.

Đấu tranh pháp lý vẫn là biện pháp văn minh nhất

.

“Đấu tranh pháp lý vẫn là biện pháp văn minh nhất vì sử dụng các giải pháp hòa bình và theo những cơ chế đã được luật pháp quốc tế quy định và đặc biệt là theo công ước của Liên Hiệp Quốc. Qua đó, vẫn có thể thúc đẩy được hợp tác”. Đó là ý kiến của nhiều giáo sư quốc tế khi trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đà Nẵng bên lề hội thảo “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” diễn ra tại Đà Nẵng cuối tuần qua.

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng Trần Đức Anh Sơn giới thiệu về các tấm bản đồ, thư tịch cổ được trưng bày tại Triển lãm “Hoàng Sa-Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng Trần Đức Anh Sơn giới thiệu về các tấm bản đồ, thư tịch cổ được trưng bày tại Triển lãm “Hoàng Sa-Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.

* Liệu có rủi ro nào nếu Việt Nam khởi kiện việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ra tòa án quốc tế?

GS Jerome Cohen, Chủ tịch Viện Luật pháp Hoa Kỳ-Châu Á, ĐH Luật New York.
GS Jerome Cohen, Chủ tịch Viện Luật pháp Hoa Kỳ-Châu Á, ĐH Luật New York.

- GS Jerome Cohen, Chủ tịch Viện Luật pháp Hoa Kỳ-châu Á, ĐH Luật New York: Có rất nhiều cơ chế để giải quyết vấn đề tranh chấp, kiện tụng giữa hai quốc gia. Trong trường hợp liên quan đến chủ quyền của một quốc gia thì có thể đưa ra Tòa án Công lý quốc tế nhưng vụ kiện chỉ được chấp nhận khi có sự chấp thuận cả hai bên.

Trong trường hợp nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc và được Tòa án Công lý Quốc tế chấp thuận thì khả năng là rất thấp, bởi Trung Quốc có thể tuyên bố không đồng ý, không chấp thuận vụ kiện. Có nhiều loại tranh chấp khác nhau nên cũng có các cơ chế khác nhau để giải quyết nhưng cơ chế giải quyết tranh chấp về chủ quyền thông qua Tòa án Công lý quốc tế thì cho đến bây giờ vẫn chưa có cơ hội.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là thành viên đã ký kết tham gia Công ước về Luật Biển năm 1982 nên phải có trách nhiệm tuân thủ theo những quy định của luật pháp quốc tế và trong đó có cả việc tuân thủ quyết định của Tòa trọng tài quốc tế về Luật Biển. Đối với trường hợp của Việt Nam, đúng là đưa ra Tòa án Công lý quốc tế thì Trung Quốc có thể từ chối. Tuy nhiên, Việt Nam và Trung Quốc cũng có thể tiến hành các thỏa thuận khác nhau và cũng có nhiều khả năng để giải quyết như có thể giải quyết thông qua đàm phán, có thể đàm phán với nhau hoặc đàm phán thông qua các thể chế, mà Công ước về Luật Biển là công ước đầu tiên có các cơ chế để giải quyết những vấn đề tranh chấp.

Theo tôi, các quốc gia trong khu vực châu Á có thể thành lập tòa án khu vực, để giải quyết các vấn đề liên quan đến khu vực mình. Đấu tranh pháp lý vẫn là biện pháp văn minh nhất vì sử dụng các giải pháp hòa bình và theo những cơ chế đã được luật pháp quốc tế quy định và đặc biệt là theo Công ước của Liên Hiệp Quốc. Và qua đó, vẫn có thể thúc đẩy được hợp tác vì không phải dựa vào súng đạn hay những sức ép chính trị khác.

Tướng Daniel Schaeffer (Pháp), Chuyên gia của Bộ Quốc phòng Pháp, chuyên nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông.
Tướng Daniel Schaeffer (Pháp), Chuyên gia của Bộ Quốc phòng Pháp, chuyên nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông.

- GS Erik Franckx (Bỉ), ĐH Tự do Brussel-Bỉ, thành viên Tòa trọng tài thường trực: Về vấn đề Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam có thể lựa chọn nhiều cơ chế khác nhau để giải quyết. Trong trường hợp như ở đây thì Việt Nam có thể chọn vấn đề giống như Philippines, đó là yêu cầu Trung Quốc định nghĩa rõ về “đường chín đoạn”.

Các nước lớn nói chung không muốn mình bị dính vào các tranh chấp pháp lý nên nếu đưa vấn đề ra tòa cũng có khả năng Trung Quốc thành công khi nói vấn đề này thuộc những vấn đề loại trừ. Thế nhưng dù có kết quả xấu nhất là tòa án quốc tế nói “không đủ thẩm quyền để giải quyết vấn đề này”, thì đây cũng là cơ hội để Việt Nam trình bày quan điểm của mình và nói cho cộng đồng quốc tế biết “đấy là lãnh thổ của tôi” và qua đó để thuyết phục và nhận được sự ủng hộ của công luận.

* Trung Quốc đã đưa thêm một giàn khoan khác tới Biển Đông, theo ông động thái này của Trung Quốc là để làm gì?

- Tướng Daniel Schaeffer (Pháp), chuyên gia của Bộ Quốc phòng Pháp, chuyên nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông: Việc Trung Quốc đưa giàn khoan chỉ là một vụ việc tạm thời trong dã tâm lâu dài của Trung Quốc nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền dựa trên yêu sách “đường chín đoạn” của nước này.

Đây là mối lo ngại của tất cả các nước có liên quan và các nước cần phải báo động cho cộng đồng quốc tế biết để yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và cần phải đưa ra các cơ chế về luật biển nhằm buộc nước này phải xóa bỏ “đường chín đoạn” thì sau đó mới giải quyết được các vấn đề chủ quyền. Sau khi đã xóa bỏ được “đường chín đoạn” và đạt được Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) thì các nước mới cùng cam kết thực hiện và cùng nhau hợp tác.

GS Erik Franckx (Bỉ), ĐH Tự do Brussel-Bỉ, Thành viên Tòa trọng tài thường trực.
GS Erik Franckx (Bỉ), ĐH Tự do Brussel-Bỉ, Thành viên Tòa trọng tài thường trực.

Theo tôi, các nước Đông Nam Á cần phải “đánh trống” lên trên thế giới để tác động đến cộng đồng quốc tế. Trung Quốc cũng đã phòng vệ lại trước các hoạt động thông tin của Việt Nam cho cộng đồng quốc tế biết bằng việc nỗ lực tuyên truyền về quan điểm của mình, chẳng hạn như chi một khoản tiền rất lớn để đăng bài báo trên báo philippines. Điều này chứng tỏ Trung Quốc cũng chịu sức ép trước dư luận quốc tế.

* Nếu Trung Quốc bất chấp pháp luật quốc tế và thể hiện sức mạnh của mình thì cuộc đấu tranh pháp lý còn có ý nghĩa không?

- GS Renato DeCastro, ĐH De La Salle, Philippines: Mặc dù Trung Quốc mạnh nhưng không có nghĩa cuộc đấu tranh tuyên truyền luật pháp là không có ý nghĩa vì ý kiến công luận là rất quan trọng và nó có thể tác động Trung Quốc phải thay đổi quan điểm và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Nếu Trung Quốc không thay đổi quan điểm thì sẽ bị coi là thiếu trách nhiệm về mặt đạo đức khi đưa vào những thang giá trị của đạo Khổng thì cần phải thể hiện là một người thiện. Trước những áp lực như thế thì Trung Quốc phải tiến hành những hành động tuyên truyền để tự biện hộ cho mình. Vụ kiện của Philippines chưa thể yêu cầu Trung Quốc tham gia được, nhưng cho đến nay ít nhất nó cũng có giá trị là để mọi người biết đến vụ việc và Trung Quốc cũng cần phải có những biện pháp tuyên truyền để tự giải thích cho quan điểm của mình.  

GS Renato DeCastro, ĐH De La Salle, Philippines.
GS Renato DeCastro, ĐH De La Salle, Philippines.

* Vai trò của Mỹ đối với tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông như thế nào?

- GS Jerome Cohen: Với tư cách là một công dân Mỹ, tôi nghĩ Chính phủ Mỹ cần phải có thái độ tích cực hơn. Việc đầu tiên tôi muốn làm là nói với bạn bè tôi yêu cầu Chính phủ Mỹ phải ký Công ước về Luật Biển. Mỹ không thể nói các bên phải tuân thủ trong khi chính mình không ký, không thể bắt mọi người làm theo cái tôi nói mà không nhìn vào cái tôi làm.

Theo tôi, một trong những việc mà Tổng thống Obama nên làm trong nhiệm kỳ của mình là ký Công ước về Luật Biển và khi đã ký thì có cơ chế trọng tài và khi đưa ra trọng tài thì các bên phải có trách nhiệm tuân thủ. Thông điệp chính của tôi vẫn coi trọng các biện pháp hòa bình, tất nhiên là có những rủi ro không tính hết được nhưng các nước có thể tìm được các biện pháp khác để đôi bên cùng có lợi.   

 

ĐOÀN LƯƠNG thực hiện

;
.
.
.
.
.