Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Tuy nhiên, trong công tác cán bộ hiện nay vẫn chưa được quan tâm đầy đủ. Việc bố trí cán bộ chưa phù hợp và cán bộ dân vận chưa được đào tạo bài bản về công tác quần chúng đã gây không ít khó khăn trong việc tham mưu.
Ông Ngô Văn Thắng, Phó ban Dân vận Quận ủy Cẩm Lệ cho biết, hiện nay Ban Dân vận Quận ủy có 3 người, gồm 1 Trưởng ban, 1 Phó ban và 1 chuyên viên. Mặc dù số lượng ít nhưng các cán bộ dân vận phải đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng như: Tham mưu Ban Thường vụ Quận ủy về công tác dân vận, trong đó có công tác tôn giáo, dân tộc; tham mưu cho Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở… Tại 6 phường của quận Cẩm Lệ, các Trưởng khối dân vận chủ yếu là do các Phó Bí thư Đảng ủy hoặc Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường kiêm nhiệm. Mặc dù dân vận là một trong những công tác quan trọng của Đảng nhưng hiện nay những cán bộ làm dân vận chưa qua trường lớp đào tạo chuyên môn về công tác dân vận, mà chủ yếu dựa trên kinh nghiệm thực tiễn là chính. Trong khi đó, các lớp tập huấn hằng năm chỉ tập trung vào các nội dung liên quan đến các bài báo dân vận của Bác, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và kinh nghiệm vận động quần chúng…
Qua thực tiễn cho thấy, hiện nay công tác đào tạo, quy hoạch và phát triển cán bộ làm công tác chuyên trách dân vận còn gặp nhiều khó khăn; việc bố trí cán bộ chuyên trách dân vận ở phường vẫn còn chắp vá. Do đó, công tác tham mưu giải quyết những vấn đề nổi cộm còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các lực lượng trong hệ thống chính trị khi có vụ việc phức tạp xảy ra chưa đồng bộ. Việc theo dõi, tham mưu nắm tình hình những vấn đề cụ thể liên quan đến công tác dân vận còn bị động, lúng túng; hoạt động còn mang tính hành chính, nặng về phân công nhiệm vụ, ít phát huy dân chủ của các thành viên; việc xây dựng các tổ chức Đoàn, Hội vẫn còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu.
Bà Tào Gia Cát Linh, chuyên viên Ban Dân vận Quận ủy Hải Châu cũng cho biết, Ban Dân vận Quận ủy Hải Châu hiện nay chỉ có 3 người; gồm 1 Trưởng ban, 1 chuyên viên và 1 cán sự. Về cơ cấu cán bộ Khối dân vận phường, có 1 Phó Bí thư Đảng ủy làm Trưởng khối dân vận, 10 người là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, 1 Đảng ủy viên và 1 đảng viên làm Trưởng khối. Hằng năm, ngoài việc tham gia bồi dưỡng công tác dân vận của Ban Dân vận cấp trên, thì chưa có cán bộ nào được cử đi học chuyên môn dài hạn về công tác quần chúng của Đảng. Hầu hết cán bộ làm Trưởng khối là hưu trí hoặc lớn tuổi, do vậy không có quy hoạch vào các chức danh cao hơn, trong khi đó cán bộ chuyên trách còn trẻ nhưng văn bằng chỉ là trung cấp hoặc là đại học tại chức nên theo quy định không bảo đảm để cơ cấu, quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo ở cơ sở. Chính sách đối với cán bộ làm chuyên trách công tác Đảng nói chung và chuyên trách dân vận nói riêng không bảo đảm đời sống, ít được quan tâm cất nhắc nên họ không an tâm với công việc.
Vì vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động của công tác dân vận, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ dân vận, Mặt trận, đoàn thể, hội quần chúng từ quận đến phường về công tác dân tộc, tôn giáo. Trong đó, cử đi đào tạo chuyên sâu những cán bộ làm công tác dân vận của hệ thống chính trị; bố trí những cán bộ có năng lực chuyên môn nghiệp vụ, nhạy bén nắm bắt tình hình nhân dân để tham mưu kịp thời cho lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước những chủ trương, chính sách hợp lòng dân, đúng quy luật của phát triển xã hội. Bên cạnh đó, cần có chính sách, chế độ đãi ngộ và quy hoạch phát triển cho những cán bộ chuyên trách dân vận có năng lực, tâm huyết với công tác quần chúng của Đảng vào những chức vụ lãnh đạo của Đảng, chính quyền ở cơ sở.
Bài và ảnh: GIA HUY