Chính trị - Xã hội

Lại "nóng" nạn mại dâm

07:54, 26/12/2014 (GMT+7)

Thời gian qua, công tác phòng, chống mại dâm, ma túy đã được Đà Nẵng triển khai thực hiện đồng bộ. Tuy nhiên, kể từ khi không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm thì tình hình tệ nạn mại dâm có chiều hướng gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp.

Đội kiểm tra liên ngành quận Liên Chiểu lập biên bản xử phạt hành chính một cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn.                   					                Ảnh: BÌNH AN
Đội kiểm tra liên ngành quận Liên Chiểu lập biên bản xử phạt hành chính một cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn. Ảnh: BÌNH AN

“Bắt cóc bỏ dĩa”

Đầu tháng 12, gái bán dâm Nguyễn Thị T. (52 tuổi, quận Hải Châu) và khách làng chơi Huỳnh Duy Đ. bị Công an phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) bắt quả tang tại nhà trọ T.T. Biên bản xử phạt được lập với mức phạt từ 300.000 - 750.000 đồng và được thả…

Mặc dù ráo riết kiểm tra, xử phạt nhưng với mức xử phạt chỉ vài trăm ngàn đồng rồi được thả nên nhiều gái làng chơi vẫn “ngựa quen đường cũ”. Thậm chí, nhiều trường hợp dây dưa không nộp phạt. “Mức phạt thấp nhưng rất khó thu bởi họ không muốn nộp phạt hoặc lấy lý do không có tiền nộp phạt. Mà phạt rồi lại thả thì cũng như “bắt cóc bỏ dĩa”, một thành viên của Đội kiểm tra liên ngành 814 cho biết.

Theo thông tin từ Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng (Chi cục), toàn thành phố có hiện có hơn 1.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm với hơn 4.000 nhân viên nữ đang làm việc. Trong đó có hơn 200 nhân viên có biểu hiện, nghi vấn hoạt động mại dâm. Thời gian gần đây, từ khi có quy định không đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người có hành vi bán dâm thì nạn mại dâm ở Đà Nẵng có chiều hướng gia tăng, ngày càng phức tạp.

Cần giải pháp căn cơ

Trước tình hình trên, Chi cục đã phối hợp với lực lượng Công an và Phòng LĐ-TB&XH các quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ thường xuyên kiểm tra các tụ điểm, tuyến đường có người mại dâm hoạt động. Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm và hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa thành phố, các quận, huyện đã tổ chức kiểm tra hơn 600 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, qua đó nhắc nhở hơn 500 cơ sở, phát hiện 94 cơ sở vi phạm.

Đoàn đã đề nghị cơ quan chức năng phạt cảnh cáo 58 cơ sở, phạt hành chính 94 cơ sở với số tiền hơn 300 triệu đồng, trong đó đình chỉ hoạt động 6 cơ sở, phạt tiền 4 người có hành vi mua bán dâm. Bên cạnh đó, việc khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên nữ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng được triển khai. Phòng LĐ-TB&XH các quận phối hợp với Trung tâm Y tế quận tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên nữ tại các cơ sở massage, bar và karaoke, qua đó phát hiện 10 nhân viên bị viêm gan B, 1 nhân viên nhiễm HIV và 1 nhân viên bị bệnh giang mai.

Các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm đã được thông báo ngừng làm việc để đi điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Việc tư vấn, giúp đỡ chị em có nguy cơ hoạt động mại dâm được triển khai ở phường Hải Châu 1 và phường Bình Hiên (quận Hải Châu). Đã có 3 chị em hoàn lương được vay 50 triệu đồng và hỗ trợ vốn cho một chị để buôn bán nhỏ.

Tuy nhiên, cơ chế pháp luật xử lý tệ nạn mại dâm hiện nay chưa đủ mạnh, các hình thức xử lý hành chính chưa phát huy hiệu quả. Theo ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục, kinh phí phục vụ chương trình phòng, chống mại dâm còn thấp; công tác quản lý, dạy nghề và tạo việc làm cho người bán dâm sau khi xử phạt hành chính gặp nhiều khó khăn. “Cần có hướng dẫn xử lý người bán dâm không có nơi cư trú ổn định vì phần lớn đối tượng này dễ sa ngã vào con đường phạm tội; đồng thời dễ bị kẻ xấu lợi dụng, xâm hại”, ông Hùng nói.

MỸ DUYÊN

.