.

Bầu cho ai là quyền của cử tri

.
Mô tả ảnh.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố vừa tổ chức hướng dẫn cho Mặt trận cơ sở về việc tổ chức Hội nghị cử tri tại thôn, tổ dân phố để phổ biến về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Tại hội nghị này, cử tri sẽ mạn đàm về tiểu sử ứng cử viên để cân nhắc, lựa chọn và quyết định bỏ phiếu bầu những người xứng đáng nhất. Trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Đà Nẵng, bà Hà Thị Minh Phượng (ảnh), Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho biết:

Mục đích của việc tổ chức hội nghị cử tri ở thôn, tổ dân phố nhằm phổ biến công tác bầu cử đại biểu QH khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là làm cho người dân nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử, nắm vững và thực hiện nội dung chủ yếu của Luật Bầu cử đại biểu QH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND, nhất là về quyền và nghĩa vụ của công dân trong ngày bầu cử 22-5 sắp đến. Tại hội nghị này, cử tri sẽ được nghe đọc về tiểu sử và mạn đàm về các ứng cử viên (ƯCV). Trên cơ sở đó cử tri cân nhắc, lựa chọn những người xứng đáng nhất để bỏ phiếu bầu vào QH, HĐND các cấp. Hội nghị này do Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư phối hợp với Ban điều hành tổ dân phố tổ chức.

* P.V: Người chủ trì hội nghị phải điều hành nội dung mạn đàm về tiểu sử ƯCV như thế nào để bảo đảm công khai, dân chủ, bình đẳng đối với các ƯCV trong cùng đơn vị bầu cử?

- Bà Hà Thị Minh Phượng: Trong phần mạn đàm về tiểu sử các ƯCV, người chủ trì điều hành hội nghị phải bảo đảm yêu cầu bình đẳng, công khai đối với các ƯCV trong cùng đơn vị bầu cử. Bắt đầu từ việc đọc tiểu sử các ƯCV cũng theo thứ tự A, B, C… Người chủ trì không được thông qua hội nghị này để vận động bỏ phiếu bầu cho ai hoặc không bầu cho ai có tên trong danh sách ƯCV. Điều quan trọng nhất trong phần nội dung này là tuyên truyền, giải thích để cử tri hiểu và nắm được cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu QH, đại biểu HĐND được bầu ở mỗi cấp, nhất là phải bảo đảm yêu cầu có số lượng, cơ cấu hợp lý, đa dạng đại diện các tầng lớp nhân dân trong cơ quan dân cử các cấp.

* P.V: Khi điều hành hội nghị có nên nói rõ cho cử tri biết nên chọn một nếu trong đơn vị bầu cử có 2 ƯCV do cùng một tổ chức, cơ quan, đơn vị giới thiệu ra ứng cử?
 
- Bà Hà Thị Minh Phượng: Cơ cấu trong cơ quan dân cử các cấp cần thiết phải có lãnh đạo do Trung ương giới thiệu và lãnh đạo chủ chốt của địa phương. Đối với các thành phần khác cần bảo đảm mỗi tổ chức, mỗi tầng lớp nhân dân đều có đại diện trong cơ quan dân cử. Cần giải thích cho cử tri hiểu nếu có hai ƯCV cùng một cơ quan, tổ chức, đơn vị được bầu vào một cấp cơ quan dân cử, điều này có nghĩa sẽ khuyết đi một đại diện của một tổ chức, đơn vị, tầng lớp nhân dân khác; không bảo đảm tính đa dạng đại diện của các tầng lớp nhân dân trong cơ quan dân cử. Ngoài đọc tiểu sử, người chủ trì không đọc tên và có bình luận so sánh giữa các ƯCV cùng đơn vị bầu cử nhưng cử tri thì có quyền thảo luận về các ƯCV. Trên cơ sở thảo luận về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp, thảo luận về ƯCV, cử tri cân nhắc quyết định bầu cho ai. Nói tóm lại, người chủ trì điều hành mạn đàm tiểu sử ƯCV không được nói bầu cho ai, không bầu cho ai, đồng thời không được có phát ngôn làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người ứng cử. Bầu cho ai là quyền của cử tri.

* P.V: Cảm ơn bà!

Quy định về màu phiếu bầu cử

Sở Nội vụ cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri đi bầu cử và công tác kiểm phiếu của Tổ bầu cử, Ủy ban bầu cử thành phố đã quy định màu của phiếu bầu cử như sau: Phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII là màu hồng, phiếu bầu đại biểu HĐND thành phố khóa VIII là xanh da trời, phiếu bầu đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2011-2016 có màu trắng. Theo quy định của pháp luật, tất cả các phiếu bầu phải được đóng dấu của Tổ bầu cử trước khi phát cho cử tri để thực hiện quyền bầu cử của mình. Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và một phiếu bầu cho mỗi cấp đại biểu HĐND.  S.T

Sơn Trung 
(Thực hiện)
;
.
.
.
.
.