(ĐNĐT) - “Ngay từ bây giờ, đề nghị thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các địa phương, các tổ dân phố tiếp tục rà soát lại từng hộ dân ở các khu nhà không kiên cố để sớm di dời đến nơi an toàn trước khi bão số 11 (Nari) ập đến” - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó trưởng Ban PCLB Trung ương Cao Đức Phát chỉ đạo tại cuộc họp triển khai các biện pháp phòng, chống bão số 11 ở Đà Nẵng, chiều 14-10.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết cho biết, đến 14 giờ chiều nay (14-10), Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố và Đài thông tin Duyên hải miền Trung đã thông tin cho tất cả các tàu thuyền Đà Nẵng về nơi tránh bão an toàn. 3 địa điểm mà tàu thuyền tránh bão an toàn gồm: khu vực Âu thuyền Thọ Quang: 810 chiếc; Mân Quang và X50: 269 chiếc: trên sông Phú Lộc: 65 ghe máy.
Về công tác sơ tán dân, Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết cho biết, các địa phương đã rà soát, lên danh sách và lập kế hoạch sơ tán 11.000 hộ với 55.000 người, chủ yếu thuộc quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang, quận Ngũ Hành Sơn. Và hiện các địa phương đang khẩn trương di dân đến nơi an toàn theo đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men… cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Bộ trưởng Cao Đức Phát và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng kiểm tra công tác phòng, chống bão ở khu nhà liền kề Đông Trà, quận Ngũ Hành Sơn |
Cũng tại cuộc họp, đại diện Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cho biết: Ngay từ giữa giờ chiều 14-10, khi bão số 11 còn cách bờ biển Quảng Nam - Thừa Thiên Huế hơn 200km, nhưng gió đã cấp 7, cấp 8. Chứng tỏ đây là cơn bão rất mạnh, mạnh hơn bão số 10 vừa qua và có thể khi đổ bổ vào đất liền còn mạnh hơn cơn bão số 6 hồi năm 2006 đã gây thiệt hại khủng khiếp cho miền Trung. Điều đáng lo ngại, bão đổ bộ vào ban đêm (khoảng 1-2 giờ sáng ngày 15-10) nên không biết hậu quả sẽ như thế nào. Cơn bão số 10 vừa qua đổ bộ vào đất liền ban ngày mà thiệt hại đã lớn như vậy, không biết hậu quả của cơn bão này sẽ ra sao.
Ngoài ra, hiện triều cường tại khu vực miền Trung đang dâng ở mức 1-1,5m cộng với sóng biển cao từ 3-4m nên khu vực ven biển sẽ rất nguy hiểm. Chính vì vậy, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo các lực lượng chức năng, các địa phương ở miền Trung (đặc biệt là thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế) phải tiến hành sơ tán ngay người dân ở những khu vực này. Kiên quyết không để người dân ở lại trong những ngôi nhà yếu, xiêu vẹo, trũng thấp.
Chính quyền quận Ngũ Hành Sơn giúp người dân sơ tán tránh bão |
Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Chủ tịch UBQG tìm kiếm cứu nạn cho biết, ngay trong ngày 14-10, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Quân khu 5 cũng đã cử lực lượng, ca nô, xe thiết giáp đến những vùng xung yếu, hỗ trợ người dân sơ tán và sẵn sàng ứng cứu khi tình huống xấu xảy ra. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cũng đã sẵn sàng máy bay trực thăng túc trực tại sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài để khi có lệnh sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý, cần phải có biện pháp để gia cố ngay những trụ ăng-ten, trụ phát sóng để tránh xảy ra gãy, đổ như ở Quảng Bình vừa rồi. Một mặt đảm bảo an toàn tính mạng cho con người, mặt khác còn đảm bảo thông tin liên lạc sau khi bão tràn qua. Ngay trong đêm, Ban chỉ huy tiền phương phòng, chống bão số 11 đã yêu cầu các địa phương, ngoài việc sử dụng hệ thống thông tin liên lạc bình thường, cần chuẩn bị điện thoại vệ tinh để thông báo, chỉ đạo kịp thời. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu lực lượng Công an Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế tiến hành chốt chặn không cho xe lưu thông trên tuyến QL1A từ 18 giờ ngày 14-10. Trong đó, phải đặc biệt kiên quyết cấm ô tô khách lưu thông, bố trí những địa điểm an toàn cũng như thực phẩm, nước uống cho hành khách nghỉ lại qua đêm.
70 hộ dân ở khu nhà liền kề Đông Trà thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn đã được chuyển đến khu vực tránh bão an toàn |
Tính đến chiều 14-10, hầu hết các hồ chứa, hồ thủy điện ở miền Trung đã đầy và đang xả tràn. Trong khi đó, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong cơn bão này, các tỉnh từ Thừa Thiến Huế - Quảng Nam đến Bắc Tây Nguyên sẽ có mưa đặc biệt lớn (từ 400-600mm), lũ sẽ vượt báo động 2, báo động 3. Chính vì vậy, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu ngay từ bây giờ, các hồ chứa phải tiến hành xả nước. Nghiêm cấm việc khi có lũ lớn xả nước làm cho vùng hạ lưu bị ngập nặng.
Đến cuối giờ chiều cùng ngày, mọi công tác ứng phó với bão số 11 cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, đại diện các Bộ, ngành Trung ương cũng như các địa phương tỏ ra hết sức lo lắng, bởi bão số 11 đổ bộ vào đất liền vào đêm khuya nên không biết thiệt hại sẽ ra sao.
Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ và Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết đã đến kiểm tra công tác phòng chống bão ở một số khu vực như Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà), khu nhà liền kề Đông Trà, phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn). Tại hai khu vực này, Bộ trưởng Cao Đức Phát và Bí thư Thành ủy Trần Thọ đã chỉ đạo khẩn trương di dời dân đến nơi an toàn; đồng thời, chỉ đạo các địa phương nghiêm cấm không cho bất cứ ngư dân nào ở trên tàu, để đảm bảo an toàn về người khi bão đến.
Tin, ảnh: Trọng Hùng