Theo Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ, Đà Nẵng được bình chọn là thành phố môi trường nhưng thực tế lại rất nóng về môi trường. Chủ tịch HĐND thành phố kết luận: Việc xử lý ô nhiễm sông Phú Lộc phải làm bằng được và làm dứt điểm.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ điều hành phiên chất vấn tại hội trường. Ảnh: VĂN NỞ |
Chiều 10-12, kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố bước vào phiên chất vấn. Vấn đề ô nhiễm môi trường, chống ngập lại được đặt ra.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Điểu nhận được nhiều câu hỏi chất vấn xoay quanh giải pháp căn cơ để dứt điểm các điểm nóng ô nhiễm kéo dài như: Âu thuyền Thọ Quang, sông Phú Lộc, các bãi tắm du lịch…
Xử lý dứt điểm ô nhiễm sông Phú Lộc
Ông Nguyễn Điểu cho biết, dự án cải tạo sông Phú Lộc thuộc dự án hạ tầng ưu tiên vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB). Để xử lý mùi hôi, chỉ có giải pháp tình thế là phun chế phẩm khử mùi EM, nhưng xử lý dứt điểm thì phải chờ nguồn vốn của WB và đến năm 2017 mới triển khai. Ông Điểu thừa nhận, điểm nóng môi trường sông Phú Lộc gây bức xúc kéo dài cho người dân nhưng muốn xử lý dứt điểm thì đề nghị thành phố cân đối ngân sách để làm ngay và sẽ xử lý xong trong một năm.
Đối với ô nhiễm môi trường âu thuyền Thọ Quang, ông Điểu cho biết, hệ thống xử lý nước thải Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang chưa hoàn chỉnh. Thành phố đã có dự án hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, sẽ triển khai và hoàn thành trong năm 2015. Về vấn đề nước thải theo nước mưa tràn ra biển ở các bãi tắm du lịch, ông Điểu nói rằng, cần tách được nguồn nước mưa riêng khỏi nước thải thì mới xử lý dứt điểm mùi hôi, giải pháp này thuộc dự án phát triển bền vững của thành phố nên đề nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo triển khai nhanh để xử lý dứt điểm vấn đề này.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Hoàng Sơn không hài lòng về giải trình của ông Nguyễn Điểu. Theo ông Sơn, việc xử lý các điểm nóng môi trường lâu nay theo kiểu chắp vá, chưa có giải pháp căn cơ nên ô nhiễm sông Phú Lộc đã được chất vấn qua gần 3 nhiệm kỳ HĐND thành phố và nếu không làm dứt điểm thì sẽ còn chất vấn nữa. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Như Hồng đề nghị trong năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu với UBND thành phố tổ chức hội thảo khoa học để tìm giải pháp căn cơ xử lý dứt điểm các điểm nóng môi trường và xem đây là một trong những nội dung của “Năm Văn hóa - Văn minh đô thị 2015”.
Theo Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ, Đà Nẵng được bình chọn là thành phố môi trường nhưng thực tế lại rất nóng về môi trường. Chủ tịch HĐND thành phố kết luận: Việc xử lý ô nhiễm sông Phú Lộc phải làm bằng được và làm dứt điểm. Đây là một trong 10 công trình trọng điểm của thành phố phải hoàn thành trong năm 2015. Làm không xong phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu Sở Tài nguyên và Môi trường.
Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu, đầu năm 2015 phải khởi công ngay công trình Trạm xử lý nước thải Sơn Trà nhằm tách nước thải khỏi nước mưa đổ ra các bãi tắm du lịch. Riêng với điểm ô nhiễm âu thuyền Thọ Quang, tạm thời xử lý bằng giải pháp tình thế và sẽ tiếp tục giải quyết dứt điểm.
“Trả lời như vậy là nói cho xong!”
"Đừng nghĩ là chuyện nhỏ mà đánh mất niềm tin của người dân. Phát hiện 2 hồ sơ (các cán bộ thông đồng để trục lợi) nhưng mới cảnh cáo thì làm sao lấy lại được niềm tin của người dân. Nếu nhân viên hợp đồng sai phạm thì cho nghỉ việc, nếu nhân viên Nhà nước phải xử lý nghiêm hơn. Đừng làm mất uy tín, ảnh hưởng niềm tin của người dân đối với Đảng. Mất niềm tin là mất tất cả." Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ |
Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Việt Hùng nhận được 12 câu hỏi chất vấn, trong đó các ĐB quan tâm nhiều đến vấn đề chống ngập.
Ông Phạm Việt Hùng cho biết, trong 3 năm (2012-2014), thành phố đã chi 291 tỷ đồng để chống ngập. Đối với các điểm ngập tại 2 thôn Đông Hòa, Cồn Mong (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang); 15 hộ dân bị ngập do dự án treo Phần Lăng 2; các điểm ngập ở đường Đỗ Quang, Quang Trung; công trình thoát lũ tránh gây ngập cho người dân ở xã Hòa Liên; cống thoát nước từ sân bay Đà Nẵng ra phường Khuê Trung..., điểm nào ông Hùng cũng cho biết sẽ có giải pháp (!).
Không đồng tình với phần trả lời của Giám đốc Sở Xây dựng, ĐB Nguyễn Hoàng Sơn nhấn mạnh: Các điểm ngập đường Quang Trung, Đỗ Quang, Lê Đình Lý tồn tại rất nhiều năm nhưng không được xử lý dứt điểm và việc xử lý rất chậm. ĐB Nguyễn Thị Phượng hỏi rằng, Sở Xây dựng có dám hứa trong năm 2015 sẽ chấm dứt được điểm ngập do cống chảy từ sân bay Đà Nẵng ra phường Khuê Trung. Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Việt Hùng cho biết, ông không dám hứa trước (!).
Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ chất vấn: Việc xây dựng dự án và dự toán kinh phí cho các công trình chống ngập đã có sự trao đổi giữa Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và đã trình UBND thành phố chưa? Khi lãnh đạo cả hai Sở cho biết, đã trao đổi về vấn đề này nhưng chưa trình UBND thành phố, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ cho rằng, trả lời như vậy là nói cho xong!
Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp. Ảnh: VĂN NỞ |
“Tùy sai phạm mà xử lý nghiêm”
Trả lời chất vấn của ĐB Đặng Công Thắng về tình hình tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân, Chánh Thanh tra thành phố Phan Tấn Tuyền cho biết, trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo thành phố hết sức quan tâm chỉ đạo và có những hành động quyết liệt. Theo ông Tuyền, giải pháp hiện nay là tăng cường giáo dục, tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện tốt việc kê khai tài sản…
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Quốc Bình về việc cấp đất sai đối với hai trường hợp ở Thanh Lộc Đán và ở đường 30 Tháng 4, ông Phan Tấn Tuyền cho biết, UBND thành phố đã giao Thanh tra thành phố làm trưởng đoàn kiểm tra, rà soát về bố trí đất tái định cư của Ban Giải tỏa đền bù thì trong 122 trường hợp, có 30 trường hợp với 41 lô đất, Trưởng ban đã vượt thẩm quyền.
“Chúng tôi đã tiến hành rà soát, về trách nhiệm cá nhân, trong 30 hồ sơ với 41 lô đất, chỉ có 39 lô đất vượt thẩm quyền nhưng không phát hiện được vụ lợi trong vụ việc này”, ông Tuyền khẳng định. Riêng đối với hai trường hợp nói trên, ông Tuyền cho biết, Thanh tra thành phố đã đề nghị UBND thành phố thu hồi và tiếp tục làm rõ trách nhiệm.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Quốc Bình cho rằng, Thanh tra thành phố đã kết luận là sai nguyên tắc, vượt thẩm quyền thì có tham nhũng không và tại sao không chuyển cho cơ quan Công an điều tra xử lý. “Tôi không có chức năng điều tra. Tôi sẽ tham mưu, đề xuất và nếu cần thiết chuyển qua cơ quan điều tra. Dứt khoát không có thỏa hiệp trong chuyện này”, ông Tuyền khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Anh, Trưởng ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 3 khẳng định, có 2 hồ sơ các cán bộ thông đồng để trục lợi trong việc kê khống khối lượng không đúng thực tế và đã phát hiện, xử lý cảnh cáo.
Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ hoan nghênh ý kiến của Ban Pháp chế và ĐB Nguyễn Quốc Bình về việc giám sát 30 hồ sơ với 41 lô đất cấp không đúng đối tượng. Ông Trần Thọ cho biết, lãnh đạo thành phố đã có ý kiến chỉ đạo nghiêm túc để UBND thành phố có thông báo kết luận việc này. “Với chức năng là cơ quan thường trực phòng, chống tham nhũng, đề nghị đồng chí Phan Tấn Tuyền có trách nhiệm làm rõ, công khai, minh bạch và xử lý theo đúng quy định luật pháp. Tùy sai phạm mà xử lý nghiêm và báo cáo trước nhân dân thành phố”, ông Trần Thọ nói.
Cần phối hợp để xử lý nạn cờ bạc Trả lời về hiện tượng đánh bạc nổi lên trong thời gian gần đây ở các quán cà-phê, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công an thành phố, xác nhận hiện tượng đánh bạc không chỉ xảy ra ở các quán cà-phê mà có hầu hết ở 56 phường, xã trên địa bàn thành phố. Trong năm 2014, Công an thành phố đã phát hiện 448 vụ với hơn 1.700 đối tượng vi phạm đánh bạc dưới nhiều hình thức nên cần có sự phối hợp giữa các cấp, ngành để xử lý nạn cờ bạc. Về việc xuất hiện 3 con chim bồ câu có ghi chữ Trung Quốc ở Hòa An (quận Cẩm Lệ) và huyện Hòa Vang, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn cho biết, 3 con chim này không biết xuất phát từ đâu nhưng qua kiểm tra thì dưới chân có gắn một cái thẻ như thẻ nhớ và có chữ Trung Quốc. Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ đề nghị Công an thành phố sớm kiểm tra và báo cáo kết quả trong thời gian sớm nhất. |
SƠN TRUNG - ĐOÀN LƯƠNG