.
Đối thoại đầu tuần

Hành động của Trung Quốc rất nguy hiểm

.

Tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6, khi đánh giá về tình hình Biển Đông gần đây và chính sách của các bên liên quan, nhiều học giả cho rằng, sự gia tăng về số lượng và cường độ hoạt động của các lực lượng bán quân sự và lực lượng phi chấp pháp tại Biển Đông là một trong những nguyên nhân dẫn tới những căng thẳng tại khu vực này.

Đáng chú ý, việc Trung Quốc mở rộng, bồi đắp quy mô lớn trên các bãi đá ở Trường Sa đang làm “thay đổi nguyên trạng” ở Biển Đông. Báo Đà Nẵng đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Hoàng Việt - Giảng viên trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông về vấn đề này.

Tiến sĩ Hoàng Việt trả lời phỏng vấn về việc Trung Quốc đang làm “thay đổi nguyên trạng” ở Biển Đông.  				 Ảnh: GIA HUY
Tiến sĩ Hoàng Việt trả lời phỏng vấn về việc Trung Quốc đang làm “thay đổi nguyên trạng” ở Biển Đông. Ảnh: GIA HUY

* Thưa ông, hành động đơn phương xây dựng quy mô lớn ở một số thực thể trên quần đảo Trường Sa có phải là mục đích Trung Quốc muốn biến nơi không có con người sinh sống thành các thực thể có con người sinh sống để qua đó tạo thành vùng truyền thống?

- Nhiều thực thể địa lý, cấu trúc địa lý trên Hoàng Sa và Trường Sa chỉ là bãi đá hoặc bãi nửa nổi nửa chìm. Tuy nhiên, quan điểm của Trung Quốc cho rằng đảo đã có người ở và nó sẽ có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Tiềm lực quân sự Trung Quốc đặt tàu sân bay thì rất khó, nhưng nếu họ cải tạo được bãi đá này, Trung Quốc có được tàu sân bay không chìm thì mục tiêu khống chế được Biển Đông là rất lớn. Khi họ cải tạo được những thực thể địa lý này thì có thể sẽ tiến tới, như một số học giả Đài Loan và Nhật Bản đã dự báo, là khả năng Trung Quốc sẽ tuyên bố vùng nhận diện phòng không trên khu vực Trường Sa và Biển Đông.

* Hiện Trung Quốc không phải là bên duy nhất thực hiện xây dựng cải tạo trên Biển Đông mà các quốc gia khác cũng đã làm điều này, vậy ông giải thích về vấn đề này như thế nào?

- Đúng vậy, không chỉ Trung Quốc mà còn có các quốc gia khác cũng đã cải tạo. Tuy nhiên,  quy mô và mục đích xây dựng, cải tạo của từng quốc gia có khác nhau. Chẳng hạn, Việt Nam cải tạo một số đảo phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn để ngư dân đến trú bão chứ không phải cải tạo nó làm căn cứ quân sự lớn với các đường băng. Hành động của Việt Nam không làm phương hại đến các quốc gia khác. Còn hành động của Trung Quốc không chỉ ở vùng Biển Đông mà còn ở cả vùng biển Hoa Đông là rất nguy hiểm.

* Vậy, với những lo ngại trên, căn cứ vào đâu để Trung Quốc mở rộng, bồi đắp quy mô lớn trên các bãi đá ở Trường Sa đang làm “thay đổi nguyên trạng” ở Biển Đông ?

- Điều này phải nói lại cho rõ là cả thế giới lo ngại về yêu sách của Trung Quốc về đường lưỡi bò trên Biển Đông hoặc đường chín đoạn. Nhưng cho đến bây giờ Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa đưa ra được lập luận về đường chín đoạn này.

Tuy nhiên, họ đưa ra 4 cách lý giải. Trong đó có một lý giải rằng, họ có chủ quyền trên 4 cái nóc của các quần đảo lớn ở Biển Đông, trong đó bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, theo học giả các nước, trừ Trung Quốc và Đài Loan, đảo nhân tạo không có vùng đặc quyền kinh tế mà chỉ có vùng an toàn tối đa 500m mà thôi.

Trung Quốc không có quyền liên quan đối với EEZ

“Chiểu theo chế độ pháp lý và mục đích của Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), chúng ta có thể thấy rõ tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông. Quá trình đàm phán Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) và các phán quyết tòa án quốc tế cho thấy rằng, quyền chủ quyền đối với tài nguyên trong vùng EEZ ở Biển Đông đều có lợi cho Việt Nam. Dù Trung Quốc đã chiếm đóng Hoàng Sa, hoặc đưa ra yêu sách đường chín đoạn, cũng không thể làm thay đổi quyền hợp pháp của Việt Nam đối với vùng EEZ này.

Thứ nhất, dù đưa ra yêu sách mở rộng đối với các thực thể đất hay bãi ngầm mà Trung Quốc đã xâm chiếm bằng vũ lực ở ngoài khơi Việt Nam, Trung Quốc vẫn không có danh nghĩa pháp lý về lãnh thổ, hay các quyền liên quan đối với vùng EEZ do các thực thể đó tạo ra.

Thứ hai, Việt Nam có quyền chủ quyền đối với tài nguyên trong vùng EEZ của mình trên cả phương diện lý thuyết và quy định pháp lý về vùng EEZ. Mục đích ra đời của EEZ là nhằm bảo vệ cư dân đánh cá ven biển, không phải là khu vực đất đai mở rộng hoặc khu công nghiệp ngoài khơi”.

GS, TS. James Charles Kraska

Trung tâm Nghiên cứu Luật Quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ

GIA HUY thực hiện

;
.
.
.
.
.
.