Chính trị - Xã hội

Dấu ấn không phai

07:23, 17/02/2015 (GMT+7)

Ông Lê Văn Hiểu, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố: Luôn dành cho cộng đồng doanh nghiệp sự quan tâm đặc biệt

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh thăm nạn nhân bão Chanchu trên táu cứu nạn trở về. 		       Ảnh: THANH LỘC
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh thăm nạn nhân bão Chanchu trên táu cứu nạn trở về. Ảnh: THANH LỘC

Đối với cộng đồng doanh nhân trẻ thành phố, anh Nguyễn Bá Thanh luôn dành sự quan tâm đặc biệt và có những kế hoạch hành động cụ thể, rõ ràng. Tôi nhớ mãi, năm 2010 thời điểm nền kinh tế cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng gặp khó khăn trầm trọng. Nhân hoạt động đại biểu HĐND thành phố gặp mặt cử tri, Hội Doanh nhân trẻ đã đề xuất buổi gặp mặt giữa lãnh đạo thành phố với cử tri là doanh nhân. Chỉ hai, ba ngày sau khi chúng tôi gửi đề xuất, anh Nguyễn Bá Thanh đã đồng ý và đích thân chủ trì buổi làm việc.

Trong buổi làm việc ngay sau đó, anh đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, có ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng doanh nhân trẻ nói chung, doanh nghiệp nói riêng như đề xuất UBND thành phố đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính, đất đai…

Sau năm 2010, anh đã 2 lần mời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về Đà Nẵng gặp mặt cộng đồng doanh nhân trẻ thành phố nhằm lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải. Ngay sau đó, nhiều chi nhánh ngân hàng tại Đà Nẵng đã nhanh chóng giảm lãi suất cho vay. Đây là yếu tố tích đối với cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Thuận Phước Lê Thúy Hằng: Tôi nhớ lời căn dặn phải giữ lửa nhiệt huyết vì dân

Khóa 1 Đề án 89 chúng tôi may mắn có đến 3 lần được đồng chí Nguyễn Bá Thanh lúc đó là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đến nói chuyện truyền đạt kinh nghiệm lãnh đạo. Suốt khóa học với 3 lần được đồng chí Nguyễn Bá Thanh đến nói chuyện, chúng tôi rất thần tượng, cảm phục phong cách lãnh đạo quyết đoán, gần dân, sát việc của đồng chí.

Riêng bản thân tôi có những kỷ niệm không bao giờ quên. Đó là hôm khai giảng khóa học, tôi được đại diện 100 học viên lên phát biểu cảm tưởng. Sau lễ khai giảng, đồng chí Nguyễn Bá Thanh gặp riêng tôi dặn dò: “Em phải giữ nhiệt huyết như bài phát biểu cảm tưởng em đã đọc. Giữ được lửa nhiệt huyết trong công tác mới thành công, không giữ được để nó lụi dần thì coi như chấm dứt.”

Trong một buổi nói chuyện khác, đồng chí nói với chúng tôi: Các anh, chị phải nhớ rằng mình đi học bằng tiền thuế do người dân đóng góp. Khi trở về công tác phục vụ nhân dân phải làm sao cho xứng đáng với số tiền đã tiêu của nhân dân.”

Sau khóa học trở về công tác tại phường Thuận Phước, tôi nhớ mãi lời căn dặn ấy và vận dụng trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Vận dụng kinh nghiệm được đồng chí Nguyễn Bá Thanh truyền đạt với kiến thức tích lũy và kinh nghiệm từ thực tiễn công tác của tôi đã trưởng thành tiến bộ nhiều. Lời căn dặn của người thầy-đồng chí Nguyễn Bá Thanh sẽ theo mãi trong sự nghiệp của tôi.

Ông Hồ Văn Duôi, tổ trưởng tổ 73 phường Hòa Xuân: Ông Nguyễn Bá Thanh còn mãi trong lòng người dân

Gia đình tôi trước đây ở thôn Lỗ Giáng 2, thuộc xã Hòa Xuân. Đây là vùng thấp trũng, hễ lũ về là nhà ai cũng ngập sát mái. Thật may, dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân mở ra, bà con chúng tôi ai nấy đều được đổi đời, không chỉ nhà cửa khang trang mà đời sống thu nhập gấp nhiều lần so trước đây. Có được thành quả to lớn này là công lao của ông Nguyễn Bá Thanh.

Ông ấy là người có tầm nhìn xa trông rộng, đề ra chủ trương đúng đắn, mang tầm chiến lược, luôn gần gũi, thấu hiểu hoàn cảnh và tâm tư nguyện vọng của nhân dân, nhất là những vùng giải tỏa di dời tái định cư. Trong giải tỏa, đền bù, ông chủ trương đem lại quyền lợi tối ưu cho người dân. Thực tế đã khẳng định, ở Hòa Xuân nói riêng, Đà Nẵng nói chung, hộ thuộc diện di dời giải tỏa nào cũng có cơ ngơi nhà cửa và cuộc sống hơn hẳn nơi ở cũ.

Nếu ông Nguyễn Bá Thanh không khởi xướng và triển khai quyết liệt việc giải tỏa di dời, triển khai các dự án phía nam sông Cẩm Lệ, chắc chắn đến nay người dân Lỗ Giáng và các khu vực khác ở Hòa Xuân vẫn phải tá túc trong những ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, xuống cấp tại khu vực liên tục ngập lụt, đời sống hết sức khó khăn, chứ lấy đâu có nhà tầng mặt phố hết lượt như hiện nay.

Thực tình, thời gian qua, hay tin ông mắc bệnh hiểm nghèo, ai nấy đều tâm niệm cầu mong ông chóng khỏe để cống hiến nhiều hơn nữa cho nước, cho dân. Không ngờ ông đi nhanh quá. Ông Thanh mất, bà con Hòa Xuân vô cùng đau xót cứ như chính người thân ruột thịt mình vừa qua đời.

Phải nói, hồi còn làm Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, nhất là giải quyết các vướng mắc trong giài tỏa ở Hòa Xuân, ông Thanh đã để lại trong lòng người dân nơi đây dấu ấn rất sâu đậm và tốt đẹp. Chắc chắn, hình ảnh vị lãnh đạo cao nhất thành phố Đà Nẵng luôn gần gũi với nhân dân này sẽ còn đọng mãi trong tâm trí người dân Hòa Xuân.

Anh Trương Văn Trọng, 47 tuổi, làm nghề xe ôm ở quận Hải Châu: Tình thương mến dành cho bác sẽ còn mãi

Tôi không thể quên kỷ niệm với bác Thanh. Cách đây nhiều năm khi bác Thanh còn làm Chủ tịch UBND thành phố, trong một buổi sáng chủ nhật, tôi gặp bác Thanh đi tập thể dục dắt theo một chú chó. Bác Thanh và tôi đều yêu loài vật này nên chúng tôi chuyện trò rất hợp. Rồi bác cùng tôi cùng vào quán cháo lươn ở đường Nguyễn Thị Minh Khai ăn sáng và ra một quán cóc gần đó uống rượu gạo.

Bác hỏi thăm và lắng nghe rất chăm chú về hoàn cảnh gia đình cùng những khó khăn mà tôi gặp phải. Trông chúng tôi như hai người bạn bình thường, chứ không còn khoảng cách giữa vị Chủ tịch thành phố với một người lái xe ôm. Và có lẽ ai đó gặp bác Thanh ngoài đường chắc cũng không nghĩ bác là lãnh đạo vì bác rất giản dị từ cách ăn mặc đến nói năng, không màu mè, không hoa mỹ, có sao nói vậy. Sau lần đó, tôi không có nhiều dịp gặp lại bác nhưng những kỷ niệm đó khiến tôi nhớ mãi.

7 năm qua, cánh xe ôm, xích lô tụi tui đều được hỗ trợ 250.000 đồng ăn Tết. Và chủ trương hỗ trợ này do chính bác Thanh đề xuất. Với người dư dả thì số tiền này không đáng là bao nhưng với anh em xe thồ tụi tui thì giá trị lắm. Bác Thanh đã hiểu được điều đó. Bây giờ, bác đã mất rồi nhưng tình thương mến tụi tui dành cho bác sẽ còn mãi.

Anh Nguyễn Như Nam, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu: Tết năm nay nhà mình không chưng hoa

Trưa 13-2, tôi đang gặp gỡ các đối tác về du lịch của Đà Nẵng, một anh đồng nghiệp nghe điện thoại từ Văn phòng Ủy ban báo “bác Thanh vừa mất”, cả bàn tiệc chúng tôi lặng người. Tôi chạy xe một mạch đến nhà ông, nhìn cảnh người người khuân khuân vác vác vật dụng dựng rạp lo hậu sự mà lòng tôi đau thắt, mắt tôi rưng rưng, cảm giác như mất một người thân.

Dẫu biết sinh ly tử biệt là quy luật của cuộc đời nhưng đối với người dân Đà Nẵng, ông ra đi là một mất mát vô cùng to lớn bởi đối với thành phố này, ông đã trở thành một biểu tượng, một biểu tượng sống về sự chí công vô tư. Mọi lợi ích ông làm đều hướng đến người dân chúng tôi, từ tầng lớp thấp nhất cho đến giới trí thức. Từng ngóc ngách phố phường cho đến những đại lộ, cây cầu hiện đại, đâu đâu cũng thấy hiện diện hình ảnh của ông. Tôi gần như thuộc lòng những bài viết về ông, những clip trên Internet phát lại những cuộc họp HĐND thành phố, những cuộc gặp, nói chuyện của ông… Càng xem, càng nghe thì càng yêu quý và cảm nhận tầm - tâm - đức của ông.

Sẽ không còn ai “đi gặp ông Thanh”, hay nhắn tin cho ông Thanh nữa. Sẽ không còn thấy bút phê quen thuộc trên đơn thư của dân nghèo nữa. Cánh cửa quen thuộc vẫn mở nhưng sẽ không còn những dòng người đợi ông tiếp tại nhà mỗi cuối tuần. Rồi đây thay vào đó là dòng người nợ ông ân nghĩa đến thắp cho ông nén hương thành tâm nguyện cầu linh hồn ông siêu thoát.

Ông chiếm trọn tình cảm của tôi và cả gia đình tôi. Vợ tôi nói: “Tết năm nay, nhà mình không chưng hoa nữa, anh nhé”. Tôi hiểu vợ mình cũng đang rất đau buồn vì sự mất mát này. Nhất định vợ chồng con cái tôi sẽ đến viếng ông, tiễn ông lần cuối về với đất mẹ! Vĩnh biệt ông, ông Bí thư của lòng dân!

Chị Trần Thị Lệ Xuân, 93 Phan Tứ, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn: Nhờ bác Thanh mà thành phố Đà Nẵng mới được như ngày hôm nay

Hôm qua nghe tin bác mất, cả gia đình tôi ai cũng khóc. Gia đình tôi mang ơn bác Thanh nhiều lắm. Trước đây giải tỏa đền bù để mở rộng đường Phan Tứ, gia đình mẹ tôi được phân một căn hộ chung cư, thế nhưng mẹ tôi đã già, lại là thương binh thì làm sao leo cầu thang nổi. Xin một lô đất, Ban giải tỏa đền bù cũng không giải quyết, cuối cùng đành gõ cửa nhà bác Thanh để trình bày. Mặc dù không gặp được bác, nhưng với lá đơn trình bày rõ hoàn cảnh gia đình, bác Thanh hiểu và yêu cầu Ban giải tỏa đền bù cấp cho mẹ tôi một lô đất đường Phan Tứ.

Tôi nghĩ, với thành phố Đà Nẵng, công lao bác Thanh có thể nói là rất lớn; thành phố đẹp ra mỗi ngày, khang trang hiện đại hơn đều xuất phát từ sự nỗ lực hết mình của bác trong công tác lãnh đạo. Tôi đặc biệt ấn tượng về tầm nhìn xa của bác trong quy hoạch, nhờ vậy mà “quận 3” mới có được bộ mặt khang trang hiện đại như bây giờ. Tiếc rằng, một lãnh đạo có tài, có đức như bác lại ra đi sớm quá. Tôi tự hứa sẽ chở mẹ lên thắp cho bác một nén  hương tiễn bác về nơi vĩnh hằng.

NHÓM PHÓNG VIÊN ghi

.