Chính trị - Xã hội

Bạo lực gia đình và những hệ lụy

07:39, 29/12/2014 (GMT+7)

Bạo lực gia đình là vấn đề mà cả xã hội đang rất quan tâm, nó ảnh hưởng tới đời sống của rất nhiều người mà đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và là nguyên nhân chủ yếu gây những tổn thương nghiêm trọng về thể chất, tinh thần của các thành viên gia đình, tác động xấu đến đời sống cá nhân, xã hội và cộng đồng.

Công tác phòng chống bạo lực gia đình được lồng ghép vào nhiều hoạt động, tạo hiệu quả trong xã hội.
Công tác phòng chống bạo lực gia đình được lồng ghép vào nhiều hoạt động, tạo hiệu quả trong xã hội.

Gia đình là tế bào của xã hội, cái nôi nuôi dưỡng và giáo dục trẻ thơ, nơi trở về sau mỗi lần vấp ngã đối với mỗi con người. Gia đình đóng vai trò quan trọng trong vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, bạo lực gia đình đang trở thành một trong những nguy cơ biến gia đình thành “địa ngục trần gian”, làm xói mòn các giá trị, chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phá vỡ sự bền vững của gia đình.

Dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạo lực gia đình không chỉ để lại hậu quả về thể chất, tinh thần, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực tương lai của đất nước mà còn thiệt hại về mặt kinh tế - xã hội. Bạo lực đã và đang là vấn đề nhức nhối khiến dư luận, xã hội đặc biệt quan tâm.

Mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, nguyên nhân dẫn đến việc bạo hành cũng không giống nhau, nhưng nạn nhân chủ yếu là ở nhóm phụ nữ, trẻ em. Sự tồn tại của bạo lực gia đình có liên quan đến nhận thức không đầy đủ của người dân, sự quan tâm chưa đầy đủ ở một số cơ quan có thẩm quyền về hành vi bạo lực gia đình.

Điều đáng nói là một số nạn nhân của bạo lực gia đình có thái độ cam chịu, chấp nhận hành vi bạo lực gia đình, cho rằng đó là “việc riêng của gia đình”. Do sự cam chịu của người phụ nữ trong gia đình, không muốn tố cáo, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, vì sợ xấu hổ với người thân và làng xóm, giữ gìn thể diện vì “xấu chàng hổ ai”, cộng thêm sự bất bình đẳng giới, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, quan niệm gia trưởng ít nhiều vẫn còn và tồn tại trong xã hội, nhiều yếu tố về văn hóa, kinh tế - xã hội…, những yếu tố đó góp phần duy trì vấn nạn này.

Theo đánh giá, thống kê của Sở

VH-TT&DL về vấn đề phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong 5 năm (2009-2013), nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình là do sự thiếu hiểu biết pháp luật và các quy chuẩn xã hội của cả vợ chồng và các con, cũng như trình độ học vấn thấp; do sự suy thoái về đạo đức lối sống; các tệ nạn xã hội như nghiện rượu, cờ bạc; do mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình về kinh tế... và nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình phần lớn là phụ nữ.

Trong số 1.102 vụ bạo lực gia đình thì nạn nhân bạo lực gia đình nhiều nhất là phụ nữ: 1.064 vụ, người cao tuổi: 9 vụ, trẻ em 2 vụ; hình thức bạo lực thân thể là 972 vụ, bạo lực tinh thần 3 vụ, bạo lực tình dục 3 vụ, bạo lực kinh tế 71 vụ.

Trong những năm qua, Công đoàn thành phố đã tích cực chỉ đạo các cấp Công đoàn xây dựng kế hoạch tổ chức, triển khai các giải pháp can thiệp PCBLGĐ; phối hợp với các cấp chính quyền, các ngành hưởng ứng tích cực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng; tập huấn, trang bị kỹ năng cho cán bộ Công đoàn và CNVCLĐ về công tác gia đình, về giới, bình đẳng giới...

Đồng thời, tư vấn chia sẻ các nội dung về những quy định của pháp luật đối với vấn đề quyền của phụ nữ, trẻ em; về các biện pháp để giúp gia đình luôn giữ được ngọn lửa ấm áp, bình yên; sự quan tâm, chia sẻ quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, cách phòng tránh các xung đột dẫn đến bạo lực giới, BLGĐ, xây dựng gia đình công nhân, lao động no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Nội dung PCBLGĐ cũng được cụ thể hóa, lồng ghép vào các hoạt động Công đoàn, vào phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”…; phát động và vận động đoàn viên, CNVCLĐ hưởng ứng và thực hiện phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”…, gắn nội dung PCBLGĐ với việc đăng ký và bình xét danh hiệu phụ nữ “2 giỏi”, “Gia đình văn hóa”.

Nhờ trang bị kiến thức về luật PCBLGĐ cho người lao động và sự phối hợp đồng bộ của chính quyền và các đoàn thể, công tác PCBLGĐ được lồng ghép vào chương trình công tác của địa phương, đơn vị nên số vụ BLGĐ có chiều hướng giảm. Năm 2009, toàn thành phố có 334 vụ BLGĐ thì đến năm 2012 giảm còn 239 vụ, 6 tháng đầu năm 2014 là 94 vụ.

Bài và ảnh: MINH TUẤN

.