Giống như các địa phương khác, thời gian qua tại Đà Nẵng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường trong khu dân cư, điều mà từ trước đến nay chưa từng xảy ra. Tin đồn về việc có một âm mưu thâm độc thả rắn hại người càng khiến sự việc trở nên nghiêm trọng, gây hoang mang trong dư luận.
![]() |
Anh Lê Viên Dũng (40 tuổi, quê Nông Sơn, Quảng Nam) bị rắn lục cắn đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. |
Bất thường
Vừa xới tung lớp đất trước nhà để trồng sả, anh Trần Đạo Trung (trú tổ 4, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) vẫn chưa hết lo lắng, kể lại: “Tối 15-11, khi cả nhà đang chuẩn bị ăn cơm thì bất ngờ có một con rắn bò từ ngoài sân vào thẳng phòng khách trong nhà. Quá bất ngờ và hoảng sợ, vợ tôi bế con chạy thẳng ra sau bếp, tôi lấy vội cây chổi cạnh đó đập chết con rắn khi nó đang cố bò vào gầm tủ. Hồi trước ở quê, tôi có gặp loài này một vài lần nên biết rõ đây là rắn lục đuôi đỏ”.
Hai gia đình hàng xóm của anh Trung cũng đập được 3 con rắn lục bò vào nhà. “Khu dân cư chưa có đèn đường, đất trống cây bụi mọc um tùm xung quanh, tôi đang tính gửi mấy đứa nhỏ về nhà ngoại chứ ở vậy nguy hiểm quá”, anh Phạm Thành, hàng xóm anh Trung cho biết. Những gia đình này đã trồng cây nén, sả trước nhà theo kinh nghiệm của dân gian, đồng thời lấy thép rào kín cửa để hạn chế rắn bò vào nhà.
Liên tiếp những ngày sau đó, thông tin rắn lục đuôi đỏ bò vào nhà dân ở các khu dân cư được truyền tai nhau. Ngày 20-11, anh Nguyễn Văn Thọ (trú tổ 203, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), trong lúc dọn vườn cũng phát hiện và đập chết một con rắn tại khu miếu Lớn.
Sáng 23-11, ông Lê Văn Thìn (trú phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) trong lúc làm vườn trồng hoa cảnh trên đường Nguyễn Hữu Thọ cũng phát hiện hai con rắn lục đuôi đỏ. “Tôi làm vườn ở đây đã nhiều năm, trước kia cũng thỉnh thoảng gặp rắn nhưng không phải loại này”, ông Thìn cho biết.
Thông tin rắn lục đuôi đỏ xuất hiện trong khu dân cư cũng được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội. Nhiều thành viên còn cung cấp thêm một số thông tin, hình ảnh về rắn lục đuôi đỏ ở khắp nơi và tỏ ra rất lo lắng, hoang mang. Một số thành viên còn đồn thổi rằng có một âm mưu thâm độc thả rắn vào khu dân cư hại người càng khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.
Không nên quá lo lắng
Ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng, cho biết đến thời điểm hiện tại đơn vị ông vẫn chưa nhận được thông tin về việc rắn lục đuôi đỏ xuất hiện và tấn công người dân.
“Chúng tôi cũng chỉ biết qua báo chí và ở các địa phương khác. Riêng ở Đà Nẵng thì trước đó anh em trong đơn vị có đi thực tế và phát hiện loài này tại bán đảo Sơn Trà một vài con. Việc rắn lục xuất hiện ở khu dân cư mới chỉ nghe tin truyền miệng của người dân và chúng tôi chưa có kế hoạch gì. Nếu sự việc nghiêm trọng như các địa phương khác thì chắc chắn sẽ xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố để có phương án xử lý”, ông Lương cho biết.
Trước thông tin đồn thổi về việc xuất hiện một nhóm đối tượng chuyên đi thả rắn hại người, Thượng tá Đặng Văn Khuôn, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an thành phố, cho biết đến thời điểm hiện tại chỉ là thông tin đồn thổi gây hoang mang như ở các địa phương khác; PC49 chưa phát hiện trường hợp nào có hành vi như thế này.
“Việc buôn bán, vận chuyển động vật quý hiếm sẽ bị nghiêm cấm và xử phạt theo quy định của pháp luật. Sử dụng những động vật nguy hiểm để hại người dân càng bị nghiêm trị, nếu có động cơ như vậy thì tuyệt đối người dân không vì hám lợi mà tiếp tay cho kẻ xấu”, Thượng tá Khuôn nói. Đại diện PC49 cũng khuyến cáo người dân, nếu phát hiện trường hợp nào có hành vi trên thì lập tức báo cho cơ quan chức năng để xử lý, không nên nghe theo tin đồn, thêu dệt thêm làm sự việc càng thêm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến tâm lý của mọi người.
Chiều 22-11, trao đổi qua điện thoại, TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, cho biết không riêng gì Đà Nẵng mà rắn lục đuôi đỏ đã xuất hiện ở nhiều nơi. Theo TS Long, loài này chỉ sống ở nơi ẩm thấp, bụi rậm và cắn người khi bị đe dọa theo kiểu tự vệ chứ hoàn toàn không chủ động tấn công. Việc rắn xuất hiện bất thường, bò tràn lan trong khu dân cư có thể là do môi trường sống ô nhiễm, bị phá vỡ hay có sự thay đổi địa chất bên trong lòng đất. Ngoài ra, thời tiết đang ấm dần lên như năm nay cũng là điều kiện thuận lợi để chúng sinh sôi nhanh chóng.
Trong khi đó, theo ThS, BS Lâm Trọng Cơ, Trưởng phòng Cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, rắn lục đuôi đỏ tuy là loài rắn độc nhưng độc tố của nó chỉ gây hoại tử nếu không được chữa trị, rất khó gây tử vong.
“Người dân cũng không nên quá lo lắng khi loài này xuất hiện càng nhiều, quan trrọng là phải chủ động phòng tránh, đặc biệt là biết cách xử lý khoa học khi bị rắn cắn, tránh những hậu quả không đáng có. Khi bị rắn cắn, độc tố sẽ theo hệ bạch huyết vào cơ thể nên việc nặn, hút máu ở vết rắn cắn là không mang lại hiệu quả. Không nên dùng vật sắc nhọn để rạch vết thương vì dễ gây nhiễm trùng, nếu gặp chứng rối loạn đông máu phổ biến ở nọc độc rắn thì rất dễ gây mất máu cấp. Tuyệt đối không ga-rô vết thương vì làm như vậy sẽ ngăn cản tuần hoàn, lưu thông máu”.
Theo BS Lâm Trọng Cơ, khi bị rắn cắn nên lấy vải hoặc dây thun băng ép đoạn trên vết cắn để hạn chế hoạt động của hệ bạch huyết đồng thời dùng các vật cứng nẹp cố định khu vực bị cắn, hạn chế vận động làm giảm quá trình trao đổi chất trước khi chuyển đến bệnh viện để được điều trị”. Ngoài ra, người dân cần phát quang bụi rậm, giữ gìn vệ sinh khu vực mình sinh sống và mang các loại bảo hộ lao động cần thiết khi làm việc trong môi trường có nhiều cây, bụi…
Bài và ảnh: PHAN CHUNG