50 năm trước, hầu hết họ ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi nhưng bây giờ người còn sống tóc đã bạc, da đã mồi... Gặp lại nhau, họ - những cán bộ, chiến sĩ của Đoàn tàu không số năm xưa đã bồi hồi xúc động...
Tuổi trẻ Vùng 3 Hải quân nguyện tiếp nối truyền thống đoàn tàu không số năm xưa. |
Khi bộ phim tài liệu lịch sử về Đường Hồ Chí Minh trên biển trình chiếu đến những đoạn cuối, nhiều cựu chiến binh đoàn tàu không số năm xưa ngồi trong hội trường Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân nín lặng, mắt ngấn lệ. Bởi hôm nay, họ còn sống khi đất nước hoàn toàn độc lập, quê hương đổi thay từng ngày, nhưng ngày ấy không ít đồng đội vào sinh ra tử cùng họ đã vĩnh viễn an nghỉ nơi biển khơi vì nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc. Ông Vũ Tấn Ích, người 7 lần làm thuyền trưởng tàu không số tâm sự: Mỗi khi tàu xuất kích làm nhiệm vụ, các chiến sĩ đều được “truy điệu sống”!.
Ấy nhưng, chứng kiến cảnh đồng đội hy sinh trên biển, ai cũng ngậm ngùi thương tiếc khôn nguôi. Xác các anh không tìm thấy, kỷ vật cũng rất ít ỏi. Cái duy nhất còn lại là những tên gọi, lời động viên, nhắn nhủ hãy giữ một lòng sắt son, đoàn kết vượt qua khó khăn giữa muôn trùng biển cả. Có cả những nhắn nhủ gửi về những người vợ, con của đồng đội trước khi hy sinh. Những tấm gương hy sinh của các anh hùng liệt sĩ Bông Văn Dĩa, Phan Văn Nhỡ, Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Văn Hiệu... cùng biết bao người con ưu tú của Tổ quốc luôn được đồng đội các anh hôm nay khắc ghi.
Có chuyến đi thành công, có chuyến đi thất bại phải hủy tàu, hy sinh nhiều… Cứ như thế, nhiều câu chuyện về sự dũng cảm, gan dạ, mưu trí của những con người trên các con tàu không số đã minh chứng cho ý chí kiên trung của những chiến sĩ cách mạng can trường, đã làm nên những kỳ tích lẫy lừng của con đường vận tải chiến lược trên biển.
Quà biếu là nắm đất Vũng Rô
* Đại tá Nguyễn Tiến Dũng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân: * Chiến sĩ Đặng Thái Ngọc, Lữ đoàn 161, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân: |
Sau khi cập bến, trong lúc đang liên hoan và nghe Bác Hồ chúc Tết quân và dân ta qua radio, thì cô dân quân Nguyễn Thị Tảng lặng lẽ đến bên thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh (khi đó hai người không biết tên nhau) và trao cho ông một nắm đất bọc trong một cái khăn mùi xoa thêu tay rất đẹp, kèm theo lời nhắn gửi: “Em xin gửi nắm đất Vũng Rô chịu nhiều gian khổ khốc liệt. Xin hứa với các anh, với Đảng và Bác Hồ, dù mảnh đất này bom cày, đạn xới, chúng em vẫn giữ vững niềm tin chiến thắng vì đã có vũ khí từ miền Bắc chi viện kịp thời”. Thuyền trưởng Thạnh đón nhận nắm đất từ tay người con gái như một kỷ vật thiêng liêng. Rồi sau đó, tàu các anh xuất bến làm nhiệm vụ với niềm tin son sắt vào ngày chiến thắng...
Trải qua bao biến đổi của thời gian, hiện nắm đất Vũng Rô thiêng liêng đó đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hải quân, như một minh chứng hào hùng của cả dân tộc cùng hành quân đánh đuổi quân thù, đưa đất nước thống nhất liền một dải.
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG