.

Gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng: Lúng túng giải ngân

.

Đà Nẵng mới có 3 trường hợp được giải ngân

Sau một tháng triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, mới chỉ có 3 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được giải ngân. Lý giải về điều này, trong khi các ngân hàng cho rằng do vướng nhiều thủ tục thì các nhà đầu tư nói các cơ quan chức năng còn lúng túng trong việc xác định cũng như cấp quyền sử dụng đất cho các nhà ở xã hội.

Cần giải quyết nhanh các thủ tục để gói 30 nghìn tỷ đồng đi vào cuộc sống. 		Ảnh: THÀNH LÂN
Cần giải quyết nhanh các thủ tục để gói 30 nghìn tỷ đồng đi vào cuộc sống. Ảnh: THÀNH LÂN

Quá ít doanh nghiệp, cá nhân được vay vốn

Báo cáo tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương vào chiều 2-7, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Đà Nẵng cho biết: “Sau một tháng triển khai (1-6), đến nay các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) đã tiếp nhận hơn 120 bộ hồ sơ đăng ký xin vay (trong đó có 2 doanh nghiệp là Công ty Đức Mạnh và Công ty 579) và đã giải ngân cho vay 3 hồ sơ. Cụ thể, NH Công thương Ngũ Hành Sơn giải ngân 2 hồ sơ với số tiền cho vay trên 200 triệu đồng/hồ sơ; Vietcombank Chi nhánh Đà Nẵng giải ngân 1 hồ sơ với số tiền cho vay 65 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền cho vay đến nay chưa đến 500 triệu đồng, một con số hết sức khiêm tốn so với nhu cầu của Đà Nẵng.  

Đại diện lãnh đạo 5 chi nhánh NH được chỉ định cho vay đều cam kết đã và đang chỉ đạo các cán bộ, nhân viên thực hiện đúng chủ trương, quy định đề ra. Cụ thể, Agribank yêu cầu nhân viên khi nhận được hồ sơ từ khách hàng phải hoàn tất thủ tục trong vòng 20 ngày; còn đối với  khách hàng là cá nhân sẽ được giải ngân vốn lên đến 80% số tiền mua nhà, thời hạn vay 10-15 năm và được sử dụng chính căn nhà đó để làm tài sản thế chấp khoản vay. Giám đốc BIDV Đà Nẵng Trần Thanh Điện nhấn mạnh, ngân hàng này đã sẵn sàng “mở két” khi khách hàng hoàn thành những thủ tục theo quy định! Còn Giám đốc Vietcombank Đà Nẵng Lê Diệp quả quyết: “Vietcombank Đà Nẵng cam kết không đặt thêm các điều kiện làm khó dễ khách hàng. Nếu cán bộ nào gây khó dễ, vòi vĩnh, bị phát hiện sẽ xử lý nghiêm”.

Vướng mắc ở đâu?

Quyết tâm như vậy, nhưng các NH cho biết, hầu như vẫn chưa giải ngân được vì vướng nhiều thủ tục, một trong số đó vẫn là khó xác định đối tượng thu nhập thấp. Cũng theo ông Minh, sở dĩ việc có quá ít DN và cá nhân được giải ngân vay vốn là do còn nhiều vướng mắc, bất cập trong khi triển khai các thủ tục cho vay.

Cụ thể, việc xác định tiêu chí người thu nhập thấp hiện nay chưa rõ. Trong Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 07/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định đối tượng được vay vốn là cán bộ, viên chức hưởng lương từ ngân sách và đối tượng thu nhập thấp. Tuy  nhiên,  các thông tư trên không quy định cụ thể mức thu nhập của người lao động như thế nào là thấp và mức xác định thu nhập cá nhân người lao động hay thu nhập tính chung toàn bộ cả hộ gia đình của người lao động. Trong khi đó, Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23-6-2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở thì thu nhập lại tính trên toàn hộ xin vay vốn. Cụ thể, đối tượng được thuê nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư bằng vốn ngân sách là hộ có thu nhập bình quân hằng tháng thuộc diện thu nhập thấp theo quy định của UBND tỉnh; còn đối tượng được mua, được thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng vốn không phải từ ngân sách Nhà nước là các hộ có thu nhập bình quân hằng tháng dưới mức thu nhập bình quân của địa phương theo quy định của UBND cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, việc xác nhận, chứng minh thu nhập, năng lực trả nợ của các đối tượng thu nhập thấp để trả nợ vay ngân hàng thanh toán tiền mua, tiền thuê, tiền thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại theo Thông tư 11 còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, hồ sơ thế chấp tài sản khi thực hiện vay để mua, thuê-mua nhà xã hội, nhà ở thương mại còn nhiều điểm chưa thuận lợi cho người vay và cho NH, nhất là đối với các trường hợp chủ đầu tư đã sử dụng dự án để thế chấp vay vốn thi công tại NHTM này, nhưng người có thu nhập thấp lại phát sinh vay vốn ở các NHTM khác. Đồng thời, việc xác nhận thực trạng nhà ở hiện nay của đối tượng vay vốn gặp khó khăn.

Theo bà Phạm Thị Minh Ngọc, Phó Giám đốc Vietinbank Đà Nẵng, một số đối tượng là người lao động tự do, buôn bán nhỏ không chứng minh được nguồn thu nhập của mình, hoặc chứng minh được nguồn thu nhưng mức thu nhập quá thấp không đủ khả năng trả nợ. Khi xác nhận về tình trạng hộ khẩu, nhân khẩu, tình trạng nhà ở để được hưởng gói ưu đãi thì một số địa phương không chịu xác nhận; không công chứng được hợp đồng thế chấp, do nhà ở được hình thành trong tương lai... Đến nay NH cũng chỉ mới nhận được 10 hồ sơ xin vay vốn.

Đại diện các chủ đầu tư lại phàn nàn rằng, các cơ quan chức năng còn lúng túng trong việc xác định cũng như cấp quyền sử dụng đất cho các nhà ở xã hội, do vướng một số thủ tục... Theo ông Nguyễn Lương Giáp, Phó Tổng Giám đốc Công ty 579: “Do chưa có sự thống nhất trong các thông tư hướng dẫn nên còn nhiều chồng chéo, thậm chí là chậm trong việc triển khai vay. Nếu như hồ sơ vay đã được chủ đầu tư và các cơ quan chức năng thẩm định thì NH chỉ nên thẩm định khả năng trả nợ mà thôi, không nên thẩm định đi thẩm định lại nhiều lần làm mất thời gian.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương giao cho NHNN Chi nhánh Đà Nẵng phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu cho UBND thành phố việc xem xét tháo gỡ vướng mắc trong quá trình cho vay. Bên cạnh đó, để tháo gỡ những khó khăn trên, việc xác nhận, chứng minh thu nhập, khả năng trả nợ của đối tượng thu nhập thấp cần có thực hiện rõ ràng hơn, cụ thể từng khu vực, mức thu nhập, từng đối tượng. Các công ty đầu tư báo cáo với UBND thành phố qua Sở Xây dựng số lượng căn hộ nhà ở xã hội đã và đang sẽ xây dựng, cũng như tiến trình hoàn thiện. Trên cơ sở này, các nhà đầu tư gửi danh sách vay đến các NH cho vay... NHNN Chi nhánh Đà Nẵng chịu trách nhiệm đầu mối thống nhất hồ sơ vay, sau đó định kỳ 15 ngày báo cáo cho UBND thành phố; các sở, ngành liên quan cần khảo sát nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn để có kế hoạch cụ thể, không quy hoạch, xây dựng tràn lan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn chủ trương này.

5 ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), NH TMCP Ngoại thương (Vietcombank), NH TMCP Công thương (Vietinbank), NH Đầu tư và Phát triển (BIDV) và NH Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) được phép triển khai cho vay vốn ưu đãi mua nhà với lãi suất 6%/năm trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.