.

Giáo dục thanh-thiếu niên phạm pháp

.

Những chủ trương, biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế tình trạng thanh-thiếu niên (TTN) vi phạm pháp luật đã giúp hàng trăm em biết quay đầu sửa sai. Song, vẫn còn rất nhiều em lún sâu vào vòng tội lỗi.

Lãnh đạo quận Liên Chiểu thăm hỏi, động viên gia đình có con lầm lỗi.
Lãnh đạo quận Liên Chiểu thăm hỏi, động viên gia đình có con lầm lỗi.

Bao nhiêu tuổi đời, bấy nhiêu “tuổi nghề”

Ở tuổi 19, “thành tích” của Nguyễn Hoàng Long (trú phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) được ghi trong tập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính dày đến cả trăm trang, nổi bật là “khả năng xử lý” nhanh gọn, hễ hàng xóm để tiền bạc, điện thoại một cách bất cẩn thì y như rằng vài phút sau đã không cánh mà bay. “Thành tích” gần đây của Long được Công an quận Liên Chiểu thống kê: Ngày 28-1-2011, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ngày 15-3-2011, tham gia trộm cắp; tháng 6-2011, tiếp tục trộm cắp tài sản... Chính quyền địa phương hết xử phạt hành chính rồi đến đưa Long vào diện giáo dục tại xã, phường theo Nghị định 163 của Chính phủ. Vừa qua, Công an quận Liên Chiểu đã lập hồ sơ đưa Long đến cơ sở giáo dục Hoàn Cát (Quảng Trị).

Không thua kém Long, Nguyễn Văn Nhân (tức cu Mèo, SN 1996, trú phường Hòa Hiệp Bắc) cũng làm cho lực lượng chức năng ngao ngán. Nhân không học hành nên một chữ bẻ đôi cũng không biết. Trong tập hồ sơ xử lý ngót trăm trang của lực lượng Công an, thay vì ký tên thì Nhân chỉ điểm chỉ vào phần phạm tội. Trong năm 2011, Nhân nhiều lần trộm cắp tài sản, gây rối, đánh nhau. Vừa qua, Nhân cũng có tên trong danh sách đưa đi cơ sở giáo dục Hoàn Cát.

Cần biện pháp mạnh

Trung tá Nguyễn Anh, cán bộ quản lý công tác TTN (Đội Cảnh sát điều tra tội phạm Công an quận Liên Chiểu) chia sẻ: “Trước đây, trên địa bàn quận, tình trạng TTN vi phạm pháp luật diễn ra phổ biến. Trước năm 2010, có hàng trăm TTN vi phạm, chủ yếu là trộm cắp, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng. Để giải quyết tình trạng nói trên, chính quyền các cấp cùng lực lượng Công an đã dùng nhiều biện pháp: động viên, chăm lo đời sống vật chất, tạo công ăn việc làm đối với những đối tượng đã đủ tuổi lao động; còn đối với những trường hợp trong độ tuổi đi học thì vận động trở lại trường học theo tinh thần Chỉ thị 24 của Thành ủy. Nhờ đó, tình hình TTN vi phạm pháp luật đã giảm đáng kể, nhiều em quay lại trường, có em xin đi lao động, học nghề. Từ con số hơn 100 trường hợp TTN vi phạm pháp luật năm 2010, còn lại 48 trường hợp năm 2011, đến nay chỉ còn 35 trường hợp”. Lý giải về nguyên nhân một số em không tiến bộ, Thượng tá Quách Văn Dũng, Phó trưởng Công an quận Liên Chiểu cho biết, đa số TTN này không được gia đình quan tâm chăm sóc và thích đua đòi, ăn chơi, kèm thêm nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên khi vi phạm, các em cứ ngỡ hành động của mình không ảnh hưởng đến ai.

Nhiều năm làm công tác quản lý TTN, Trung tá Nguyễn Anh đúc kết rằng, nhận thức của nhiều em rất hạn chế đến nỗi có em vẫn hồn nhiên nghĩ rằng, vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng là vào nơi ăn chơi, vui sướng. Trăn trở về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cảnh, Phó Chánh tòa hình sự - TAND thành phố Đà Nẵng cho rằng, bên cạnh những lý do như đua đòi, thiếu hiểu biết pháp luật... thì việc gia đình ít quan tâm là con đường rất ngắn dẫn đến việc các em vi phạm pháp luật. Vì vậy, song song với sự răn đe của pháp luật, TTN rất cần sự chia sẻ của gia đình.

Trung tá Nguyễn Anh cho biết: “Đối với những trường hợp đã dùng nhiều biện pháp giáo dục như: từ việc tạo mọi điều kiện giúp đỡ để các em tiến bộ, đến xử lý hành chính mà vẫn không thay đổi được hành vi và nhận thức thì chúng tôi sẽ lập danh sách đưa đi cơ sở giáo dục để cải tạo”. Theo Trung tá Anh, từ đầu năm 2012 đến nay, Công an quận lập hồ sơ đưa 11 đối tượng vào cơ sở giáo dục, một trường hợp vào Trường giáo dưỡng số 3 - Bộ Công an.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.