Chính trị - Xã hội

Bài dự thi xuất sắc

08:30, 27/02/2015 (GMT+7)

Năm 2014, kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân, Ban Thanh niên Quân đội tổ chức Cuộc thi tìm hiểu truyền thống 70 năm thành lập quân đội trên quy mô toàn quốc.

Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố kiểm tra bài dự thi tìm hiểu truyền thống 70 năm quân đội.
Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố kiểm tra bài dự thi tìm hiểu truyền thống 70 năm quân đội.

Cuộc thi lớn này đã thu hút hàng vạn cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị LLVT, cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, cựu chiến binh và mọi tầng lớp nhân dân tham gia với niềm tự hào sâu sắc về chặng đường 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Cuộc thi khẳng định niềm tin tưởng của toàn quân, toàn dân vào những chiến công vĩ đại của quân đội qua các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc; tôn vinh vẻ đẹp của một quân đội anh hùng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Với ý nghĩa cao cả đó, những người mặc áo lính của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đã hưởng ứng và tham gia cuộc thi sôi nổi, nhiệt tình. Đặc biệt, với sự chỉ đạo sâu sát của Đại tá Nguyễn Thanh Hoàng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, một Ban biên tập thực hiện bài dự thi của Phòng chính trị được thành lập gồm các thành viên có năng lực, nhiệt tình, có kinh nghiệm trong các cuộc thi tìm hiểu. Đồng chí Chính ủy đã trực tiếp động viên Ban biên tập phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm hướng tới sự kiện trọng đại kỷ niệm 70 năm, chỉ đạo kỹ về nội dung, hình thức trình bày, ảnh minh họa, thiết kế trang bìa, giá đỡ, kiểu chữ… để làm sao có một bài dự thi đạt tiêu chuẩn “hoành tráng, tầm cỡ và đầy tính sáng tạo”.

Tuy thời gian nộp bài rất ngắn (chỉ trong 3 tuần) nhưng với quyết tâm cao, các thành viên đã nỗ lực ngày đêm chạy đua với thời gian, dành trọn ngày thứ bảy, chủ nhật để tìm kiếm, sưu tầm tư liệu, hình ảnh, lên ý tưởng về nội dung và cách trình bày. Với 5 câu hỏi về Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, những chiến dịch tiêu biểu của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến, bản chất truyền thống cách mạng vẻ vang của quân đội, ý nghĩa của Ngày hội quốc phòng toàn dân…, mỗi câu đều được cả Ban biên tập bàn bạc kỹ lưỡng, bảo đảm đúng, đủ, chính xác về nội dung, ngày tháng, sự kiện. Nhiều sáng tạo đã được các thành viên suy nghĩ, tìm tòi và đưa ra lấy ý kiến tập thể để các phần dự thi trở nên đặc sắc, ấn tượng. Trong đó, câu 5 nói về “cảm tưởng, kỷ niệm về Bộ đội Cụ Hồ, về mối quan hệ đoàn kết quân dân, về chủ quyền biển đảo quốc gia”, Ban biên tập đã chọn nội dung về biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa - chủ đề thời sự đang nóng trên cả nước, đồng thời cũng là vấn đề gắn bó, gần gũi với thành phố biển Đà Nẵng. Đây là câu được đầu tư trí tuệ tối đa, thể hiện tình yêu thiêng liêng với biển đảo và tinh thần sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vững chắc biển đảo Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) thành phố.

Ngoài 5 câu chính, bài dự thi còn bổ sung thêm một phần trình bày khá công phu về thành tích và quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của LLVT thành phố Đà Nẵng cùng với sự lớn lên của Quân đội nhân dân. Bài dự thi này còn sưu tầm hàng trăm hình ảnh về lịch sử, các chiến thắng nổi tiếng, các hình ảnh thể hiện sức mạnh của quân đội, hoạt động huấn luyện, xây dựng, hậu cần, kỹ thuật của LLVT. Có nhiều tấm ảnh nghệ thuật đã được Ban biên tập dành thời gian cả ngày đến các đơn vị dàn dựng và chụp ảnh để đưa vào bài dự thi. Bài dự thi được trình bày trên khổ giấy 60x80cm, dày trên 200 trang, nặng gần 80kg được đặt trang trọng trên giá đóng bằng gỗ, thuận tiện cho việc lật giở từng trang. Đặc biệt, trang bìa thể hiện sức mạnh hào hùng của quân đội, của nền quốc phòng toàn dân qua hình ảnh tổng hợp về các quân binh chủng hải - lục - không quân và lực lượng dân quân tự vệ.

Thượng tá Trần Phòng, Chủ nhiệm Nhà văn hóa Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố cho biết: “Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để lên ma-két từng trang một cách tỉ mỉ, công phu, sửa đi sửa lại từng chữ, từng dòng để bảo đảm chính xác từng chi tiết, từng số liệu, hình ảnh, tên người, tên chiến dịch, đồng thời vừa đẹp về hình thức, thể hiện được sự hào hùng của quân đội ta. Nhất là thể hiện được vẻ đẹp sáng ngời của người chiến sĩ hôm nay, của Bộ đội Cụ Hồ giữa thời bình trong lòng nhân dân”.

Có thể nói, các thành viên trong Ban biên tập đã dành trọn tâm huyết, thời gian, phát huy tối đa trí tuệ tập thể để làm nên một bài dự thi “khổng lồ” nhất từ trước đến nay. 70 năm là chặng đường lớn đánh dấu mốc son chói lọi của một quân đội anh hùng. Tác phẩm dự thi của những người mặc áo lính của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố có sức lan tỏa sâu sắc, góp phần giáo dục, tuyên truyền về truyền thống quân đội nhân dân, khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của người chiến sĩ hôm nay đối với nhiệm vụ sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc. Bài dự thi này được đánh giá cao, đoạt giải nhất cấp Quân khu và giải nhì cấp Bộ Quốc phòng; được chọn trao giải đặc biệt xuất sắc toàn quốc vào tháng 12-2014 trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân.

H.H

.