Đà Nẵng xếp thứ 2 trong báo cáo PAPI
Ngày 2-7, tại Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu Lập pháp (Quốc hội) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp tổ chức hội thảo chia sẻ thông tin với các đại biểu HĐND 14 tỉnh, thành khu vực miền Trung về “Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2012”. Đây là công cụ đo lường mức độ hiệu quả trong công tác điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công tại địa phương cho người dân Việt Nam. Tham dự hội thảo có TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp (Quốc hội); ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc UNDP tại Việt Nam; ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.
Từ trải nghiệm của người dân
PAPI là kết quả khảo sát xã hội học lớn nhất trong lĩnh vực quản trị và hành chính công ở Việt Nam, phản ánh một cách khách quan và có căn cứ khoa học về những việc các cấp chính quyền đã làm được và chưa làm được ở một số lĩnh vực “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Sau 2 năm thử nghiệm ở một số tỉnh, thành, đến năm 2011, nghiên cứu PAPI được triển khai trên toàn quốc. Trong năm 2012, đã có gần 14 ngàn người dân được tham gia phỏng vấn trực tiếp trên cơ sở trải nghiệm thực tế của họ khi tương tác với chính quyền.
Phát biểu tại hội thảo, ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: “Sáng kiến quan trọng nhất của PAPI là thực hiện theo hướng tiếp cận từ dưới lên, xây dựng dựa trên triết lý người dân là “khách hàng” hưởng thụ chính sách công, vì vậy phải được tôn trọng. Đánh giá dựa trên kiến thức và trải nghiệm của “ khách hàng” sẽ tạo động lực để lãnh đạo các cấp tại địa phương ngày càng nâng cao hiệu quả quản lý của mình”.
Với một phương pháp nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, báo cáo PAPI 2012 đã đề cập đến 6 lĩnh vực, bao gồm: “Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công và Cung ứng dịch vụ công”.
PAPI 2012 có xu hướng cải thiện
Báo cáo PAPI năm 2012, theo trình bày của ông Jairo Acuna Alfaro, Cố vấn Chính sách UNDP cho thấy, người dân có trải nghiệm tốt hơn khi tương tác với chính quyền và sử dụng các dịch vụ công so với báo cáo PAPI năm 2011. Xu hướng tiến bộ chung của 63 tỉnh, thành thể hiện ở 4 nội dung “Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Cung ứng dịch vụ công”. Ở lĩnh vực “Thủ tục hành chính công”, mức độ hài lòng của người dân giảm nhẹ. Đáng chú ý, nội dung “Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở” sụt giảm mạnh.
Đánh giá chung, mức độ cải thiện quản trị hành chính công của 63 tỉnh, thành cả nước có độ chênh thấp. Cao nhất 42/60 điểm và thấp nhất là 33/62 điểm. Xét theo chỉ số tổng hợp của cả 6 nội dung, 4 tỉnh Quảng Bình, Thái Bình, Bình Định và Đà Nẵng lần lượt đứng trong nhóm điểm cao nhất theo thứ tự thấp dần. Các tỉnh thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên hầu như đều có điểm số cao. Mục tiêu của công cụ PAPI đến năm 2016 là phấn đấu giúp các địa phương tăng điểm tổng hợp lên 50/60.
Không chỉ là những con số
Theo kết quả của nghiên cứu PAPI, trong 2 năm 2011-2012, có đến 44% người dân được khảo sát không biết gì về việc thu, chi ngân sách ở xã, phường; chỉ 20% người dân biết về quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Việc tuyên truyền, phổ biến và thực hiện Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn vẫn còn hạn chế, nhất là trong đối tượng phụ nữ và đồng bào thiểu số. Không đến 20% người dân được hỏi biết đến sự tồn tại và hiệu quả hoạt động của các ban Thanh tra nhân dân và Giám sát đầu tư cộng đồng…
Về nội dung kiểm soát tham nhũng, nghiên cứu phát hiện cảm nhận của người dân phải “lót tay” xin việc, hay “vị thân” trong hệ thống bộ máy chính quyền tăng từ 30% vào năm 2011 lên 40% vào năm 2012. Một phát hiện khá thú vị của nghiên cứu PAPI trong lĩnh vực “Thủ tục hành chính công”, là Việt Nam mới chỉ nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất cho bộ phận một cửa; trong khi yếu tố tác động mạnh nhất khiến người dân chưa hài lòng hiện nay lại là hạn chế về chuyên môn của cán bộ, công chức và thái độ đối với người dân.
TS Đinh Xuân Thảo khẳng định, báo cáo PAPI 2012 không chỉ là những con số, mà còn cho thấy những điểm mạnh, yếu của các địa phương, mức độ chuyển biến theo thời gian. Từ đó cung cấp cho các đại biểu Quốc hội và HĐND những thông tin, dữ liệu khách quan về hiệu quả quản trị và hành chính công của từng địa phương; hỗ trợ các cơ quan này trong yêu cầu chính quyền tỉnh, thành phố giải trình, hoạch định và điều chỉnh để nâng cao mức độ hiệu quả của chính sách.
“Dữ liệu PAPI sẽ có tác dụng tham khảo tốt cho Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố và HĐND các cấp, cụ thể như trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các vị trí do HĐND bầu và phê chuẩn vào tháng 7 này”. TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội |
THU PHƯƠNG