… Họ là những người không còn đất sản xuất nông nghiệp do quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất công nghiệp và đô thị, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định. Cũng nằm trong “top”... nghèo mới, họ là dòng người nghèo nhập cư vào thành phố. Và giải bài toán thoát nghèo cho họ không phải dễ dàng.
Cận cảnh người nghèo “mới”
Chị Huỳnh Thị Hạnh mong tìm được việc làm phù hợp để thoát nghèo. |
Bữa cơm của gia đình anh Ngô Văn Vận (32 tuổi, ở tổ 25, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) và chị Huỳnh Thị Hạnh (36 tuổi) chỉ giản đơn với một đĩa cá kho và nồi canh chua. Tuy vậy, anh chị cứ người nọ nhìn người kia rồi dợm đứng lên để nhường những miếng cá ngon cho cô con gái nhỏ Ngô Huỳnh Bích Thảo (8 tuổi). “Mình ăn gì cũng được, cố gắng cho con ăn đầy đủ để lớn cho bằng bạn bằng bè” - Chị Hạnh thở dài. Ngày trước chưa giải tỏa, có miếng đất nhỏ bố mẹ cho, chị cũng ráng chăn nuôi và may vá để kiếm tiền sinh sống. Giờ đến nơi ở mới, từ nông dân chân lấm tay bùn lên thị dân, không còn đất sản xuất nên chị đành mở cái quán nước nhỏ bán kiếm tiền mua gạo.
Lúc trước anh còn phụ việc với chị, rồi đi làm thợ sơn cũng có tiền nhưng giờ bị bệnh phải ở nhà…, gia đình chị Hạnh thuộc 1 trong 96 hộ đặc biệt nghèo của quận Cẩm Lệ. Xòe đôi bàn tay khô ráp, chị nhẩm tính rất nhanh: “Thành phố hỗ trợ xi-măng, gạch... giúp cho tôi mở cái quán này. Cả bàn ghế, ly tách đều là thành phố cho tuốt. Tổng cộng khoảng 23 triệu đồng”.
Còn gia đình ông Lê Văn Hơn (46 tuổi, ở quận Hải Châu) cũng không khá hơn bao nhiêu. Quê ở Quảng Ngãi, hai vợ chồng ông quyết định ra Đà Nẵng để sinh sống hơn 4 năm nay. Suốt ngày còng lưng trên chiếc xe đạp thồ để chở hàng, ngày nắng cũng như mưa nhưng số tiền ông kiếm được cũng không đủ trang trải thuốc men cho người vợ bệnh tật và đứa con nhỏ còn đang đi học. Căn nhà ông thuê đã nhiều năm dột nát, ẩm thấp nhưng cũng không có tiền để sửa. “Làm gì họ cũng đòi hộ khẩu, mà mình thì chưa có. Vì chưa nhập hộ khẩu nên các chính sách của thành phố dành cho người nghèo mình cũng chưa được hưởng” - Ông Hơn than thở.
Với người nhập cư, họ cũng rất khó để tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, văn hóa, giáo dục, hỗ trợ nhà ở, điện, nước sinh hoạt và cải thiện điều kiện vệ sinh...
Bài toán khó
Đà Nẵng là một trong những địa phương rất chú trọng đến công tác giảm nghèo. Với những giải pháp có hiệu quả như: Gặp mặt đối thoại trực tiếp; cho vay vốn phát triển sản xuất, hướng dẫn các mô hình, kinh nghiệm làm ăn; hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản..., tính đến 6 tháng đầu năm 2011, toàn thành phố có gần 4 ngàn hộ thoát nghèo, đạt gần 80% so với Nghị quyết HĐND giao. Các hộ nghèo thuộc diện di dời giải tỏa cũng được thành phố rất quan tâm với các chính sách đền bù, giải quyết việc làm và đào tạo nghề, điều kiện sống khi chuyển đến nơi ở mới...
Từng địa phương linh hoạt với nhiều cách làm nhằm giúp các hộ thuộc diện này. Chẳng hạn như quận Cẩm Lệ-địa phương có hàng ngàn hộ di dời giải tỏa-đã tham mưu UBND thành phố ban hành Đề án “Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nông dân khu đô thị sinh thái Hòa Xuân”. Nhờ đó, hiện toàn quận có gần 700 hộ thoát nghèo (trên tổng số hơn 1 ngàn hộ đầu năm 2011). Tại vùng giải tỏa “trắng” Hòa Xuân, hiện có khoảng 230 hộ nghèo và đặc biệt nghèo (trên tổng số 4.000 hộ). Quận đã giới thiệu hơn 1 ngàn lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp. Hai phiên chợ việc làm được tổ chức tại Cẩm Lệ cũng đã thu hút hơn 1.200 người tham gia, giải quyết việc làm cho 210 lao động.
Tuy nhiên, không phải không còn những nỗi lo, như một lãnh đạo UBND quận Cẩm Lệ cho biết: “Hậu giải tỏa đền bù, nhiều hộ giàu lên, nhiều hộ khó khăn hơn vì chỉ đủ tiền làm nhà, trong tay lại chưa có nghề nghiệp. Thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nghề phù hợp với không gian đô thị như: Nghề làm tóc, sản xuất bánh tại nhà. Còn những hộ di cư từ nơi khác đến thì việc giảm nghèo thật sự khó khăn, phải chờ quyết định của thành phố”. Như vậy, để con số giảm nghèo hằng năm thực sự có ý nghĩa, vẫn rất cần những kế hoạch dài hơi hơn.
Bài và ảnh: Phương Trà