kết hôn với người Việt như theo cách làm hiện nay còn mang tính hình thức. Bởi chẳng mấy công dân quan tâm đến việc tới UBND để đọc bảng niêm yết. Trong khi đó, ông Thống lại cho rằng cần có một văn bản thống nhất, chặt chẽ chứ không nên để quá nhiều Nghị định, Chỉ thị về cùng một nội dung.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hiểu biết của các cô dâu Việt, đó là không có điều kiện tiếp cận các tài liệu tuyên truyền về luật pháp, văn hóa, v.v… Ngay cả các cán bộ trực tiếp làm công tác này, nguồn tài liệu vẫn đang là vấn đề chưa thể giải quyết. Riêng với cô dâu lấy chồng Đài Loan, ông Sơn cho biết sẽ rất khó can thiệp, bảo vệ phụ nữ trong các tình huống cần thiết, vì hiện nay giữa hai bên chưa có các hiệp định tương trợ về mặt tư pháp.
Thu Hoa