.

Giao thông cho người khuyết tật: Còn nhiều hạn chế

.

Đã 18 năm nay, do bị khuyết tật ở chân nên dù đi đâu, làm gì cô gái ấy cũng đều được mẹ cõng đi. Thông minh, xinh xắn, cô khát khao muốn được đi nhiều hơn để hiểu biết, tìm việc làm và hòa nhập cộng đồng...

Mong được... ra đường

 

Mô tả ảnh.
Trạm chờ xe buýt đối diện Công viên 29-3, thành phố Đà Nẵng được thiết kế thuận tiện cho người khuyết tật.

Đã 3 tháng nay, sáng nào cũng vậy, Phan Hồ Bảo Trâm (18 tuổi, ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) đều được mẹ chở đến lớp tin học do Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề tổ chức ở 548 Trần Cao Vân. Bị liệt từ nhỏ, học hết lớp 9 thì nghỉ học, thế giới của Trâm chỉ là 4 bức tường với cái ti-vi làm bạn thân cho đến khi em tham gia vào lớp học tin học.

 

Trâm tâm sự: “Lúc trước em cũng tập đi xe lăn, nhưng ra đường di chuyển cũng khá bất tiện, đến một vài nơi như rạp chiếu phim, nhà hàng hay vào các cơ quan Nhà nước, mình đều cảm thấy khó khăn vì không có lối đi dành riêng cho người khuyết tật”. Vì thế, Trâm đành chọn giải pháp không lấy gì làm vui là nằm trên lưng mẹ khi di chuyển đoạn đường khá xa từ nhà đến lớp học nghề. “Mình đâu còn nhỏ nữa, mẹ thì mỗi ngày một già, không thể cõng mình mãi được. Nếu xin được việc, mình sẽ đi làm. Chỉ mong hệ thống giao thông được cải thiện hơn để người khuyết tật như mình được thuận tiện hơn khi ra đường”.

Tại thành phố Đà Nẵng, từ năm 2009, Sở Giao thông-Vận tải thành phố đã vận động Công ty cổ phần Xe khách và dịch vụ thương mại tiếp nhận đề án cải tạo xe buýt để phục vụ người khuyết tật. Hiện thành phố Đà Nẵng có 4 xe buýt trợ giúp người khuyết tật đi xe lăn, miễn phí vận chuyển, hoạt động thí điểm trên tuyến từ Đà Nẵng đi Hội An, mỗi ngày chạy từ 7-10 chuyến. Trung tâm đăng kiểm cơ giới đã kiểm tra, cấp 40 sổ kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho các phương tiện ba bánh dành cho người khuyết tật. Tuy nhiên, nhiều người khuyết tật vận động cho biết, họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi đi xe buýt bởi xe buýt thường “tạt” vào lề đường bắt khách rất nhanh vì sợ trễ chuyến, trạm chờ xe buýt nhiều chỗ cao hơn vỉa hè cũng gây khó khăn cho người khuyết tật.

Tại Hội nghị tổng kết việc thực hiện trợ giúp người tàn tật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng 4 năm qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nông Thị Ngọc Minh thừa nhận: “Do mạng lưới xe buýt ở thành phố chưa hoàn chỉnh, nên cũng gây không ít bất tiện cho người khuyết tật. Chẳng lẽ cứ một đoạn đi xe buýt, một đoạn lại chuyển phương tiện khác?”.

Cần khắc phục nhiều

 

 
Nên cho người khuyết tật cái cần câu để kiếm cá hơn là cho họ cá, nhưng nếu không tìm được đường ra biển kiếm cá thì cần câu có cũng như không
 
Một cán bộ Hội Người khuyết tật Đà Nẵng nói vui.

Với sự cố gắng của thành phố, hầu hết các công trình xây dựng, giao thông công cộng mới hiện được thiết kế có hạng mục phù hợp với tiếp cận của người khuyết tật. Sở Xây dựng đã xây dựng 127 công trình giao thông và dịch vụ công cộng mới được thiết kế bảo đảm tiêu chuẩn xây dựng, phù hợp với đối tượng người khuyết tật. Các địa phương sửa chữa, nâng cấp, cải tạo 130 công trình cũ phù hợp với việc tiếp cận của người khuyết tật (đạt mục tiêu 20-30% công trình cũ được cải tạo). Sở LĐ-TB&XH , Sở Y tế, Hội Từ thiện, Hội Chữ thập đỏ... cũng đã vận động thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ trên 6 ngàn xe lăn, xe lắc, máy trợ thính, chân tay giả... giúp họ thuận tiện hơn trong giao tiếp, đi lại.

 

Tuy nhiên, mục tiêu bảo đảm cho 100% người tàn tật có nhu cầu và có khả năng tự tham gia giao thông được cấp thẻ xe buýt miễn phí lại không đạt, do các doanh nghiệp vận tải xe buýt là đơn vị kinh doanh thuần túy. Mặt khác, các công trình phục vụ cho người tàn tật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chưa nhiều, vì các công trình xây dựng từ trước và chỉ được nâng cấp, sửa chữa mới kết hợp điều chỉnh, nên chưa đáp ứng theo yêu cầu thiết kế riêng phục vụ người tàn tật.

Ở các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, chung cư... nếu có sửa chữa thì cũng chỉ hạ thấp vỉa hè, tạo làn đường thuận tiện cho việc đi lại bằng xe lăn. Rất hiếm có nơi thiết kế nhà vệ sinh có tay vịn cho họ. Vỉa hè không có lối dẫn cho người khuyết tật, số lượng các tòa nhà, bến xe, xe buýt có đường tiếp cận cho người đi xe lăn còn rất hiếm... Những “rào cản” đó khiến họ khó hòa nhập xã hội, nên tỷ lệ người khuyết tật ra ngoài đi làm hoặc tham gia các hoạt động xã hội ở Đà Nẵng vẫn còn thấp.

 

Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật. Trong đó, đặt ra yêu cầu, đến năm 2015, sẽ có ít nhất 15% xe buýt, tàu hỏa và 10% các phương tiện giao thông công cộng khác đủ điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật...

 

Bài và ảnh: P.TRÀ

;
.
.
.
.
.