Cách đây ít lâu, tại Hội thảo nhân 100 năm ngày sinh GS Hoàng Xuân Nhị, GS Phong Lê bày tỏ: “Không biết vì lý do gì, từ sau khi nghỉ hưu, GS Hoàng Xuân Nhị bị lãng quên khá lâu. Trong Từ điển Văn học (bộ mới) nhắc đến những tác giả lớn cùng thời hoặc học trò của ông nhưng không đề cập Hoàng Xuân Nhị. Như vậy có bất công với ông không?”.
GS Hoàng Xuân Nhị (Ảnh tư liệu) |
Góp phần lý giải điều này, TS Hoàng Xuân Quốc - con trai GS Hoàng Xuân Nhị chia sẻ: “Từ khi cha tôi mất đến nay, gia đình không chủ động đề nghị hay làm thủ tục gì để vinh danh thêm cho ông. Có thể đó là thiếu sót nhưng từ sâu trong tâm thức của gia đình chúng tôi luôn tôn trọng ông với sự khiêm nhường, giản dị, không màng chức tước, danh lợi”.
Một tài năng phát triển sớm
GS Hoàng Xuân Nhị sinh năm 1914 tại làng Yên Hồ, huyện Ðức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh ra trong một gia đình Nho học và mồ côi mẹ từ nhỏ. Thiếu thời, Hoàng Xuân Nhị học ở Vinh. Ông sớm mang trong mình những tố chất đặc biệt: hiếu học và học giỏi; yêu nước và tận trung với nước; sự quyết chí và kiên định.
Sau khi lấy bằng thành chung ở Huế, Hoàng Xuân Nhị ra học ở khoa Luật (Hà Nội). Năm 1936, ông nhận học bổng của Hội khuyến khích du học để sang Pháp học tập, nghiên cứu về văn chương và triết học. Hai năm sau, ông lấy xong bằng cử nhân và thạc sĩ. Bên cạnh đó, ông còn dịch nhiều tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam như: Lưu Bình - Dương Lễ, Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều... ra tiếng Pháp, dịch các tác phẩm về lịch sử văn học Nga, các tác phẩm của Maksim Gorky và Vladimir Vladimirovich Mayakovsky đăng trên tạp chí Mercure de France.
Hưởng ứng lời kêu gọi năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông là một trong những tên tuổi trí thức cùng thời Lê Văn Thiêm, Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch… từ bỏ cuộc sống sung sướng, đầy đủ ở nước ngoài để trở về tham gia kháng chiến kiến quốc.
Năm 1946, Hoàng Xuân Nhị phụ trách lĩnh vực văn hóa ở miền Nam. Năm 1947, ông được Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ bổ nhiệm làm Giám đốc Viện Văn hóa kháng chiến, đồng thời giao phụ trách tờ La Voix Du Maquis (Tiếng nói kháng chiến) - tờ báo ngoại ngữ đầu tiên ở chiến khu cách mạng. Do giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, ông còn được ủy ban giao làm nhiệm vụ chính trị viên của binh đoàn quốc tế gồm các binh sĩ rời bỏ hàng ngũ của Pháp.
Cũng năm 1947, chính phủ kháng chiến bổ nhiệm Hoàng Xuân Nhị làm Giám đốc Viện Văn hóa kháng chiến. Khi ngành văn hóa thống nhất với ngành giáo dục, Hoàng Xuân Nhị được bổ nhiệm làm Giám đốc Nha giáo dục Nam bộ. Năm 1949, ông tham gia mở lớp sư phạm đặc biệt mang tên Phan Châu Trinh đào tạo văn hóa cho lực lượng kháng chiến.
Sau sự nghiệp kháng chiến kiến quốc vĩ đại, Hoàng Xuân Nhị cũng là người đặt viên gạch đầu tiên để kiến tạo nền giáo dục đại học mới. Khi tập kết ra Bắc, ông làm giáo sư tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Người làm chủ nhiệm khoa lâu nhất
Những thế hệ sinh viên “đời đầu” của trường luôn ghi dấu trong tim hình ảnh người thầy đức độ, tài năng. Suốt những tháng năm gắn bó với trường thì cũng chừng ấy năm ông giữ chức vụ Trưởng khoa Văn (1957-1982). Nhiều học trò vẫn còn nhớ chuyện vui khi thầy Hoàng Xuân Nhị hóm hỉnh tâm sự: “Làm bộ trưởng lâu nhất là Nguyễn Văn Huyên, Hiệu trưởng lâu nhất là Ngụy Như Kon Tum và chủ nhiệm khoa lâu nhất là mình”.
Với cương vị của mình, lại là người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho khoa Văn, bằng uy tín, sự nhiệt tình, ông đã mời nhiều học giả danh tiếng đến khoa thuyết giảng cho sinh viên như: Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh...
Theo PGS,TS Nguyễn Ngọc Thiện, “với sự thông tuệ, cần mẫn trong nghiên cứu, dịch thuật và một sự nghiệp đáng kể, Chủ nhiệm khoa Hoàng Xuân Nhị đối với chúng tôi là một tấm gương sáng về chuyên cần học tập, chuyên tâm và khổ công tự học, nghiên cứu khoa học, dịch thuật và chuyển ngữ”.
Hơn 20 năm sau ngày mất của GS Hoàng Xuân Nhị, giờ đây, PGS,TS Nguyễn Ngọc Thiện vẫn nhớ mãi câu nói của thầy: “Trí tuệ mình đã được Đảng, cách mạng bồi đắp, nâng lên, và mang ơn sâu của Đảng, của Bác… Mục tiêu phấn đấu là tích cực tìm hiểu, học tập theo Bác, đồng thời dựa vững vào thơ của Người, cố gắng nâng chuyên luận của mình lên để góp phần vào lý luận cơ bản của thơ ca, văn nghệ cách mạng, hiện đại…”.
Bên cạnh đó, GS Hoàng Xuân Nhị còn đặt nền móng cho việc giảng dạy văn học Nga tại Việt Nam. Nhiều lớp học trò của người thầy này hiện đều là lực lượng nòng cốt trong nghiên cứu khoa học của nước nhà.
GS Hà Minh Ðức - một học trò và sau là đồng nghiệp, cùng tổ bộ môn với GS Hoàng Xuân Nhị kể: Thầy Nhị có thể dạy văn học Đức, văn học Pháp, nhưng chuyên trách về văn học Pháp đã có GS Nguyễn Mạnh Tường, văn học Đức chưa có trong chương trình dạy. Bởi vậy, thầy Nhị nhận dạy môn học mới là văn học Nga và Xô viết. Đảm nhận việc này, thầy Nhị phải học thêm tiếng Nga. Việc học tiếng Nga tuy khó khăn nhưng thầy Nhị chỉ cần dành nửa năm để học; đồng thời qua các tài liệu tham khảo bằng tiếng Pháp, tiếng Đức mà soạn bộ giáo trình gồm nhiều tập cho sinh viên các khóa.
Bằng tâm huyết đó, trong hoàn cảnh khó khăn, thầy đã biên soạn xong bộ giáo trình khá hoàn chỉnh Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX gồm 5 tập, được dùng trong tất cả các trường đại học. Thầy cũng là người đã dịch bộ sách Nguyên lý mỹ học Mác - Lênin hàng nghìn trang; đem đến cho sinh viên và giới học thuật nước nhà những quan điểm mới, có hệ thống về mỹ học Mác - Lênin. Hai chuyên luận về Gorky và Mayakovsky, hai bậc thầy tiêu biểu của văn học Xô viết của GS Nhị là hai công trình mở đường cho những người kế tiếp đi sâu nghiên cứu văn xuôi và thơ ca Xô viết.
Có thể nói, GS Hoàng Xuân Nhị là một trong những người đầu tiên có công đầu trong việc tạo ra cuộc tiếp xúc của văn học Việt Nam với nền văn học vĩ đại của nước Nga và các nước Xô viết.
HOÀNG THU PHỐ