Chính trị - Xã hội
Đà Nẵng 2014: 10 sự kiện tiêu biểu
Năm 2014, thành phố Đà Nẵng tiếp tục tạo dấu ấn riêng trên cả nước với nhiều thành tựu nổi bật, từ việc xây dựng kết cấu hạ tầng đến các chính sách an sinh xã hội, đầu tư cho văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và hướng đến một thành phố yên bình, đáng sống. Báo Đà Nẵng bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu năm 2014 của thành phố.
1. Lãnh đạo Trung ương thăm, làm việc tại Đà Nẵng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thăm dự án công trình nút giao thông ngã ba Huế.Ảnh: VĂN NỞ |
Trong năm 2014, các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm, làm việc với thành phố Đà Nẵng. Tại các buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo đều đánh giá cao thành tựu của thành phố, khẳng định Đà Nẵng là địa bàn chiến lược của khu vực và cả nước, có bước phát triển khá toàn diện và rõ nét.
Đà Nẵng có nhiều sáng tạo, linh hoạt trong cách làm và đã mang lại thành công. Điều quan trọng là cần sớm rút ra những bài học kinh nghiệm từ những cách làm đó để tiếp tục phát triển hơn nữa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Đà Nẵng có bước phát triển nhanh và khá toàn diện, tạo dấu ấn rõ nét. Thương hiệu Đà Nẵng được ghi nhận, đánh giá không chỉ trong nước mà cả nước ngoài”.
Các buổi làm việc quan trọng này đã đề ra những chủ trương, chính sách đúng đắn về một số cơ chế đặc thù đầu tư, tài chính, ngân sách và giải quyết một số vấn đề bức xúc của thành phố Đà Nẵng.
2. Thủ tướng Chính phủ đồng ý những kiến nghị quan trọng của Đà Nẵng
Chiều 14-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Đà Nẵng về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 và quý 1-2014. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố ngày 25-12 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý về nguyên tắc đối với các đề xuất của thành phố. Đó là những nội dung quan trọng như: Chính phủ sớm ban hành Nghị định về cơ chế ưu đãi đặc thù đối với thành phố Đà Nẵng; cơ chế huy động và điều tiết nguồn thu ngân sách, giải quyết vốn cho các công trình hạ tầng chủ yếu, tạo điều kiện phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; kiến nghị Trung ương xem xét tách huyện Hòa Vang thành hai đơn vị hành chính cấp quận; thành lập Sở Du lịch và một số vấn đề quan trọng khác.
3. Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014
Sản xuất giày tại Công ty CP sản xuất và thương mại Hữu Nghị. Ảnh: ĐỨC THỊNH |
UBND thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai Chương trình hoạt động Năm doanh nghiệp; xây dựng Đề án phát triển doanh nghiệp, Đề án tái cơ cấu kinh tế thành phố đến năm 2020; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lập đường dây nóng, tổ chức gặp mặt, đối thoại trực tiếp, xử lý những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Đặc biệt, đã rà soát, điều chỉnh nhiều chủ trương, chính sách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, như chủ trương bố trí sử dụng có hiệu quả đất đai trong các khu công nghiệp và dự án ven biển; đẩy mạnh hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản vay cũ về mức dưới 13%/năm; tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Các chương trình, chính sách cụ thể đó đã hỗ trợ doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong năm.
Đáng chú ý, nguồn thu từ các doanh nghiệp đã trở thành nguồn thu ngân sách chủ yếu của thành phố, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP (gần 50%).
4. Xử lý dứt điểm nợ đất tái định cư
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ kiểm tra các dự án tái định cư trên địa bàn quận Cẩm Lệ. Ảnh: Việt Dũng |
Thành phố tiến hành tổng rà soát, kiểm tra quỹ đất và từng lô đất nợ tái định cư trên toàn địa bàn thành phố với tổng số nợ 1.411 hộ/1.789 lô, qua đó chỉ đạo xử lý từng trường hợp cụ thể, bảo đảm công bằng, công khai, dân chủ, đúng quy định. Đồng thời rà soát quỹ đất còn lại trên địa bàn, phát hiện thừa 14.500 lô đất tái định cư để có cơ sở cân đối quỹ đất tái định cư, giảm áp lực đầu tư mới hạ tầng, chuyển quyền sử dụng đất cho cán bộ, công chức và nhân dân.
Đến cuối năm 2014, gần 100% số hộ có nợ tái định cư đã được bố trí đất ở, làm nhà ở mới, ổn định cuộc sống. Chủ trương xử lý nợ đất tái định cư được nhân dân đồng tình, ngợi khen tinh thần vào cuộc quyết liệt của chính quyền thành phố. Qua đó, lập lại trật tự trong chính sách đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, thành phố đã xử lý rốt ráo sai phạm về sử dụng nhà chung cư đối với 116 trường hợp; ban hành quy định chặt chẽ về quản lý nhà chung cư.
5. Khánh thành nhiều công trình lớn
Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng. |
Trung tâm Hành chính thành phố chính thức được đưa vào sử dụng ngày 8-9-2014. Công trình có tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng là công trình xây dựng cấp đặc biệt, cao 166,8m, gồm 34 tầng nổi và 2 tầng hầm (diện tích sàn 15.896m2 dùng để bố trí gara ô-tô, xe máy, các phòng kỹ thuật và căng-tin phục vụ với sức chứa 1.004 người), tổng diện tích sàn 65.234m2. Đây được xem là tòa nhà thông minh hàng đầu Việt Nam về hệ thống công nghệ điều khiển và vận hành. Trung tâm Hành chính thành phố là nơi làm việc của 1.600 cán bộ, công chức và khoảng 600 lượt người đến giao dịch hằng ngày.
Công trình cầu và đường vành đai phía Nam dài hơn 7,2km, rộng 34m, có 2 cầu gồm cầu Hòa Phước dài 443m và cầu Cổ Cò dài 90m được khánh thành vào tháng 5-2014. Đây là công trình thuộc Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên, tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng, tạo nên trục giao thông chính, quan trọng, tạo cú hích quan trọng cho thành phố Đà Nẵng mở rộng và phát triển không gian đô thị về phía Nam.
Công trình nút giao thông ngã ba Huế cũng đã hợp long cầu vượt để tiến tới hoàn thành đúng tiến độ, khánh thành vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng Đà Nẵng 29-3-2015.
6. HĐND thành phố ra Nghị quyết phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam tại kỳ họp thứ 10, hđnd thành phố khóa VIII. Ảnh: VĂN NỞ |
Kỳ họp thứ 10 HĐND thành phố (khóa VIII) ra tuyên bố phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 và các hành động khiêu khích, gây hại đối với hoạt động bình thường của lực lượng chấp pháp, ngư dân Việt Nam trên vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nghị quyết nhấn mạnh, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 là hành động bất hợp pháp, vi phạm luật pháp quốc tế và xâm phạm thô bạo chủ quyền quốc gia Việt Nam. Với tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã huy động nhiều tàu, máy bay liên tục cản trở hoạt động và tấn công lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam.
Đặc biệt, đã đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân thành phố Đà Nẵng là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, là tội ác đối với ngư dân Việt Nam. HĐND thành phố Đà Nẵng khẳng định, trước sau như một, quần đảo Hoàng Sa là huyện đảo của thành phố Đà Nẵng, thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép bằng vũ lực từ năm 1974.
Lãnh đạo thành phố cũng quyết định giữ lại tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm; nâng diện tích Nhà trưng bày Hoàng Sa lên gấp hai lần…; đồng thời tổ chức nhiều hội thảo, triển lãm khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
7. Chú trọng công tác an sinh xã hội
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh kiểm tra tiến độ sửa chữa nhà trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: BÌNH AN |
Năm 2014, công tác đầu tư an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng, nổi bật là việc hoàn thành sửa chữa, xây mới 950 ngôi nhà cho các gia đình chính sách (vượt 16,14% kế hoạch), với tổng kinh phí 22,6 tỷ đồng. Trong đó có 81 hộ xây mới với mức hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ, 869 hộ sửa chữa với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ. Mỗi nhà còn được tặng 1 ti-vi với tổng giá trị gần 3 tỷ đồng. Như vậy, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành Đề án hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng trong năm 2014.
Năm 2015, Đà Nẵng sẽ hoàn thành xây dựng, sửa chữa 1.000 ngôi nhà cho các gia đình có công với cách mạng và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện là 24 tỷ đồng.
8. Thu ngân sách vượt kế hoạch
Vận chuyển hàng hóa qua Cảng Đà Nẵng. Ảnh: T.LÂN |
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố ước thực hiện 11.589 tỷ đồng; vượt trên 8% dự toán Trung ương giao; trong đó thu nội địa 9.020 tỷ đồng, đạt 106,12% dự toán. Nguồn thu từ đất giảm dần tỷ lệ trong tổng thu ngân sách, từ 48,5% (năm 2011) xuống khoảng 19% năm 2014.
Tổng sản phẩm địa phương trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) ước đạt 41.714 tỷ đồng, tăng 9,28% so với năm 2013 (GRDP năm 2013 tăng 8,3%). Các ngành dịch vụ phát triển ổn định. Lĩnh vực du lịch vẫn giữ được mức tăng trưởng cao, thu hút 3,8 triệu lượt khách đến với thành phố, đạt 105,6% kế hoạch (KH), tăng 21,9% so với năm 2013; tổng thu du lịch ước đạt 9.740 tỷ đồng, tăng 25,1% (KH tăng 13-14%). Trong năm, Cảng Đà Nẵng đạt sản lượng 6 triệu tấn hàng hóa qua cảng… Tuy nhiên, môi trường đầu tư của thành phố cần phải cải thiện khi hai năm liền thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sụt giảm.
9. Quyết liệt đầu tư văn hóa, chấm dứt tuyển sinh trái tuyến
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí kiểm tra tình hình thực tế tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm và Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng. Ảnh: VĂN NỞ |
Từ khi có ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Trần Thọ về việc năm 2014 phải đầu tư cho văn hóa gấp 1,5 lần năm 2013, năm 2015 đầu tư gấp hai lần so với năm 2014, ngành văn hóa đã vào cuộc, rà soát và lập các dự án đầu tư. Theo đó, 4 công trình trọng điểm của thành phố được cải tạo, nâng cấp: Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.
Nhiều cơ sở, thiết chế văn hóa khác được xem xét, như chuyển đổi 16 khu vui chơi giải trí thành 12 trung tâm văn hóa thể thao phường/xã; 11 khu vui chơi giải trí thành vườn đi dạo. 9 di tích cấp thành phố đang bị xuống cấp cũng sẽ được tôn tạo, trùng tu với tổng quy mô đầu tư hơn 16 tỷ đồng.
Liên quan vấn đề tuyển sinh trái tuyến, lần đầu tiên Đà Nẵng đã chấm dứt được tình trạng này. Thành công này xuất phát từ công tác rà soát chấm dứt tình trạng tuyển sinh trái tuyến ở trường THCS Trưng Vương và 4 trường tiểu học Phan Thanh, Phù Đổng, Hoàng Văn Thụ (quận Hải Châu), Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) đã được thực hiện quyết liệt. Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Vũ Hùng nhìn nhận: với ngành giáo dục thành phố, có lẽ đây là dấu ấn lịch sử, làm chuyển biến tình trạng lưu cữu nhiều năm.
10. Trở lại số 1 PCI
Lắp ráp ô-tô tại Khu công nghiệp Hòa Khánh. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Sau hai năm rời khỏi nhóm dẫn đầu, Đà Nẵng đã trở lại ngoạn mục khi xếp thứ nhất trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh canh cấp tỉnh (PCI) năm 2013, công bố ngày 20-3-2014. Đây là lần thứ tư Đà Nẵng đứng ở vị trí quán quân này. PCI là thước đo về hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp. Mục tiêu quan trọng của PCI là giúp Đà Nẵng, những người làm chính sách và thực thi chính sách có thể tự hoàn thiện mình; qua đó có thể tạo lập và mang lại môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp.
Với sự trở lại vị trí dẫn đầu PCI, Đà Nẵng cam kết tiếp tục cải cách mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đang hoạt động kinh doanh tại thành phố, góp phần xây dựng và duy trì thương hiệu Đà Nẵng, một trong những thành phố hiện đại, năng động và sáng tạo ở Việt Nam.
Ngoài PCI, trong năm 2014 thành phố Đà Nẵng tiếp tục đạt được nhiều giải thưởng quan trọng, khẳng định sự phát triển của thành phố như năm thứ hai liên tiếp dẫn đầu Chỉ số cải cách thủ tục hành chính; năm thứ sáu liên tiếp dẫn đầu Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin; dẫn đầu về Chỉ số công lý.