.

TS Nguyễn Viết Chức: Phải thấm nhuần hai chữ "chủ động"

.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng khóa XI được ban hành ngày 9-6 vừa qua đã đưa ra nhiều điều mới, với mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ…

TS Nguyễn Viết ChứcẢnh: N.T.BÌNH
TS Nguyễn Viết Chức Ảnh: N.T.BÌNH

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đánh giá:

- Có thể nói Nghị quyết lần này về cơ bản kế thừa những gì tinh túy, tốt đẹp của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần. Nhưng khi nghiên cứu Nghị quyết lần này, chúng ta cũng dễ nhận ra rất nhiều điểm mới, đặc biệt là nhấn mạnh yếu tố xây dựng con người phát triển toàn diện.

Nghị quyết làm đời sống nhân dân tốt hơn, không có lý do gì để người dân và các cấp chính quyền không ủng hộ. Chắc tới đây còn nhiều ý kiến, nhưng tôi cho rằng nghị quyết dù hay đến thế nào cũng chỉ thực sự ý nghĩ khi nó đi được vào cuộc sống.

* Nghị quyết mới trực tiếp đề cập tới những vấn đề thiết yếu: xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; không còn thấy cụm từ “xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” nữa, thưa ông?

- Là đảng viên, cũng là người làm công tác văn hóa, tôi nhận thấy nghị quyết lần này có một số điều kế thừa nhưng lại xuất hiện rất nhiều điểm mới. Rõ nét nhất là ở mục Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Thực ra, tinh thần này không mới, Nghị quyết Trung ương 5 cũng đã nói rồi. Nhưng ở đây, việc xây dựng thành mục riêng là một nét mới. Nếu chỉ phát triển kinh tế hoặc quan tâm đến con người mà không quan tâm đến văn hóa sẽ dẫn tới những hệ lụy rất lớn. Một nét mới nữa, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Trước đây, thuật ngữ “thị trường văn hóa” ít được dùng, nhưng khi hội nhập ngày càng sâu rộng, kinh tế ngày càng phát triển theo nền kinh tế thị trường, thì văn hóa không thể nằm ngoài kinh tế thị trường được.

* Thưa ông, dường như đây cũng là một lời cảnh báo?

- Nếu không cảnh báo thì bản thân văn hóa sẽ mất ngay thị trường trên sân nhà. Chẳng hạn, thị trường phim ảnh, trên truyền hình, trên các rạp, chúng ta đang đánh mất thị trường. Vì thế, trong một nghị quyết của Đảng mà đặt thẳng vấn đề như thế, tôi cho là rất đáng ghi nhận. Tất nhiên, không có nghĩa cứ đưa vào nghị quyết xong thì hôm sau đi vào cuộc sống ngay. Nhưng đã nhìn nhận được điều này có nghĩa là bước đầu đã thành công. Nhiệm vụ phía trước còn là rất lớn, rất nặng nề.

Hiểu thế nào là thị trường văn hóa, có những người vẫn hiểu rất lơ mơ khái niệm này, ngay cả với những người đang làm văn hóa. Nhưng trong nghị quyết, đặt ra vấn đề hoàn thiện thị trường văn hóa không phải là nói chơi được. Kinh tế theo thị trường thì văn hóa cũng phải theo thị trường. Nhưng cái gì theo được, cái gì thì không, chứ không phải đem cả cái nền văn hóa của chúng ta vào thị trường. Ở đây, tôi đánh giá cao nghị quyết đã đặt được vấn đề hoàn thiện nền văn hóa. Nhưng hoàn thiện thế nào lại là cả vấn đề. Vì vậy, khi triển khai nghị quyết này thì phải làm rõ hơn nữa, sâu sắc hơn nữa.

* Tinh thần mới trong nghị quyết rất đáng hoan nghênh, nhưng thưa ông, nghị quyết dù hay đến thế nào, chỉ thực sự ý nghĩa khi nó đi được vào cuộc sống?

- Nghị quyết lần trước là xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bây giờ, chúng ta nói chủ động hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Cái này vừa có tiếp thu từ Nghị quyết Trung ương 5, nhưng cái mới ở đây là “chủ động”. Trước đây, có những quan điểm cho rằng chính trị, văn hóa không cần hội nhập. Chúng ta chỉ cần hội nhập kinh tế là đủ. Nói như thế cũng có ý đúng của giai đoạn đầu, còn về bản chất thì không thể tách rời văn hóa với chính trị, không thể tách rời văn hóa với kinh tế.

Đặt ra vấn đề xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế như trong nghị quyết mới này, tôi cho là rất hay, rất đúng lúc. Nhưng đồng thời phải tổ chức thực hiện thật hay, nếu không sẽ phản tác dụng. Nói không đi đôi với làm thì sẽ hết sức nguy hiểm.

Trong nghị quyết mới này, chúng ta còn thấy đề cập đến sự chủ động hội nhập với quốc tế về văn hóa. Kinh tế đã hội nhập thì đương nhiên văn hóa cũng phải hội nhập. Nhưng chúng ta cũng có nguyên tắc “hòa nhập chứ không hòa tan”.

* Văn hóa hội nhập nhưng vẫn phải giữ gìn bản sắc, thưa ông?

- Chúng ta nhìn lại, trước đây chúng ta có nhiều cái bị động đấy. Ví dụ, nhiều cái chúng ta không thích, chúng ta phản đối, ngăn cản nhưng dần dần nó vẫn vào, có cái tràn ngập. Và sau đó, chúng ta buộc phải chấp nhận. Như vậy không phải là chủ động. Vì thế, cái ý chủ động ở đây rất hay, rất thú vị ở chỗ chúng ta chủ động chọn lọc, chắt lọc ra cái gì là tinh hoa văn hóa nhân loại, cái gì là văn hóa thời đại. Chúng ta phải nhìn trước cái thị hiếu ấy, cách thức ấy, những sản phẩm ấy… Chúng ta phải chủ động. Ở đây, cái tinh thần ấy rất mới.

* Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, theo ông, chúng ta cần phải làm gì?

- Theo tôi, khi triển khai phải làm cho toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt những người làm văn hóa nghệ thuật phải thấm nhuần hai chữ “chủ động”. Phải quán triệt và làm rõ thế nào là chủ động. Thế trước đây chúng ta đã chủ động chưa? Tôi e rằng nhiều cái chúng ta chưa chủ động, thậm chí có những cái chúng ta thụ động hoàn toàn. Chúng ta không muốn thế nhưng rồi trào lưu nó cứ tràn vào, ví như nhạc hiphop của giới trẻ chẳng hạn. Nếu chúng ta chủ động sẽ khác chứ. Hiện giờ có cảm giác nhiều cái chúng ta đang buông. Hoặc nhiều cái chúng ta làm nhưng không có hiệu quả, như một loạt các trò chơi, đồ chơi mang tính bạo lực vẫn được nhập vào. Nhìn lại những điều đó mới thấy những cái mới của bản nghị quyết lần này.

Cho nên, điều tôi muốn nói, trân trọng cách đặt vấn đề rất trúng, có tính thời sự của nghị quyết lần này. Bởi thế, phải quyết liệt thực hiện, nếu không sẽ lâm vào tình trạng phản văn hóa, vô hình trung làm giảm niểm tin. Giờ chúng ta đang cần một niềm tin, niềm tin của toàn dân tộc, nhất là trong bối cảnh hiện nay.  

* Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN THANH BÌNH thực hiện

;
.
.
.
.
.