Chiều 9-9, bà Denise Rollins, quyền Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng đoàn công tác thăm và tìm hiểu về tiến độ của dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng. Dự án do USAID phối hợp với Bộ Quốc phòng Việt Nam chính thức khởi động vào tháng 8-2012.
Theo báo cáo, từ ngày 1-7 đến hết ngày 31-7-2014, việc xử lý giai đoạn 1 gồm khoảng 45.000m3 đất và bùn nhiễm dioxin được tiếp tục. Các nhà thầu USAID đã thay đổi vài chất liệu khác nhau nhằm loại bỏ chất nhiễm bẩn hữu cơ, vô cơ trong chất lỏng và hơi nhằm bảo đảm các chất nhiễm bẩn này không thoát ra môi trường ở nồng độ thiếu an toàn.
Hệ thống sau đó được tái khởi động vào đầu tháng 8 nhằm tiếp tục nung nóng đất và bùn bên trong mố xử lý cho đến khi nhiệt độ đạt đến 335ºC, mức nhiệt đủ để phá hủy dioxin. Nhằm theo dõi kết quả của dự án, việc lấy mẫu chất lỏng và hơi từ mỗi đơn nguyên xử lý chính và từ các điểm xả chất lỏng và hơi cuối cùng sẽ được tiếp tục cho đến khi việc xử lý mố hoàn tất.
Trong khi đất và bùn được nung nóng trong giai đoạn 1, các nhà thầu của USAID tiếp tục đào xúc đất và bùn giai đoạn 2. Các nhà thầu vẫn kiểm tra, theo dõi bụi và nước thải nhằm bảo đảm các chất nhiễm bẩn không thoát ra bên ngoài khu vực dự án. Đất và bùn đào xúc được tập kết tạm thời ở một khu vực được lót nền và che phủ trên mặt trong khi chờ xử lý trong giai đoạn 2.
Các nhà thầu của USAID quan trắc, kiểm tra và thử nghiệm rộng rãi môi trường (không khí, nước, đất), thiết bị và vật liệu xây dựng nhằm bảo đảm người dân bên ngoài vùng dự án không bị tác động bởi sự nhiễm bẩn. Các hoạt động này cũng bao gồm lấy mẫu xác nhận từ đáy và vách khu vực đào xúc nhằm bảo đảm đất, bùn còn lại thỏa mãn các tiêu chí làm sạch của dự án. Nếu các mẫu xác nhận cho thấy dioxin vẫn còn hàm lượng vượt quá tiêu chí làm sạch thì sẽ tiến hành đào xúc thêm. Sau đó, mẫu xác nhận từ giới hạn mới của khu vực đào xúc sẽ được tiếp tục thu thập nhằm bảo đảm đạt các tiêu chí làm sạch.
ĐẮC MẠNH