.

Đối phó với phương thức "lấy thịt đè người" mới của Trung Quốc

.

Trung Quốc sẽ rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vị trí sau khi thử phản ứng Việt Nam và thế giới nhưng phải cảnh giác bởi không đơn giản họ chỉ rời vị trí giàn khoan. Ta phải có sự chuẩn bị lâu dài đối phó với sách lược của họ là dùng vũ lực của lực lượng dân sự để xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thiếu tướng Lê Văn Cương (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an, nói khi trao đổi với Báo Đà Nẵng.

 

* Theo ông, Trung Quốc có rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam?

- Mọi người đều biết từ ngày 2-5 Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vị trí như mọi người đã biết và tuyên bố rằng họ sẽ tác nghiệp đến ngày 15-8-2014. Riêng cá nhân tôi, nghiên cứu các động thái của Trung Quốc từ xưa tới nay, đặc biệt là sự kiện này, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ rút giàn khoan này ra khỏi vị trí hiện nay vào thời gian trước, đúng hoặc sau ngày 15-8-2014. Trước khi rút họ sẽ tuyên bố với thế giới rằng nhiệm vụ giao cho giàn khoan Hải Dương-981 đã hoàn thành.

Theo tôi, họ sẽ rút giàn khoan không phải vì lý do kinh tế bởi vì vị trí giàn khoan Hải Dương-981 đang hạ đặt không phải là nơi bồn trũng có nhiều dầu hỏa. Thực chất ở đây lý do họ rút giàn khoan là lý do chính trị sau khi đã thăm dò phản ứng của Việt Nam, khối ASEAN và thế giới như thế nào. Ở đây còn ẩn ý họ muốn xem lực lượng của Việt Nam bộc lộ như thế nào qua sự kiện này. Bởi riêng việc duy trì giàn khoan từ ngày 2-5 đến ngày 15-8-2014 cũng có ý rằng buộc Việt Nam xuất hiện các lực lượng trên biển như thế nào. Như vậy họ đã đạt được mục tiêu chính trị, ngoại giao, an ninh rồi, vậy là họ rút thôi.

Chúng ta cũng biết rằng họ đang thi công đường băng sân bay ở bãi đá đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của ta (mà Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm ngày 14-3-1988). Phải chăng việc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là cách họ thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế tập trung vào sự kiện này. Đến khi rút thì có thể việc xây dựng đường băng đã cơ bản hoàn thành rồi.

* Ông có thể dự đoán Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 đi đâu, liệu họ có đơn thuần là rút giàn khoan ra khỏi vị trí hiện nay do phản ứng của ta?

- Điều này phụ thuộc vào sự đấu tranh hiện nay của ta và phản ứng của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc sẽ xem xét phản ứng của ta và của quốc tế để điều chỉnh hành vi. Làm một việc gì bao giờ họ cũng nghe ngóng, xem chừng đông, tây, nam, bắc như thế nào để tính bài tiếp theo. Theo dự đoán của tôi, khả năng nhiều nhất là giàn khoan của Trung Quốc sẽ rút xuống phía nam. Lần rút này vẫn là vì vấn đề chính trị, quân sự. Chỉ khi rút lần nữa xuống đúng bồn trũng Nam Côn Sơn và vùng Tư Chính-Vũng Mây mới thực sự là lý do dầu khí. Rất có thể khi đó Trung Quốc sẽ thay thế bằng giàn khoan nhỏ hơn cùng hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí và đưa hàng trăm tàu thuyền vào khu vực này. Nếu chúng ta không phản ứng đủ độ, họ sẽ có bước lấn tới. Cho đến giờ phút này các biện pháp đấu tranh bằng ngoại giao, bằng pháp lý quốc tế, chúng ta vẫn chưa sử dụng hết. Ngay bây giờ chúng ta cần có công hàm gửi Chủ tịch Trung Quốc về chuyện này.

* Có quan điểm cho rằng cách sử dụng giàn khoan Hải Dương-981 và sử dụng tàu chấp pháp là nhằm thực hiện chiến lược xâm lược mềm mà không cần dùng tới vũ trang xâm lược nước khác. Ông có đồng tình với quan điểm này không?

- Tôi thì nghĩ hơi khác. Năm 2012 Trung Quốc có xuất bản cuốn sách về chiến lược xâm lăng mềm bằng văn hóa, thông tin, kinh tế... để biến nước khác phải phụ thuộc vào họ. Trong trường hợp sự kiện đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và dùng tàu chấp pháp gây hấn với lực lượng chấp pháp của ta không phải xâm lăng mềm mà chính xác là dùng vũ lực xâm chiếm. Chủ trương của họ là không đưa hải quân ra vì sợ thế giới phản ứng nên sử dụng các lực lượng hải tuần, hải giám, hải cảnh, ngư chính để khẳng định với thế giới rằng sự cọ xát tông va trên biển chỉ là giữa các lực lượng dân sự. Tuy nhiên, họ vẫn đang cố ý khiêu khích ta, cố nhử ta mắc bẫy để tố cáo ta gây hấn với họ. Chúng ta cần biết họ đang có kế hoạch phát triển số lượng rất lớn tàu chấp pháp với lượng giãn nước lớn nhằm tạo thế áp đảo với phương châm “lấy thịt đè người” đối với tàu chấp pháp, tàu ngư dân của nước mà họ tranh chấp chủ quyền một cách vô lý. Sách lược của họ là duy trì lâu dài tại hiện trường họ đòi hỏi, yêu sách một số lượng tàu áp đảo, uy hiếp, đe dọa liên tục nhằm gây cho đối phương sự suy nhược ý chí, nản lòng, cuối cùng là bỏ cuộc.

* Trước âm mưu của Trung Quốc như vậy, đối sách của ta như thế nào, thưa ông?

- Chúng ta đã và đang áp dụng nhiều biện pháp đấu tranh có hiệu quả, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế chính vì sự chính nghĩa của ta. Tuy nhiên, đối phó với âm mưu chiến lược thôn tính Biển Đông của Trung Quốc theo phương thức “gặm nhấm” dần dần, lâu dài  ta cũng phải có chiến lược đối phó lâu dài cũng như vận động để các quốc gia trong khu vực cùng hợp tác, xây dựng và thực hiện chiến lược chung lâu dài của cả khối trước âm mưu của Trung Quốc.

Ta cần phải đầu tư thích đáng theo khả năng của mình để phát triển lượng tàu cảnh sát biển, kiểm ngư cũng như tăng dần số lượng tàu cá có công suất lớn có mặt thường xuyên trên vùng biển thuộc chủ quyền của ta. Cần phải có một cơ chế đặc thù về Biển Đông để phát triển kinh tế biển, chính sách đối với con người thuộc các lực lượng hoạt động trên biển và ngư dân nhằm khuyến khích họ hoạt động, hành nghề trên biển đủ lực và yên tâm bám biển hành nghề, bảo vệ chủ quyền vùng biển Tổ quốc.

* Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

SƠN TRUNG thực hiện

;
.
.
.
.
.