.

Không lãng phí tuổi trẻ vì khuyết tật

.

Đó là khát vọng cũng như quyết tâm mà nhiều bạn trẻ khuyết tật đã chia sẻ với chúng tôi trong một buổi sinh hoạt của Chi hội Thanh niên khuyết tật (TNKT) thành phố Đà Nẵng,  vào tháng 5 vừa qua.

Mô tả ảnh.
Anh Đỗ Hồng Quang (bên trái) cùng Chi hội TNKT giao lưu và tặng quà cho trẻ em nghèo.

 

Chúng tôi tự tin

Bị khuyết tật bẩm sinh, chân và tay trái bị teo cơ, nhưng chưa lúc nào Đỗ Hồng Quang (SN 1984, hội viên Chi hội TNKT thành phố Đà Nẵng) thấy mặc cảm và bi quan vì sự khiếm khuyết ấy. Được sự động viên từ gia đình và bạn bè, năm 2007, Quang đã tốt nghiệp loại khá Khoa Công nghệ phần mềm, Đại học Duy Tân Đà Nẵng. Trong hai năm từ 2007 đến 2009, Quang tiếp tục theo học khóa nâng cao về lập trình phần mềm tại Hà Nội. Với vốn kiến thức vững và sự kiên trì, quyết tâm của bản thân, hiện Đỗ Hồng Quang là lập trình viên chính thức của Công ty cổ phần KVN (ở đường Nguyễn Hoàng) với thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng. Chia sẻ với chúng tôi, Quang nói: “Từ nhỏ mình đã ý thức được bản thân “không giống” với người thường. Đến trường với những đứa trẻ như tụi mình vừa là niềm hạnh phúc, nhưng cũng là thử thách lớn.

Thời đi học mình “sợ” nhất là các buổi thực hành, từ việc khiêng máy tính đến lắp đặt các thiết bị đều phải nhờ bạn bè, nhiều lúc ngại lắm. Nhưng rồi cũng vì vậy mà quyết tâm học nhiều hơn để tấm bằng mình nhận được không thua kém với bạn bè”. Cùng hoàn cảnh như Quang, cô bạn Nguyễn Mỹ Hạnh (SN 1984) cũng bị teo cơ hai chân bẩm sinh. Không chùn bước trước khó khăn, Hạnh đã tốt nghiệp loại giỏi khóa học trung cấp về đồ họa vi tính. Hiện, Nguyễn Mỹ Hạnh là nhân viên của Công ty quảng cáo Sao Sáng. Gặp chúng tôi, Hạnh tự tin bảo, dân làm quảng cáo thường phải nhanh nhẹn, xinh xắn, còn mình chỉ có mỗi đôi tay và cái mặt. Mình không đứng ở hàng trước được nên tự nguyện đứng sau lưng hỗ trợ anh em vậy. Được làm việc, được cống hiến tri thức và tâm huyết của mình cho xã hội là mình thấy hạnh phúc rồi.

Đỗ Hồng Quang và Nguyễn Mỹ Hạnh chỉ là hai trong số rất nhiều TNKT trên địa bàn thành phố đã vượt lên sự tự ti vì khiếm khuyết của bản thân để khẳng định mình bằng con đường học vấn. Tiếp xúc với các bạn, điều khiến chúng tôi ngưỡng mộ nhất đó là họ rất tự tin. Tự tin trước những khó khăn trong cuộc sống, tự tin trước những ánh nhìn tò mò của người xung quanh. Và hơn cả, họ tự tin vào sức trẻ và sự quyết tâm của bản thân để kiên trì theo con đường mà mình lựa chọn.

Ngôi nhà chung của những người trẻ không may mắn

Chi hội TNKT thành phố Đà Nẵng được thành lập từ năm 2002, đến nay, qua gần 10 năm hoạt động đã thu hút sự tham gia của hơn 70 hội viên TNKT trên địa bàn thành phố. 70 hội viên sinh hoạt trong Chi hội TNKT thành phố Đà Nẵng là 70 hoàn cảnh, trình độ khác nhau, nhưng phần lớn trong số họ đều ý thức vươn lên làm người có ích trong cuộc sống. Nhiều người đã trở thành tấm gương sáng cho bạn bè và các hội viên khác noi theo. Thời gian qua, Chi hội không chỉ là nơi để các hội viên TNKT giao lưu, chia sẻ về những khó khăn trong cuộc sống mà còn là địa chỉ tin cậy trong việc giúp đỡ hội viên có cơ hội tìm kiếm việc làm, các khóa học nghề miễn phí dành cho người khuyết tật như học may, thêu, đan lát... Chi hội đang quản lý dự án về việc làm và mở rộng thị trường sản xuất các sản phẩm do người khuyết tật làm. Ngoài TNKT trên địa bàn thành phố, Chi hội cũng là địa chỉ mà nhiều bạn TNKT ở một số tỉnh thành khác đang theo học tại Đà Nẵng tìm đến để giao lưu.

Anh Trần Đình Hải, Chi hội trưởng Chi hội TNKT thành phố Đà Nẵng nói: “Chúng tôi mong muốn đem lại cho xã hội một cái nhìn mới về người khuyết tật, nhất là những người trẻ. Thông qua hoạt động của chi hội, nhằm khơi dậy ngọn lửa nhiệt tình cống hiến của tuổi trẻ trong các bạn. Chúng tôi cũng muốn gửi đến các bạn hội viên, các bạn trẻ khuyết tật thông điệp, rằng dù khó khăn, khiếm khuyết nhưng các bạn đừng lãng phí tuổi trẻ của mình vì những điều ấy”.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.