.

Tạo điều kiện cho người khuyết tật làm việc

.
Lâu nay, để tạo việc làm cho người khuyết tật, các tổ chức thường kêu gọi các doanh nghiệp hãy làm từ thiện, dựa trên tinh thần nhân đạo, “tương thân tương ái”, v.v... Điều này vô hình trung khiến người khuyết tật trở nên mặc cảm, tự ti, còn doanh nghiệp thì e ngại...

Mô tả ảnh.
Tại Trung tâm Dịch vụ BPO, mọi nhân viên đều được thưởng, phạt như nhau, không phân biệt người lành lặn hay khuyết tật.
 
Làm việc bằng chính năng lực của mình

31 tuổi, quê ở Quảng Bình, cô gái trẻ Nguyễn Thị Thu đã chọn Đà Nẵng làm điểm dừng chân và tìm được cho mình công việc là một nhân viên nhập dữ liệu tại Trung tâm Dịch vụ BPO, thuộc Công ty FPT, với mức thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Thu cho biết: “Không khó để được công ty nhận hồ sơ, nhưng để được tuyển dụng chính thức thì phải bằng năng lực thật sự, ngoài ra không có một sự ưu tiên nào. Điều đó khiến khi được nhận vào làm việc chính thức sau hai tháng thử việc, em thấy rất thoải mái, tự tin”. Công việc của Thu chỉ là một  phân khúc nhỏ trong một chuỗi dây chuyền ở công ty. Bởi vậy, nếu không bảo đảm chất lượng thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ công việc chung. Trước đó, Thu đã từng trải qua nhiều công việc như: Làm đá mỹ nghệ ở Công ty TNHH Trúc Xanh, làm gia sư... Tuy nhiên, Thu tâm sự do chế độ đãi ngộ thấp, công việc nặng nhọc hoặc phải di chuyển nhiều nên cô không kham nổi.

Còn với Nguyễn Trọng Đông (30 tuổi, quê Quảng Trị), cũng từng làm nhiều việc như: Đồ họa ở Công ty Tuấn Khanh, kế toán cho một công ty xây dựng. Đông bộc bạch: “Với những công việc trước đã làm, em thấy không phù hợp với mình, lương thấp. Lúc đầu được nhận hồ sơ ở đây, em cũng hơi tự ty vì nghĩ chắc cũng vì mình là người khuyết tật và được nhìn bằng con mắt thương hại giống những nơi khác. Nhưng ở đây khác hẳn, ai cũng phải làm bằng chính năng lực. Mọi người đều đối xử với chúng em trên nguyên tắc bình đẳng”. Đông cho biết, công việc của bạn mỗi ngày là kiểm tra, đối chiếu số liệu giữa ngân hàng và công ty đối tác bằng máy vi tính ngay tại trung tâm.

Trung tâm Dịch vụ BPO với chức năng chính là gia công quy trình doanh nghiệp đi vào hoạt động đã hơn 3 năm (tầng 10, Công viên Phần mềm Đà Nẵng). Trung tâm tại Đà Nẵng hiện có 50 nhân viên, trong đó có 6 người khuyết tật. Nói về 6 nhân viên “đặc biệt” của mình, ông Lê Phạm Quốc Hùng, Giám đốc trung tâm cho biết: “Dù có khuyết tật về vận động nhưng bù lại, họ làm việc rất chăm chỉ, kỷ luật tốt, hiệu quả công việc không thua kém người lành lặn. Đa số họ đều có bằng trung cấp, cao đẳng kế toán hoặc công nghệ thông tin và đang học thêm tiếng Nhật”. Ông Hùng khẳng định: Nếu làm tốt, mức thu nhập sẽ cao hơn, làm chưa tốt sẽ tự đánh giá, rút kinh nghiệm và tất nhiên, thu nhập sẽ thấp hơn. Ai cũng vậy. Chúng tôi không làm từ thiện mà chỉ tạo điều kiện cho người khuyết tật phát huy năng lực của mình. Điều chúng tôi quan tâm là hiệu quả công việc và sự phát triển của công ty.

Cần thay đổi cách nhìn

Trung tâm Dịch vụ BPO không phải là doanh nghiệp duy nhất nhìn nhận được cách sử dụng lao động khuyết tật. Ông Trần Văn Anh, Giám đốc Công ty Quảng cáo Sao Sáng cũng cho rằng: “Môi trường làm việc bình đẳng là điều quan trọng đối với nhân viên khuyết tật. Không chỉ khen thưởng khuyến khích, mà cũng nên phê bình khi họ sai sót và chuyển công việc khác phù hợp nếu cần. Hiện tại, người khuyết tật chỗ chúng tôi hầu như đã tham gia vào toàn bộ hoạt động của công ty như: Quản lý, kinh doanh, thiết kế đến sản xuất dịch vụ”. Công ty Sao Sáng hiện là đơn vị có hơn 50% nhân viên là người khuyết tật.

Lâu nay, phần lớn người khuyết tật vẫn sống âm thầm, trở thành gánh nặng của gia đình mà chưa được phát huy hết khả năng của mình. Thực tế hiện nay là vẫn còn những doanh nghiệp “ngại” khi nhận lao động khuyết tật vào làm việc, vì sợ ảnh hưởng đến công việc chung, giảm doanh thu. Quan niệm lâu nay, nói đến người khuyết tật là nghĩ ngay đến việc làm từ thiện, ban ơn, thương hại. Cũng không thể và không nên dùng quy định để “ép” doanh nghiệp phải nhận người khuyết tật vào làm việc, bởi hoạt động kinh doanh tất nhiên phải đề cao lợi nhuận.
 
Hơn nữa, cũng tùy thuộc vào khả năng và các dạng khuyết tật khác nhau mà mỗi người khuyết tật phù hợp với mỗi công việc không giống nhau. Vì vậy, cần phải thay đổi cách nhìn và sử dụng người khuyết tật để họ phát huy năng lực thực sự. Để làm được điều này, việc phân dạng người khuyết tật rất quan trọng. Một cán bộ Hội Người khuyết tật Đà Nẵng cho rằng: “Muốn giúp người khuyết tật có việc làm phù hợp, cần thăm dò ở địa phương về gia cảnh và bản thân người khuyết tật, để dạy cho họ nghề thích hợp, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp”.    

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ
;
.
.
.
.
.