.

Sức mạnh của thuyết phục

Lấy thuyết phục, vận động là chính, bất đắc dĩ mới phải tổ chức cưỡng chế buộc đương sự phải thi hành bản án dân sự mà tòa đã tuyên. Với phương châm này, năm 2011, ngành Thi hành án dân sự (THA) thành phố Đà Nẵng đã vận động tổ chức THA 6.116 vụ việc, trong số này chỉ có 84 vụ phải áp dụng biện pháp cưỡng chế THA. Đây là một thành công lớn trong công tác vận động công dân thực thi pháp luật của ngành THA dân sự.

Kiên trì thuyết phục, vận động

Đồng chí Võ Văn Tân, Cục trưởng Cục THA dân sự thành phố cho biết: Khi tòa đã tuyên xong mỗi bản án dân sự thì chưa phải là kết thúc. Sau đó việc tổ chức THA là cả một quá trình, không phải vụ việc nào cũng đơn giản, nhanh chóng. Có những vụ mà việc THA kéo dài hơn 10 năm mới hoàn thành. Cán bộ, công chức cơ quan THA phải chịu áp lực cả hai phía. Người được THA mong lấy lại tài sản tranh chấp trong thời gian ngắn nhất nên gây áp lực với cán bộ THA. Người phải THA thì cố tình chây ỳ không chấp hành án hoặc tìm cách dây dưa để tẩu tán tài sản phải THA. Cơ quan THA dân sự căn cứ vào bản án tòa đã tuyên ra quyết định THA gửi cho người phải thi hành bản án. Sau 15 ngày, nếu người phải THA không tự nguyện chấp hành án, cơ quan THA có quyền ra quyết định, tổ chức cưỡng chế buộc THA. Trong thực tế cơ quan THA không cứng nhắc như vậy. Cán bộ, công chức của ngành THA được yêu cầu luôn luôn lấy phương châm “kiên trì, vận động thuyết phục” làm đầu. Đối với những trường hợp đã được giải thích về pháp luật và thuyết phục nhiều lần, đương sự đã hiểu nhưng vẫn cố tình không chấp hành án thì mới tổ chức cưỡng chế THA. Để thuyết phục được người dân, cán bộ, công chức không chỉ nắm chắc Luật Dân sự mà còn phải nắm chắc nhiều luật, pháp lệnh, quy định khác. Có kiến thức mới thuyết phục, vận động người phải THA chấp hành bản án, đồng thời cũng phải biết giữ thái độ ôn hòa khi đương sự có thái độ bức xúc. Bên cạnh đó, cơ quan THA phải tranh thủ được sự đồng thuận, ủng hộ của chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể địa phương nơi cư trú của đương sự để gián tiếp vận động THA. Đã có nhiều vụ án dân sự kéo dài nhiều năm liền không THA được sau khi cán bộ THA vận động, thuyết phục cùng với sự “tiếp sức” của chính quyền, Mặt trận và đoàn thể địa phương mà bản án được thực thi. Điển hình là bản án số 24/DSPT ngày 2-4-2001, bản án số 342/DSST ngày 19-6-1996 đã giải quyết THA xong trong năm 2011. Hiệu quả công tác vận động tự nguyện THA dân sự trong năm 2011 thể hiện ở con số 6.116 vụ việc thi hành xong, đạt 84,1%, tăng 446 vụ việc và vượt chỉ tiêu giao.

Lấy nhà nhưng không để dân ra đường

Đằng sau mỗi vụ việc được THA là những cảnh đời mà mỗi cán bộ của ngành THA dân sự Đà Nẵng tự thấy mình có trách nhiệm. Trong các vụ án dân sự do mất khả năng trả nợ ngân hàng mà cơ quan THA phải phát mãi tài sản để buộc người vay tiền THA, chính cơ quan THA đề nghị và được ngân hàng chấp nhận giảm lãi suất để tạo điều kiện đương sự THA. Trường hợp người phải THA chỉ có nhà đang ở là tài sản duy nhất để THA, thì ngân hàng hỗ trợ tiền cho đương sự thuê nhà một thời gian trước khi có được chỗ ở ổn định. Nhiều trường hợp khác do vận động, thuyết phục của cán bộ THA mà bên được THA đã hỗ trợ giúp người phải THA ổn định chỗ ở và cuộc sống khi chấp hành án. Có trường hợp người phải THA được hỗ trợ lên đến 300 triệu đồng. Chính từ công tác thuyết phục, vận động của cán bộ THA mà cả 2 bên (người phải THA và người được THA) đều thỏa mãn. Nhiều vụ việc sau khi thi hành án xong, mối quan hệ của 2 bên từ chỗ mâu thuẫn gay gắt đã có nhiều cải thiện. Không ít lần cán bộ THA trực tiếp liên hệ với các cơ quan cung cấp dịch vụ sử dụng điện, nước để giúp người phải THA đủ các điều kiện sống ngay sau khi họ giao nhà để THA. Nhiều trường hợp được cơ quan THA đề nghị chính quyền thành phố quan tâm bố trí cho thuê căn hộ chung cư do chấp hành tốt bản án dân sự. Đồng chí Huỳnh Phước Thu, Bí thư Chi bộ, Phó Cục trưởng Cục THA dân sự thành phố cho biết: “Việc của chúng tôi là bảo đảm pháp luật phải thực thi nhưng không có nghĩa cố lấy cho được nhà-tài sản THA mà để người dân phải ra đường. Mình vận động, họ tự nguyện chấp hành bản án thì mình cũng phải có trách nhiệm giúp họ ổn định cuộc sống.” Có không ít những vụ án ly hôn được tòa án xử chấp thuận và phân chia tài sản nhưng đến giai đoạn THA họ lại tái hợp gia đình. Chính cán bộ THA bằng sự thuyết phục của mình đã hàn gắn được gia đình họ. Sau mỗi bản án dân sự được thi hành, không chỉ có người được THA mà cả người phải THA đến gặp và cảm ơn cán bộ THA. “Đó chính là niềm hạnh phúc của người cán bộ THA. Mỗi vụ án đã thi hành, hồ sơ khép lại, điều đọng lại là tình con người”, đồng chí Huỳnh Phước Thu tâm sự.

SƠN TRUNG

;
.
.
.
.
.