Chính trị - Xã hội

"Hoàng Sa chỉ mất khi người Việt Nam cuối cùng thôi nghĩ về Hoàng Sa"

21:14, 07/12/2014 (GMT+7)

ĐNĐT - Đây là khẳng định của Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Bùi Văn Tiếng tại lễ tổng kết Ngày hội sử học Đà Nẵng 2014 diễn ra chiều 7-12.

Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Võ Công Chánh trao 3 giải nhất cho em Trần Thị Kiều Trang, Hồ Thị Thanh Thảo và Hoàng Ngọc Diễm.
Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Võ Công Chánh trao 3 giải nhất cho em Trần Thị Kiều Trang, Hồ Thị Thanh Thảo và Hoàng Ngọc Diễm.

Ngày Hội sử học Đà Nẵng 2014 do Hội Khoa học Lịch sử thành phố phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND huyện Hoàng Sa, Thành đoàn Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng, Sở Giáo dục và Đào tạo đồng tổ chức. Kéo dài trong 2 tháng (tháng 10 và tháng 11), Ngày hội sử học Đà Nẵng 2014 gắn với hoạt động duy nhất Cuộc thi viết về huyện đảo Hoàng Sa thân yêu.

Tham gia Cuộc thi viết về huyện đảo Hoàng Sa thân yêu, người dự thi được yêu cầu thể hiện tình cảm của bản thân đối với huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng - phần lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam đang bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép 40 năm nay, trong một bức thư viết dưới dạng văn xuôi gửi cho một người bạn thân đang là học sinh/sinh viên ở một tỉnh, thành phố trong nước hoặc nước ngoài.

Trưởng ban tổ chức cuộc thi, ông Bùi Văn Tiếng cho biết, hơn 87 ngàn bức thư viết tay gửi về là hơn 87 ngàn bài diễn thuyết sáng tạo, hùng hồn, cảm xúc nhưng cũng rất gần gũi, chân thật, qua đó khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đối với Hoàng Sa. Người nhận thư có thể là Malala Yousafzai, nữ sinh 17 tuổi người Pakistan vùa giành giải Nobel Hòa bình 2014, có thể là những bạn cùng lứa tuổi ở Nhật - đất nước đang tranh chấp với Trung Quốc về quần đảo Senkaku - Điếu Ngư hoặc cũng có thể là người bạn thân đang sống ở huyện đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa…

“Khả năng kết nối đầy sáng tạo qua các bức thư đã tạo ra sự đồng cảm giữa người viết thư và người nhận thư. Bức thư không chỉ mang tâm tư, tình cảm của người viết mà lớn hơn là ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ đối với chủ quyền quốc gia”, ông Bùi Văn Tiếng nói.

Những bài dự thi lọt vào vòng chung khảo đều gặp nhau ở một điểm chung là nhắc đến các sự kiện lịch sử liên quan đến Hoàng Sa như một điều tất yếu. Tuy nhiên, những tác phẩm này không sa vào trần thuật khô khan mang tính giáo khoa, đặc biệt không sa vào kích động hận thù giữa 2 dân tộc. Tất cả chỉ nhằm khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, thể hiện thái độ hòa bình và lập trường chính nghĩa của người Việt trước âm mưu độc chiếm Biển Đông của nước láng giềng phương Bắc, thể hiện lòng yêu nước và khát vọng chát bỏng về một ngày đòi lại được Hoàng Sa từ tay Trung Quốc.

Hồ Thị Thanh Thảo, học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, một trong 3 tác giả nhận giải nhất, xem viết thư như một cách để giải bày cảm xúc chứ không đơn thuần chỉ để tham dự cuộc thi: “Mặc dù chưa tận mắt nhìn thấy Hoàng Sa, em vẫn cảm nhận được Hoàng Sa là phần máu thịt của Tổ quốc. Cảm xúc khi một phần lãnh thổ của Việt Nam được tắm bằng máu của hàng chục người lính Việt, cảm xúc khi hiểu máu xương của các anh đã nằm lại giữa biển nước quê hương nhưng Việt Nam vẫn không giữ được chủ quyền đất nước đã giúp em viết thư chỉ trong thời gian rất ngắn”.

Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Võ Công Chánh bày tỏ sự xúc động, bất ngờ khi đọc những lá thư của các công dân trẻ tuổi thành phố Đà Nẵng gửi cho bạn bè khắp nơi trên thế giới thể hiện tấm lòng của mình hướng về Hoàng Sa. “Những bức thư không chỉ thể hiện sự hiểu biết và quan tâm đến các vấn đề lịch sử, pháp lý, thực địa tại Hoàng Sa mà còn gửi gắm trong đó mong ước hòa bình, công lý, chính nghĩa. Sau hơn 40 năm Hoàng Sa bị đoạt khỏi vòng tay mẹ Việt, những ước vọng tuổi trẻ tiếp tục được thể hiện, đây chính là lửa niềm tin tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh giành lại Hoàng Sa”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí đáng giá cao hiệu quả của Cuộc thi viết về huyện đảo Hoàng Sa thân yêu. Hơn 87 ngàn bức thư tay đã nói lên được sự thành công của hoạt động chính trị và học thuật hướng về Hoàng Sa nói riêng, biển đảo quê hương nói chung. Công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo mà lãnh đạo Đà Nẵng vẫn luôn trăn trở đã đạt được thành công bước đầu khi thu hút được sự quan tâm của tuổi trẻ thành phố cùng tham gia vào cuộc thi và cùng thể hiện khát vọng một ngày nào đó Hoàng Sa sẽ trở về với đất mẹ Việt Nam.

Sau 3 vòng chấm thi, ban tổ chức đã chọn ra 15 bức thư hay nhất để trao giải, theo đó giải nhất khối Cao đẳng, Đại học thuộc về em Trần Thị Kiều Trang – khoa lịch sử Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, khối THPT thuộc về em Hồ Thị Thanh Thảo – lớp 12C1 trường chuyên Lê Qúy Đôn và em Hoàng Ngọc Diễm – lớp 7/4 trường THCS  Lê Thánh Tôn đoạt giải nhất khối THCS.

Bài và ảnh: MAI TRANG

.